Chung sức, đồng lòng giúp dân vượt qua thiên tai, mưa lũ
Lượng mưa lớn kéo dài liên tục trong nhiều ngày qua khiến nước sông lên cao, nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền trung bị ảnh hưởng nặng nề. Việc bảo đảm an toàn, di dời dân ra khỏi các điểm nóng ngập lũ, các vị trí xung yếu đã được lực lượng vũ trang nhân dân sát cánh cùng với các ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương. Công tác di dời dân, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, ngập lụt được triển khai khẩn trương, quyết liệt…
Cảnh sát cơ động Công an thành phố Ðà Nẵng di dời người dân Tổ 129, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu đi tránh lũ sáng 14/10. |
Sau những đợt mưa lớn dồn dập, trên địa bàn Ðà Nẵng xuất hiện nhiều điểm dân cư ngập sâu, gây tê liệt giao thông, trong khi dự báo mưa lớn còn tiếp tục trong vài ngày tới…
Xuyên đêm ứng cứu dân mắc kẹt trong lũ dữ
Ðêm 13 và ngày 14/10, hàng nghìn người dân tại các khu vực ngập lụt nguy hiểm của thành phố Ðà Nẵng đã được các lực lượng vũ trang cứu hộ, đưa đến nơi tránh trú an toàn. Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Lê Trung Chinh trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương giúp nhân dân di dời ra khỏi vùng nguy hiểm; bố trí nhà văn hóa, trường học để người dân ở tạm và hỗ trợ nước uống, lương thực, thực phẩm để người dân ổn định sinh hoạt. Ðặc biệt lưu ý các đơn vị và địa phương chống ngập, bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực Khe Cạn, quận Thanh Khê và tuyến đường Mẹ Suốt. Ðây là những điểm ngập lũ rất nặng.
Công an thành phố Ðà Nẵng đã huy động 100% quân số ứng trực với hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ. Công an 56 xã, phường của thành phố Ðà Nẵng túc trực bám địa bàn cơ sở, xuống tận những vùng trũng thấp hỗ trợ, giúp đỡ người dân di chuyển đến nơi an toàn. Lực lượng Cảnh sát giao thông Ðà Nẵng túc trực chốt chặn tại các điểm ngập sâu, các điểm sạt lở nhằm điều tiết, hướng dẫn người dân, phương tiện lưu thông. Trong đêm 13/10 và rạng sáng 14/10, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động với hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đã triển khai hỗ trợ giúp dân sơ tán, di dời tài sản tại khu vực đường Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái. Lực lượng công an ứng cứu người dân tại các khu vực ngập sâu tập trung tại địa bàn quận Liên Chiểu, Hòa Vang. Ðồng thời tiếp tục mua nhu yếu phẩm như nước, bánh mì gửi hỗ trợ gia đình các hộ dân đang bị chia cắt trong mưa lũ.
Rút kinh nghiệm của trận ngập lũ lịch sử vào tháng 10/2022, chính quyền quận Liên Chiểu đã triển khai các phương án, tuyên truyền cho người dân chủ động di dời đến nơi cao ráo. Tại các vị trí trũng ngập sâu được ưu tiên di dời dân trước, nếu dân không chấp hành thì cưỡng chế. Ông Nguyễn Ðăng Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) quận Liên Chiểu cho biết, khu vực ngập nặng đường Mẹ Suốt có hơn 10 tổ dân phố bị ngập với gần 5.000 người. Ðịa phương đã huy động mọi lực lượng, phối hợp các lực lượng công an, bộ đội di dời nhân dân đến nơi an toàn.
Thiếu tá Phạm Văn Ðức, Ðại đội 2, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Phòng Cảnh sát cơ động Công an thành phố Ðà Nẵng cho biết, ngay khi tiếp cận thông tin, anh và đồng đội đã triển khai công tác cứu nạn cứu hộ. Là người sống trong khu vực này nên Thiếu tá Ðức quen địa bàn và khi nắm thông tin người dân cung cấp trong hẻm nào còn có người thì anh đi theo hướng đó, dùng còi, đèn pin ra hiệu cho người dân trong nhà biết. Mực nước tại khu vực đường Mẹ Suốt có nơi ngập 2,2m, phương tiện cứu hộ không đủ, nên lực lượng cứu hộ dùng áo phao, thuyền phao đưa dân ra ngoài.
Trung tá Lê Thanh Sơn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận Liên Chiểu, thành phố Ðà Nẵng cho hay: “Các lực lượng chức năng ở lại trực trắng đêm. Các đơn vị quân đội đã điều xuồng cứu hộ vào sâu khu vực ngập nặng để đưa người dân đến nơi an toàn”.
Ðến chiều 14/10, toàn thành phố sơ tán an toàn hơn 2.316 người, trong đó sơ tán tập trung 194 người, sơ tán tại chỗ 2.122 người. Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Lê Trung Chinh có văn bản yêu cầu thành phố tập trung toàn nguồn lực ứng phó mưa lũ, sạt lở đất. Các quận, huyện phải thường xuyên theo dõi diễn biến của mưa, lũ sẵn sàng phương án sơ tán dân; triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn; chuẩn bị nhân lực, vật tư trang thiết bị, xử lý theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Lực lượng chức năng huyện Quảng Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung gia cố, chống sạt lở bờ đê. |
Sẵn sàng đối phó tình huống xấu
Theo cơ quan khí tượng, dự báo tình hình mưa lũ ở khu vực Thừa Thiên Huế-Ðà Nẵng ở cấp 4 – mức độ rất nghiêm trọng, nguy hiểm. Các địa phương vừa bảo đảm di dân an toàn, vừa chủ động các phương án đối phó mưa kéo dài và có thể ngập lụt diện rộng. Toàn tỉnh đã tổ chức di dời nhiều hộ dân tại xã Phong Hiền; huyện Phú Lộc di dời 20 hộ, với 68 nhân khẩu ở xã Lộc Tiến; thị xã Hương Trà sơ tán ba khẩu ở phường Hương Văn. Ðến chiều 14/10 đã ghi nhận một trường hợp người dân trú tại thị xã Hương Thủy tử vong trong khi đi đánh bắt cá.
Sáng 14/10, tổng lượng mưa trên toàn tỉnh từ 100-400 mm, có nơi cao hơn. Dự báo từ nay đến ngày 17/10, tỉnh tiếp tục có mưa to, có nơi trên 700 mm. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự huyện Quảng Ðiền huy động cán bộ, nhân viên và dân quân tự vệ về địa bàn phối hợp Công an xã Quảng Phước và lực lượng tại chỗ gia cố, khẩn trương đắp đê, chống sạt lở bờ Mai Dương. Nước dâng cao, việc gia cố đoạn đê vỡ gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng đã vận chuyển hàng trăm rọ đá cỡ lớn, đá hộc, để gia cố các vị trí bị hở hàm ếch, bị sóng đánh sạt lở. Các cán bộ, chiến sĩ không quản ngại hiểm nguy, dầm mình trong mưa lũ để trực tiếp hàn khẩu, gia cố hơn 50m đê bị vỡ.
Ðồng chí Phan Hùng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phước (huyện Quảng Ðiền) thông tin: Hiện lực lượng chức năng đang nỗ lực gia cố các vị trí bị sạt lở nhưng do dòng nước xoáy mạnh, nguy cơ vỡ đê rất lớn nên Ban Chỉ huy quân sự huyện đã huy động thêm lực lượng về hỗ trợ địa phương, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do nước lũ gây ra, bảo đảm an toàn cho tuyến đường.
Chủ tịch UBND xã Phú Diên (Phú Vang) Hoàng Văn Vy cho biết, trên địa bàn xã xảy ra sạt lở ở các tuyến đường dân sinh xuống biển. UBND xã Phú Diên huy động các lực lượng cho khắc phục tạm thời đoạn này với khoảng 1.000 bao cát, 20m3 đá. Mưa lớn còn gây sạt lở đập tràn tại thôn Mỹ Khánh, do lượng nước trong khu dân cư chảy từ hệ thống thoát nước ra quá mạnh, làm sạt lở đất tại đập tràn.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()