Chung tay cùng cộng đồng xây ước mơ cho trẻ vùng cao
LSO - Tại những bản làng vùng cao xa xôi, hẻo lánh, các em nhỏ phải học trong những lớp học tạm bợ, thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị học tập. Với mong muốn chung tay cùng cộng đồng để các em có điều kiện học tập, Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện mang những hơi ấm từ khắp mọi miền của Tổ quốc để chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn, đem lại nụ cười, niềm vui cho học sinh và thầy cô giáo ở vùng cao, xa xôi hẻo lánh trên địa bàn tỉnh.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thắp sáng niềm tin trao tiền cho lãnh đạo nhà trường xây dựng phân trường tiểu học Lân Hoèn, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn |
Niềm vui của học sinh nghèo vùng cao
Năm học 2016- 2017 này, học sinh, thầy, cô giáo phân trường tiểu học Lân Hoèn, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn sẽ không phải học tập, làm việc trong những lớp học dột nát, tranh tre vách nứa. Thay vào đó là ngôi trường kiên cố, vững chắc, bàn ghế sạch đẹp, đảm bảo che nắng, che mưa hay những cơn gió mùa đông bắc lạnh lẽo của vùng núi cao. Thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Câu lạc bộ Thắp sáng niềm tin (thành phố Lạng Sơn) làm cầu nối kêu gọi, vận động các doanh nghiệp và nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tài trợ. Ngôi trường được khởi công xây dựng từ đầu tháng 7/2016 trên nền đất của ngôi trường cũ, có quy mô 3 phòng học, mái lợp tôn lạnh, nền láng xi măng với tổng diện tích 136 m2, tổng kinh phí xây dựng 150 triệu đồng. Mặc dù đường giao thông vào phân trường đi lại khó khăn, nhưng từng thanh thép, viên gạch, khối cát đã được bà con và các thành viên trong câu lạc bộ vận chuyển bằng xe máy, thậm chí cuốc bộ hàng ki-lô- mét để đưa đến nơi tập kết, sẵn sàng xây nên ngôi trường trong thời gian sớm nhất, kịp đưa vào sử dụng trong năm học mới này.
Những ngày cận kề ngôi trường sắp hoàn thành, chúng tôi gặp các thầy, cô giáo cũng như phụ huynh, học sinh, gương mặt ai cũng hiện rõ niềm vui, phấn khởi. Em Dương Thời Hùng, học sinh lớp 5, phân trường tiểu học Lân Hoèn chia sẻ: Năm học mới này, chúng em được ngồi học trong ngôi trường mới kiên cố, sạch sẽ, em rất phấn khởi. Những ngày mưa, gió rét, chúng em không còn lo sợ nữa mà sẽ yên tâm học hành, chăm ngoan, học giỏi.
Cô Vũ Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú tiểu học I xã Trấn Yên cho biết: Niềm mơ ước bấy lâu nay của thầy, cô giáo, phụ huynh và học sinh nơi đây nay đã thành hiện thực. Ai cũng phấn khởi, mong chờ ngày khai giảng để được ngồi học trong lớp học mới kiên cố, sạch đẹp.
Vì thế hệ tương lai
Từ năm 2013 đến nay, các tổ chức, câu lạc bộ, nhóm từ thiện trong và ngoài tỉnh đã tài trợ kinh phí xây dựng được 5 phòng học, sửa chữa được 2 phòng học cho các phân trường mầm non, tiểu học ở các xã vùng sâu, vùng cao, biên giới. Qua đó tạo điều kiện cho hàng trăm em học sinh vùng dân tộc thiểu số có lớp học kiên cố, ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè, yên tâm học hành, xây dựng ước mơ tương lai.
Bên cạnh đó, các dự án phi chính phủ thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, nhà vệ sinh tại các phân trường tiểu học, mầm non thuộc các xã vùng sâu, biên giới như: công trình hệ thống nước sạch ở trường tiểu học, THCS thị trấn Đình Lập do Hội Chữ thập đỏ Singapore tài trợ và tình nguyện viên Singapore xây dựng với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng; Hội Chữ thập đỏ Đức tài trợ xây dựng trên 20 hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh ở các trường tiểu học, THCS thuộc các xã khó khăn, mỗi công trình khoảng 300 triệu đồng. Các công trình phục vụ được hàng nghìn lượt em học sinh cũng như cán bộ, giáo viên thuộc vùng dự án được hưởng lợi, chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm công tác, học tập.
Anh Phạm Đức Toàn, Trưởng Ban Công tác xã hội – Đối ngoại, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Các công trình thiện nguyện trên không chỉ giúp đỡ về vật chất mà còn động viên tinh thần những học sinh, giáo viên ở các xã vùng cao, biên giới còn khó khăn. Trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục kêu gọi các nhà tài trợ, câu lạc bộ thiện nguyện hỗ trợ xây dựng các điểm trường, công trình nước sạch, nhà vệ sinh, đặc biệt là các điểm trường ở vùng sâu, vùng cao biên giới.
Bài, ảnh: Đăng Thùy
Ý kiến ()