Chung tay đưa Việt Nam vững bước trên con đường phát triển
Ngày 30 và 31/3, hơn 100 người Việt và gốc Việt hoạt động nổi bật trên nhiều lĩnh vực ở hơn 20 nước trên thế giới đã hội tụ tại Diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng - VGLF 2024" ở Paris (Pháp) để trao đổi và đề xuất sáng kiến cũng như hành động thiết thực góp phần đưa đất nước Việt Nam vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội để vững bước trên con đường phát triển.
Đây là lần thứ hai Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức diễn đàn như vậy nhằm kết nối nguồn lực tri thức của người Việt ở nước ngoài để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Năm 2019, diễn đàn cũng được tổ chức ở Paris với chủ đề “Nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam.”
Tri thức Việt kiều là nguồn lực quan trọng của dân tộc
Trong bài phát biểu trực tuyến từ Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đánh giá cao hoạt động ý nghĩa này để những người Việt có hoạt động nổi bật trên thế giới có dịp thể hiện nhiệt huyết đối với các vấn đề thời sự của đất nước.
Theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, kinh tế của Việt Nam tăng trưởng nhanh và ổn định, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, quốc phòng an ninh được bảo đảm, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững. Có được những thành quả trên không thể không kể đến sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài, các chuyên gia, trí thức các doanh nhân người Việt có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Sự thành công của người Việt Nam ở nước ngoài thể hiện sự thành công của Việt Nam và ngược lại.
Thế giới vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Tình hình như vậy đòi hỏi sự góp sức tích cực của cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước, nhất là đội ngũ khoa học và chuyên gia người Việt ở nước ngoài, để cùng vượt qua khó khăn, hóa giải những thách thức, quyết tâm đạt được những mục tiêu đã đề ra, hiện thực hóa khát vọng phát triển phồn vinh, thịnh vượng.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, năm 2024 là tròn 20 năm kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Việc xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã tạo điều kiện cho người Việt Nam tại nước ngoài, nhất là giới khoa học, chuyên gia nghiên cứu, trí thức.
Nghị quyết đã đề cao trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng củng cố vị thế vững chắc và phát triển tốt hơn ở nước sở tại.
Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: Đất nước Việt Nam của chúng ta đang chuyển mình hết sức nhanh chóng. Cùng đóng góp để đưa đất nước vươn lên và vươn lên cùng đất nước là hoài bão của mỗi người con đất Việt, dù ở bất cứ phương trời nào.
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, nền kinh tế năng động của Việt Nam được cộng đồng kinh doanh và đầu tư quốc tế đánh giá cao, cùng với một chính sách đối ngoại và hội nhập tích cực đang có nhiều tâm điểm được dư luận chú ý. Nhờ có chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ cũng như sự lao động, phấn đấu và cống hiến bền bỉ của các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã và đang được được coi là một ngôi sao sáng, thể hiện một bản sắc riêng trong cả phát triển, đối ngoại và văn hóa, con người.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đứng trước các thách thức không nhỏ để có thể đạt được các mục tiêu phát triển của mình với những tầm nhìn lớn lao cho những thập kỷ tới, nhất là trong một thế giới đang có nhiều biến động khôn lường về kinh tế, chính trị, an ninh, môi trường. Để đất nước ta có thể tiếp tục vươn lên những thang bậc cao hơn một cách vững chắc hơn, mạnh mẽ hơn, tự cường hơn trước các thách thức đó, cần những bàn tay, khối óc và sự nhiệt thành, lòng quả cảm của tất cả người con đất Việt ở trong và ngoài nước.
Cũng đề cập đến công tác chăm lo, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, Nghị quyết 36 đã phát huy được sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành nhịp cầu góp phần gắn kết chặt chẽ người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc.
Kết nối và phát huy nguồn lực trí tuệ ở nước ngoài
5 năm qua, diễn đàn do AVSE tổ chức đã quy tụ được nhiều chuyên gia và nhà khoa học người Việt ở nước ngoài cùng với sự tham gia của đông đảo bạn bè quốc tế, cùng thảo luận và đề xuất những giải pháp để đánh thức những tiềm năng của Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, ông Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global nói: Hàng loạt hành lang pháp lý và công cụ chính sách quan trọng đã được xây dựng và thực thi để tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển đất nước trên các lĩnh vực phù hợp với nguồn lực của cộng đồng, thúc đẩy chuyển giao tri thức và kỹ năng của cộng đồng về trong nước và phát huy vai trò cầu nối trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế thương mại, văn hóa xã hội...
Việt Nam hiện có một lực lượng trí thức chuyên gia, nhà khoa học và doanh nhân rất tài năng đang sinh sống làm việc trong và ngoài nước. Chúng tôi mong muốn kết nối, chia sẻ những khát vọng và cùng để xuất những chương trình hành động để đóng góp vào công cuộc xây dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng của Việt Nam.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Võ Toàn Trung, Trưởng khoa Phục hồi chức năng vận động thần kinh của Bệnh viện Bullion (Pháp), diễn đàn này là một trong những hoạt động rất thiết thực để đất nước có thể tận dụng được nguồn lực tri thức ở nước ngoài trên nhiều lĩnh vực khác nhau phục vụ sự phát triển trong thời kỳ mới.
Chúng ta phải tập hợp với nhau thành những nhóm làm việc mạnh và đây chính là nguồn lực rất lớn cho đất nước.
Tiến sĩ Võ Toàn Trung
Tiến sĩ Võ Toàn Trung chia sẻ: Chúng ta phải có những con người mạnh, nhưng những con người mạnh không đủ. Chúng ta có thể tận dụng trong thời kỳ mà đất nước ta đang đứng trước rất nhiều biến động khác nhau, làm thế nào để Việt Nam có thể xác định được vị trí của mình ở tầm một đất nước phát triển trong khoảng 15 20 năm nữa. Trước kỳ vọng này, tất cả các nguồn lực của Việt Nam cần phải được huy động một cách tối đa.
Vì vậy diễn đàn này chỉ là một bước đầu tiên, tiếp nối cho quá trình phát triển xây dựng hệ thống kết nối của Việt Nam, làm thế nào để có thể phát huy được mọi nguồn lực trí tuệ. Ví dụ như ở Cộng hòa Pháp, có khoảng tầm 40-50 nghìn tri thức giỏi hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau.
Nhà nước hỗ trợ về mặt chính sách, hỗ trợ về mặt kết nối hỗ trợ, để làm thế nào xây dựng được một hệ thống thực sự là chỗ dựa vững chắc cho Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới. Để đưa Việt Nam ra khỏi con đường phát triển trung bình thì chúng ta phải dựa vào mọi nguồn lực, nhất là về trí tuệ, phát triển khoa học công nghệ.
Và để khoa học công nghệ phát triển theo tầm thế giới, chúng ta cần phải hoạch định chiến lược, xây dựng những chiến lược cụ thể cho Việt Nam, từ đấy tập hợp các hệ thống đã có trong nước và ở trên thế giới. Chúng ta cần xây dựng hệ thống nguồn lực trí thức trở thành một sức mạnh giúp cho Việt Nam có thể bật lên được như các nước phát triển với kỳ vọng thuộc top 20-30 nước phát triển nhất trên thế giới.
Tiến sĩ Võ Toàn Trung nhận định: Với những bước đi cụ thể như hiện nay và với chính sách khuyến khích của Đảng và Nhà nước hiện nay, tôi tin chắc là chúng ta sẽ thành công trong công cuộc xây dựng đất nước trong vòng 20 năm tới. Chúng ta có nhiều tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên chất xám. Chúng ta đã bắt đầu xây dựng được hệ thống kết nối ở nước ngoài thông qua những hiệp hội như AVSE. Còn ở trong nước, Đảng và Nhà nước cũng có chính sách xây dựng cái hệ thống đấy như Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các trung tâm phát triển khoa học công nghệ ươm mầm ở Láng Hòa Lạc, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh là những mô hình rất tốt. Nhưng chúng ta phải làm thế nào để tạo một sân chơi bình đẳng, tạo điều kiện kết nối.
"Tôi rất mong muốn, chúng ta phải có chiến lược đào tạo và phải tập trung vào mục tiêu quy hoạch phát triển của đất nước, ví dụ như vừa rồi Thủ tướng Phạm Minh Chính đã xác định Việt Nam là một đất nước sẽ tập trung vào công nghệ bán dẫn, chúng ta cần phải đào tạo 50 nghìn kỹ sư. Ngoài còn nhiều lĩnh vực khác cần phải phát triển như công nghệ sinh học, đây là một trong những ngành có đóng góp quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế kể cả nhiều nước phát triển trên thế giới ví dụ như Pháp, Mỹ, Anh…", Tiến sĩ Võ Toàn Trung nói.
Các tham luận của các diễn giả đến từ các tổ chức trong và ngoài nước cùng với các cuộc trao đổi tại VGLF 2024 tập trung vào chủ đề “Việt Nam - Vươn mình trong biến động,” với ba câu hỏi lớn: Làm sao để kết nối nguồn lực nhằm phát huy tiềm lực và thúc đẩy thịnh vượng Việt Nam, làm sao để nâng tầm vị thế Việt Nam trên thế giới” và làm thế nào để khai thác và sử dụng những chìa khóa của thành công để bứt phá.”
Các diễn giả không chỉ đề cập đến những thách thức và tiềm năng của Việt Nam trong bối cảnh có nhiều diễn biến khó lường trên thế giới, mà còn đưa ra các đề xuất về huy động nguồn lực nhân tài, tri thức, vốn, công nghệ nhằm góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ kinh tế, địa chính trị thế giới.
Theo ông Hà Dương Minh, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp và là tác giả đóng góp vào công trình của Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu được trao giải Nobel Hòa bình năm 2007, để phát triển bền vững và đạt mục tiêu không carbon vào năm 2050 và có một nửa lượng điện có nguồn gốc tái tạo cũng như điện gió và mặt trời bổ sung cho năng lượng thủy điện vào năm 2030, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với nước có thế mạnh về lĩnh vực này như Pháp và các nước G7. Những nước này sẵn sàng đầu tư số tiền rất lớn để xây dựng tất cả các cơ sở hạ tầng này với điều kiện phải có khuôn khổ ủy quyền để thực hiện việc đó.
Ông Hà Dương Minh chia sẻ: "Năng lượng đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Hôm nay chúng ta thấy rằng Việt Nam đạt được nhiều thành tựu kinh tế trong 30 năm qua. Việt Nam đã đi lên từ một nước nghèo có thu nhập trung bình và giờ chúng ta hướng tới một quốc gia có thu nhập trung bình cao. Tôi thấy pin xe điện là một trong những lĩnh vực nằm trong giải pháp để phát triển thành nước giàu vào năm 2050."
Còn bà Julie Nguyễn, Điều phối viên Kế hoạch chiến lược quốc gia Pháp 2030, cho rằng hệ thống giao thông và vận tải ở Việt Nam phát triển rất nhanh chóng. Tuy nhiên còn thiếu dịch vụ giao thông công cộng có chất lượng và hệ thống các loại phương tiện giao thông đa phương thức để có thể kết nối được với nhau như đường biển, đường bộ và đường hàng không.
Để phát triển giao thông vận tải, Việt Nam cần phải có một chiến lược lâu dài không những ở cấp trung ương, mà còn cả cấp địa phương, đồng thời tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp và người sử dụng giao thông vận tải để có được chiến lược lúc phát triển đầy đủ.
Bà Julie Nguyễn chia sẻ: "Tôi muốn nhấn mạnh yếu tố rất là quan trọng của giao thông vận tải, đó là số hóa giao thông vận tải. Bởi vì dự kiến đến 2030, giao thông vận tải thế giới sẽ không còn giống như hiện nay nữa. Giao thông vận tải sẽ không còn người lái nữa. Đó là lý do vì sao mà chúng ta cần phải tính đến phương án số hóa làn giao thông vận tải."
Bên cạnh đó, bà Julie Nguyễn cũng cho rằng cần phải chú trọng đến việc xanh hóa giao thông vận tải. Bởi vì trên thế giới, giao thông vận tải chiếm 30% ô nhiễm môi trường. Vì vậy chúng ta cần phải nghiên cứu sử dụng các nguyên liệu và sử dụng kỹ thuật số để hạn chế chất thải của hệ thống giao thông vận tải. Cần phải số hóa và xanh hóa chiến lược lâu dài ở cấp trung ương, cấp địa phương cùng với sự đóng góp của doanh nghiệp và người dân.
Diễn đàn là nơi tập hợp, kết nối sức mạnh tập thể của những người Việt và gốc Việt ưu tú trong chuyên môn, có mong muốn mạnh mẽ đóp góp cho đất nước và khơi dậy tinh thần đoàn kết cùng đem lại lợi ích chung cho đất nước Việt Nam.
Chủ tịch AVSE Global
Sự góp mặt của những người Việt thành đạt và có ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực ở hơn 20 nước tại VGLF 2024 không chỉ là để chia sẻ những thành tựu của họ mà còn là dịp để truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần tích cực đến cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước, khích lệ mọi người góp phần tích cực hơn nữa vào công cuộc xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho Việt Nam và cả thế giới.
AVSE Global (Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam) là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Paris, tập hợp nhiều chuyên gia và nhà khoa học đang sinh sống và làm việc ở hơn 20 quốc gia khác nhau. Hoạt động của AVSE Global gồm: tham vấn - tư vấn chính sách, tri thức và dự án, hội thảo và diễn đàn chính sách, nghiên cứu và phát triển và đào tạo cao cấp. AVSE Global đã tham gia nhiều chương trình, dự án chiến lược thúc đẩy sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam, trong đó có quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch và phát triển đô thị bền vững, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, và năng lượng... ở các tỉnh, thành. |
Ý kiến ()