Chung tay chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng chính sách
Tết cổ truyền Mậu Tuất năm 2018 đang đến gần, đánh dấu một năm 2017 đất nước giành được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là năm đầu của phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Theo số liệu báo cáo gần đây, tỷ lệ hộ nghèo cả nước theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm còn 6,72%, giảm 1,51% so với cuối năm 2016, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40%; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3 đến 4% so với cuối năm 2016, đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ… Kết quả này là sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và quân ta trong công cuộc giảm nghèo bền vững, bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đó cũng là thành tựu lớn để cả nước hòa chung niềm vui bước vào một mùa Xuân mới.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đời sống cho các hộ nghèo, cận nghèo, công tác chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các đối tượng yếu thế trong xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Năm 2017, Chính phủ đã xuất cấp khoảng 38 nghìn tấn gạo trong dịp Tết Đinh Dậu, dịp giáp hạt đầu năm và hỗ trợ người dân các địa phương bị thiên tai; huy động các nguồn lực để hỗ trợ người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội dịp Tết Nguyên đán, kinh phí ước khoảng 2.812 tỷ đồng. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp xã hội, huy động nhiều nguồn lực trợ giúp những người thiệt thòi, yếu thế, tạo điều kiện để họ tự khắc phục khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Đón Xuân mới Mậu Tuất 2018 cũng là dịp cao điểm các địa phương, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo, các gia đình chính sách, các đối tượng yếu thế. Sự chung tay của toàn xã hội sẽ góp phần tăng cường nguồn lực chăm lo Tết cho người nghèo, khơi dậy và thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân.
Các địa phương tích cực rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017 làm căn cứ thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội trong năm 2018. Đồng thời rà soát, bổ sung đối với các hộ nghèo nơi xảy ra thiên tai, lũ lụt trong năm 2017 để các hộ dân không bị gián đoạn trong thụ hưởng chính sách; tập trung mọi nguồn lực bảo đảm người dân nghèo đón Tết cổ truyền đầy đủ, ấm áp. Phương châm đề ra là, phải làm tốt hơn nữa, chăm lo người nghèo, người có công với tình cảm, trách nhiệm như người thân, ruột thịt của mình.
Nhiều hoạt động ý nghĩa đã được triển khai với những hình thức phong phú. Tại Nghệ An, chỉ riêng chương trình “Tết vì người nghèo – Mậu Tuất 2018” đã thu hút 294 tập thể, cá nhân ủng hộ hơn 60,2 tỷ đồng. Với phương châm “Nhà nhà đều có Tết, người người đều có Tết”, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo” trên địa bàn nhằm thu hút sự đóng góp, chung sức của các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức chương trình nghệ thuật “Sức mạnh nhân đạo” với chủ đề “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” Xuân Mậu Tuất 2018 với mục tiêu vận động ít nhất hai triệu suất quà Tết để trao tặng các đối tượng này. Đây không chỉ là trách nhiệm lớn, nghĩa tình sâu nặng, tri ân những người đã đóng góp, cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì đất nước mà còn là dịp để chính quyền và người dân cả nước chung tay chia sẻ, góp sức tháo gỡ khó khăn cho những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn trong nước.
Việt Nam là một trong những quốc gia được Liên hợp quốc đánh giá là hoàn thành trước thời hạn thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ và là điểm sáng về thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Cùng với nhiệm vụ chăm lo Tết cho người nghèo, trong thời gian tới, công tác giảm nghèo cần đổi mới về cơ chế và cách tiếp cận, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, khơi dậy và phát huy sự chung sức của các cấp, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị. Cần khuyến khích sự chủ động và phát huy nội lực của địa phương, cơ sở, của cộng đồng và từng người dân để công tác giảm nghèo đi vào thực chất, với các hoạt động thiết thực nhằm bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()