Chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới
Sau gần ba năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Bước đầu diện mạo về nông thôn mới đã rõ nét, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người trong xã từ 11,9 triệu đồng năm 2009, lên 23 triệu đồng năm 2011. Trong thành tựu đáng mừng này, có sự đóng góp của T.Ư Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi (NTT-TMC) Việt Nam.Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2008 đến 2010, T.Ư Hội Bảo trợ NTT-TMC Việt Nam đã triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ sinh kế cho NTT-TMC tại 22 xã, phường thuộc các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Dương, Thừa Thiên-Huế, Trà Vinh, Hậu Giang, Phú Yên, Bình Phước và Kon Tum. Qua một thời gian thực hiện, chương trình đã giúp người khuyết tật tự tin, có thêm nghị lực và phấn đấu vươn lên có việc làm, thu nhập, từng bước hòa nhập cộng đồng. Những xã thực hiện mô hình có thêm điều...
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2008 đến 2010, T.Ư Hội Bảo trợ NTT-TMC Việt Nam đã triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ sinh kế cho NTT-TMC tại 22 xã, phường thuộc các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Dương, Thừa Thiên-Huế, Trà Vinh, Hậu Giang, Phú Yên, Bình Phước và Kon Tum. Qua một thời gian thực hiện, chương trình đã giúp người khuyết tật tự tin, có thêm nghị lực và phấn đấu vươn lên có việc làm, thu nhập, từng bước hòa nhập cộng đồng. Những xã thực hiện mô hình có thêm điều kiện sửa chữa, hoặc làm mới một số công trình công cộng phù hợp quy chuẩn, giúp người khuyết tật có thể tiếp cận thuận lợi. Từ kết quả đạt được, năm 2011, T.Ư Hội tiếp tục triển khai ở 27/43 tỉnh, thành hội, với 37 xã tham gia, mở ra khả năng hiện thực về sự tham gia của một tổ chức xã hội vào chương trình có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước.
Chúng tôi về Tân Thịnh, một trong những xã được Chính phủ chọn làm điểm về mô hình xây dựng nông thôn mới và Hội Bảo trợ NTT-TMC Việt Nam tham gia hỗ trợ cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ vốn mua bò giống, lợn giống; hướng dẫn cách chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; sửa chữa nhà cửa, làm đường tiếp cận; trao xe lăn và học bổng… với nguồn kinh phí 100 triệu đồng. Chỉ sau thời gian ngắn, nhiều hộ gia đình nơi đây đã thoát nghèo, có điều kiện tốt hơn để nuôi con ăn học. Điển hình là gia đình chị Nguyễn Thị Bắc, ở thôn Cả, từ một hộ nghèo, cuộc sống chỉ trông vào mười sào ruộng, chủ yếu trồng cây thuốc lá và bí xanh, phải lao động quần quật cả năm, nhưng vẫn không đủ chi phí để nuôi ba người con, trong đó người con thứ hai bị bệnh tim bẩm sinh, con thứ ba bị tâm thần. Năm 2011, gia đình chị được T.Ư Hội Bảo trợ NTT-TMC hỗ trợ vốn, chị Bắc đầu tư mua một con lợn nái, sau thời gian chăn nuôi, con lợn nái sinh được mười con, chị bán năm con, trừ chi phí còn lãi hai triệu đồng. Chị Bắc bộc bạch: “Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các đoàn thể, giờ đây gia đình tôi đã khá hơn, đã lo đủ tiền để chữa bệnh cho cháu thứ hai. Hiện cháu lớn đang học tại Trường cao đẳng Sư phạm mầm non T.Ư, cháu thứ hai học Đại học Mở, khoa tiếng Trung sau khi được chữa khỏi bệnh”.
Sau gần mười năm lo chạy chữa bệnh ở nhiều nơi, mẹ các em Vũ Lương Tâm và Vũ Thị Tấm, ở thôn Đồng 2, qua đời. Vài tháng sau, người cha cũng mất vì ốm đau để lại hai đứa con nhỏ phải nương tựa vào bà nội hơn 80 tuổi. Để tạo điều kiện giúp các em có cuộc sống ổn định, Hội Bảo trợ NTT-TMC Việt Nam đã hỗ trợ học bổng giúp các em học hết THPT. Em Vũ Thị Tấm cho biết: Sau khi bố mẹ cháu qua đời, được sự đùm bọc của bà con làng xóm, chính quyền địa phương quan tâm, chúng cháu được an ủi rất nhiều. Toàn bộ nền sân, xây tường rào quanh nhà và làm cổng ra vào kiên cố đều là công sức của các bác trong Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh làm giúp. Chúng cháu hứa cố gắng học tập thật tốt để đền đáp công ơn cha mẹ và sự cưu mang đùm bọc của các tổ chức xã hội đối với chị em cháu.
Gần ba năm thực hiện chương trình nông thôn mới, khởi đầu toàn xã Tân Thịnh mới chỉ đạt tám tiêu chí, nhưng đến nay 16/19 tiêu chí đã đạt toàn diện, một số tiêu chí khác như cơ cấu lao động, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa đang được xã Tân Thịnh tiếp tục triển khai. Kinh tế trong xã có hướng phát triển đáng kể gắn với một số mô hình sản xuất mới. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất đã làm tăng thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người từ 11,9 triệu đồng năm 2009 lên 23 triệu đồng năm 2011 (gấp 1,9 lần so khi bắt đầu thực hiện). Có được thành quả như hôm nay, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh Đặng Minh Khôi khẳng định: “Việc xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn của Đảng. Chính vì vậy, khi Tân Thịnh được chọn là xã điểm, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nghiêm túc triển khai việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Thông qua xây dựng mô hình, cán bộ các sở, ban, ngành đã có dịp trực tiếp chỉ đạo các mô hình thực tế ở cơ sở, huy động được sức mạnh của cộng đồng và cả hệ thống chính trị ở địa phương khi tham gia xây dựng nông thôn mới. Điều đó được khẳng định qua thành tựu, Tân Thịnh ngày hôm nay đã đổi thay nhiều. 100% số đường xã, đường liên thôn, ngõ xóm và hệ thống kênh mương đã được bê-tông hóa, người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 12/12 thôn có khu trung tâm văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,5% theo tiêu chí mới, xã không còn nhà dột nát. Người dân tích cực hưởng ứng các phong trào vệ sinh môi trường, trồng và bảo vệ cây xanh, cải tạo vườn tạp, cải tạo công trình vệ sinh, sửa sang cổng ngõ, góp phần tạo cảnh quan sạch đẹp. Số người lao động sau học nghề có việc làm ngay đạt gần 90%.
Theo Nhandan
Ý kiến ()