Chung tay giúp đỡ nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông
LSO-Từ năm 2013 trở lại đây, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 150 vụ tai nạn giao thông làm 148 người chết và 102 người bị thương.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã có 72 người tử vong do tai nạn giao thông, đó là chưa kể những người trên địa bàn tỉnh gặp tai nạn tại các tỉnh khác. Mỗi vụ tai nạn giao thông xảy ra, phút chốc không chỉ cướp đi sinh mạng, sức khỏe của các nạn nhân mà đằng sau nó là những khó khăn của bao gia đình. Những đứa con mất cha, vợ mất chồng, gia đình mất đi người thân. Đáng nói hơn là đa số nạn nhân tử vong trong các vụ tai nạn đều là lao động chính, trụ cột kinh tế của gia đình. Họ mất đi khiến bao dự định, kế hoạch trong tương lai phải bỏ dở, nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền lại đè nặng lên vai những người phụ nữ, những người cha, người mẹ đã không còn khả năng lao động.
Cảnh sát giao thông thăm hỏi người nhà nạn nhân tai nạn giao thông |
Anh Hoàng Văn Ngân, thôn Nà Quân, xã Tân Văn, huyện Bình Gia mất cách đây 2 năm nhưng mỗi lần nhắc đến người con quá cố, ông Hoàng Văn Sinh lại không cầm nổi nước mắt. Trong một lần tham gia giao thông vào buổi tối, do đèn xe yếu nên anh và một chiếc xe đi ngược chiều đâm vào nhau, khiến anh tử vong. Từ khi anh Ngân qua đời, bao nhiêu công việc nặng nhọc đều do một tay vợ anh gánh vác. Bên cạnh lo việc ruộng đồng, cấy hái, chị còn phải chăm sóc cha mẹ chồng năm nay đã gần 80 và lo cho 2 đứa trẻ đang tuổi đến trường. Tiền ăn, tiền học, việc làng, việc xóm đều chỉ dựa vào mấy sào ruộng, đủ ăn đã khó, dư dật để lo cho chúng sau này lại càng khó hơn.
Trong ngôi nhà sàn xập xệ, cũ kỹ của ông Chu Văn Nình, thôn Bản Hỏi, xã Minh khai, huyện Bình Gia, những ngày này, trên bàn thờ người con quá cố vẫn nghi ngút khói hương, không khí tang thương vẫn lẩn quất trên gương mặt của các thành viên trong gia đình. Nhắc đến người chồng mất hồi tháng 6/2014, chị Hoàng Thị Ngoan nghẹn ngào: 2 vợ chồng đang tính sang năm mới 2015 sẽ làm lại cái nhà. Nhưng giờ chỉ còn mình tôi, bao nhiêu tiền của tích cóp được cũng đã lo cho mấy đứa nhỏ đi học, rồi thuốc thang cho ông bà nên cũng chẳng còn lại bao nhiêu. Nhà dột nát quá rồi, mỗi khi mưa bão là tôi lại không dám cho ông bà và mấy đứa nhỏ ở trong nhà. Trong thời gian tới, tôi không biết sẽ xoay sở thế nào. Sinh năm 1972 nhưng mái tóc của chị Ngoan đã bạc quá nửa. Từ khi chồng mất, 8 sào ruộng nương do một tay chị cày, cấy. Hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn, mất đi tình thương yêu của cha cũng trở nên lầm lì, ít nói. Chúng biết, cuộc sống sắp tới sẽ càng khó khăn hơn khi cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào vài sào ruộng.
Từ khi người con cả qua đời vì tai nạn giao thông, ông Hà Tiến Lừng, thôn bản Dạ, xã Xuân Mai, huyện Văn Quan phải một mình nuôi nấng, chăm sóc đứa cháu nội mới 4 tuổi. Gần 70 tuổi, một bên chân bị tật, đi lại khó khăn nên hầu như không có khả năng lao động. Cuộc sống của hai ông cháu là những bữa rau cháo từ sự giúp đỡ của anh em, họ hàng và bà con trong thôn. Ông cho biết: khi nó còn sống, vợ chồng biết bảo ban nhau làm ăn, nhưng nó mất, cuộc sống khó khăn hơn, không chịu nổi nên vợ nó bỏ đi. Giờ ông cháu tôi cũng không biết dựa vào đâu mà sống. Mỗi khi bật đài, nghe nói về tai nạn giao thông có người chết, người bị thương là tôi lại thấy đau lòng. Mong rằng mọi người khi tham gia giao thông hãy nâng cao ý thức để không xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Anh Nguyễn Lâm Hùng, Phó chánh văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh cho biết: hàng năm, Ban An toàn giao thông đều dành một khoản kinh phí để kịp thời giúp đỡ các trường hợp ngay sau tai nạn. Trong tháng hành động vì nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, chúng tôi đều chọn những gia đình nạn nhân khó khăn nhất trực tiếp đến thăm hỏi, động viên. Trong 2 năm trở lại đây, chúng tôi đã thăm hỏi, tặng quà cho 39 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh. Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố cũng thường xuyên tổ chức thăm, tặng quà gia đình các nạn nhân, nạn nhân các vụ tai nạn nghiêm trọng. Trong tháng 11/2014, riêng Đoàn thanh niên các cấp đã thăm hỏi, động viên hơn 60 gia đình có nạn nhân tai nạn giao thông. Cùng với đó là sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành thể hiện sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân, động viên họ vượt qua nỗi đau, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Hạnh phúc hơn người đã mất, nhiều người may mắn sống sót sau những vụ tai nạn giao thông, trở về với gia đình nhưng có thể cả quãng đời còn lại phải ngồi trên chiếc xe lăn hoặc nằm bất động trên giường bệnh, cuộc sống chỉ còn biết nương nhờ vào người thân. Đằng sau mỗi vụ tai nạn giao thông là nỗi đau của không ít gia đình, bên cạnh nỗi đau về tinh thần là sự mất mát về kinh tế, bởi hầu hết nạn nhân đều đang trong độ tuổi lao động. Mỗi vụ tai nạn đều là những bài học cho những người đang sống, hàng ngày tham gia giao thông. Thiết nghĩ mỗi người khi lưu thông trên đường cần nâng cao ý thức tạo môi trường giao thông an toàn. Có như vậy mới hạn chết được tai nạn và giảm số người chết, người bị thương bởi tai nạn giao thông.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()