Chung sức ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu
Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai đã thảo luận và thống nhất một loạt vấn đề, gồm Chương trình làm việc sau năm 2015; Tiến triển trong việc thực hiện chiến lược “Một ASEAN, một ứng phó”; Dự thảo Tuyên bố thực hiện Tầm nhìn ASEAN năm 2015 về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp; Thống nhất các quy định tài chính của Quỹ quản lý thiên tai và cứu trợ khẩn cấp ASEAN; Tăng cường phối hợp các Bộ trưởng thành viên khác, trong đó có Hội nghị các quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN, Hội nghị các quan chức cấp cao về phát triển y tế.
* Mặc dù tình trạng khói mù ảnh hưởng một số quốc gia ASEAN đã giảm dần, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 vừa được thông qua tháng 11 vừa qua, các nước đã đưa ra cam kết mới và hành động hợp tác nghiêm túc để ngăn chặn tình trạng khói mù xuyên biên giới ảnh hưởng nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN 18 năm qua. Các Bộ trưởng ASEAN chịu trách nhiệm về vấn đề khói mù của ASEAN đã kêu gọi lập lộ trình hướng tới một ASEAN không khói mù vào năm 2020. Theo đó, các nước phải thực hiện đầy đủ Chương trình ASEAN về quản lý bền vững hệ sinh thái đất than bùn (giai đoạn 2014 – 2020); lập tức vận hành Trung tâm Điều phối kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới của ASEAN.
* Với vị trí địa lý và các điều kiện tự nhiên đặc thù, Đông – Nam Á trở thành khu vực dễ bị tổn thương bởi những tác động của biến đổi khí hậu. Theo Phó Tổng Thư ký ASEAN Vông-thép A-tha-cay-van-va-ti, trước thực trạng vấn đề biến đổi khí hậu đã và đang gây những thiệt hại lớn trên toàn khu vực, các nước ASEAN đang chung tay trong nỗ lực giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động của con người dẫn đến sự biến đổi khí hậu. Hiện, phần lớn các nước ASEAN đã thiết lập kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP) dựa trên các nghiên cứu ở mỗi nước. Tất cả mười nước thành viên đã công bố mục tiêu giảm những tác động xấu đến môi trường, cam kết giảm lượng khí thải trong khả năng tích cực nhất.
Theo Nhandan
Ý kiến ()