Chung sức dựng xây nông thôn mới
LSO-Từ năm 2011 đến nay, nhân dân trong toàn tỉnh đã huy động trên 300 tỷ đồng, tự nguyện hiến gần 800 nghìn mét vuông đất và hơn 2 triệu ngày công lao động tham gia xây dựng nông thôn mới. Những con số ấy minh chứng rằng Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới đã thực sự đi vào cuộc sống.
Nông dân Lộc Bình chung sức làm giao thông nông thôn |
Trung tuần tháng 8/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã ra Nghị quyết số 20 về xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011-2020. Nghị quyết ra đời trong bối cảnh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh mới bắt tay vào triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới.
Nghị quyết xác định quan điểm: xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, của cả hệ thống chính trị, nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện khu vực nông thôn; xây dựng nông thôn mới vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, đòi hỏi các cấp, ngành phải kiên trì, bền bỉ, sáng tạo, quyết tâm cao trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng thời xác định nhân tố cán bộ đóng vai trò quyết định sự thành công của sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, trước hết là vai trò tập thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong xây dựng nông thôn mới, người nông dân là chủ thể, nông thôn là địa bàn, nhà nước giữ vai trò hỗ trợ.
Ngay sau khi ra đời, Nghị quyết đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân quán triệt, phổ biến sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trên địa bàn. Cuối năm 2011, Ban Chỉ đạo tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Lạng Sơn chung sức cùng cả nước xây dựng nông thôn mới”, gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị quán triệt, lồng ghép tại các cuộc họp, sinh hoạt chi bộ… Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành hướng dẫn tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết đến 100% các Đảng bộ trực thuộc.
Đồng chí Nông Thị Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn cho biết: thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể bằng nhiều việc làm cụ thể, sáng tạo, thiết thực đã tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào.
Bộ máy thực hiện chương trình nhanh chóng được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài ban chỉ đạo, ban quản lý cấp xã, ở cấp thôn còn thành lập ban phát triển thôn và các ban giám sát cộng đồng thôn, bản. Mới đây, cuối năm 2014, tỉnh đã kiện toàn lại Văn phòng Điều phối cấp tỉnh theo chỉ đạo của Trung ương, đồng thời thành lập các văn phòng điều phối cấp huyện và bố trí công chức chuyên trách xã. Qua đó hình thành đội ngũ chuyên trách xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết.
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết. Ví dụ như nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo của Ban Chấp hành Đảng bộ Bình Gia; nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu cây trồng của Ban Chấp hành Đảng bộ Cao Lộc… theo thống kê của Văn phòng Điều phối, từ khi triển khai đến nay, các cấp đã ban hành trên 800 văn bản để triển khai thực hiện chương trình. Trong đó có 9 nghị quyết, chương trình hành động của các huyện ủy, thành ủy; 10 nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp huyện, thành phố…
Qua học tập, quán triệt, vai trò của Đảng viên, người đứng đầu được phát huy và xuất hiện nhiều cách làm hay và hiệu quả như việc lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã làm cầu nối huy động các doanh nghiệp vào cuộc hỗ trợ cho người dân, điển hình ở Văn Quan, Bình Gia; bí thư, chủ tịch xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng mạnh dạn đứng ra vay vốn ngân hàng để ứng trước tiền giải phóng mặt bằng xây dựng công trình công cộng; thành ủy Lạng Sơn chỉ đạo các phòng ban trên địa bàn thành phố đảm nhiệm, phụ trách từng phần việc, từng công trình cụ thể để giúp các xã ngoại thành xây dựng nông thôn mới;…
Ông Hoàng Văn Én, Bí thư Chi bộ thôn Làng Ngũa, xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng) bộc bạch: Nghị quyết nhanh chóng thấm đến từng người dân bởi các nhiệm vụ, mục tiêu đều hướng đến người dân, phục vụ lợi ích của nhân dân. Sau khi học tập nghị quyết, Chi bộ xác định đảng viên phải gương mẫu đi đầu, bắt đầu từ việc cải tạo nhà cửa, xây dựng nông thôn mới từ chính gia đình mình. Qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức, từ chỗ coi đây là chương trình do nhà nước đầu tư, người dân dần phát huy được vai trò của chủ thể.
Việc tốt lan xa, mỗi việc tốt nhanh chóng nhân ra thành cả ngàn việc tốt. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2011 đến nay, nhân dân trong toàn tỉnh đã huy động trên 300 tỷ đồng, tự nguyện hiến gần 800 nghìn mét vuông đất và hơn 2 triệu ngày công lao động tham gia xây dựng nông thôn mới. Nguồn lực của nhân dân cùng với nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác đã và đang làm chuyển biến mạnh mẽ khu vực nông thôn Xứ Lạng.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()