Chung sức, chung lòng xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc
Sáng 15-9, tại Trụ sở Báo Nhân Dân , Hà Nội, thiết thực hướng tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ VIII sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 25 đến 27-9, Ban Biên tập Báo Nhân Dân phối hợp Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới".
Tọa đàm nhằm làm rõ hơn về lý luận và thực tiễn vai trò, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, nêu cao tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chủ trì Tọa đàm. Dự Tọa đàm, có các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; các đồng chí Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận T.Ư, T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Phát biểu ý kiến tại buổi Tọa đàm, thay mặt Ban Biên tập Báo Nhân Dânvà tập thể những người làm báo Đảng, đồng chí Thuận Hữu bày tỏ tình cảm vui mừng được cùng lãnh đạo MTTQ Việt Nam đồng tổ chức cuộc Tọa đàm quan trọng với chủ đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới”. Đồng thời nêu rõ: Tọa đàm tổ chức trong thời điểm rất có ý nghĩa khi chỉ còn ít ngày nữa là diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII – một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và các tầng lớp nhân dân Việt Nam.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta, được lưu truyền qua các thế hệ người Việt Nam. Tinh thần yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung, tương thân tương ái tiếp tục được phát huy trong thời gian qua, góp phần tạo nên sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ các thành viên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên đã triển khai nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước có ý nghĩa thiết thực, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia với tinh thần hăng hái và sáng tạo, đóng góp có hiệu quả vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội…
Bám sát thực tiễn cuộc sống, trong nhiều năm qua, đội ngũ những người làm báo Đảng đã kịp thời phản ánh sâu sắc trên nhiều ấn phẩm của Báo Nhân Dânvề kết quả, thành tích của những cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam phát động. Ngày 10-9 vừa qua, Báo Nhân Dânđã bắt đầu mở chuyên mục trên trang 1 đăng tải các thông tin chào mừng Đại hội của Mặt trận các cấp trong cả nước. Và buổi Tọa đàm là một trong những hoạt động thiết thực hướng về Đại hội lần thứ VIII của MTTQ Việt Nam. Đồng chí Thuận Hữu nêu rõ: Chúng ta đã chứng kiến một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cả nước góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị của MTTQ Việt Nam khóa VII trình Đại hội khóa VIII.Từ người dân cho tới các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước; từ các tầng lớp nhân dân trong nước tới đồng bào ta đang sinh sống làm việc ở nước ngoài, những ý kiến trách nhiệm, thẳng thắn, tâm huyết đã nhìn lại, đánh giá, đặt ra nhiều vấn đề sâu sắc không chỉ cho một nhiệm kỳ hoạt động đã qua, mà quan trọng là góp phần bổ sung, hoàn thiện nhận thức về những vấn đề chiến lược, xuyên suốt mang tầm vĩ mô trong định hướng phát triển, hoàn thiện bộ máy và thực thi chức năng nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới.
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII đã đề ra năm chương trình hành động lớn của MTTQ giai đoạn 2014-2019, thật sự đã bao quát, đặt ra được những mục tiêu lớn. Nó cũng bao hàm trong đó phương châm hành động, giải pháp thực hiện; đặt ra cả khó khăn và thách thức phải vượt qua để MTTQ thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy dân chủ, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, vì đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thống nhất trong đa dạng là một quan điểm mang tính biện chứng. Phát huy dân chủ, lắng nghe mọi ý kiến, và quan trọng là từ lắng nghe, chúng ta sẽ biến những năng lượng đơn lẻ thành sức mạnh hội tụ, biến những ý tưởng thành chủ trương, chính sách, biến khát vọng thành hiện thực. Mục tiêu cao cả đó chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở cầu thị, tôn trọng các ý kiến đa chiều tiếp thu xây dựng có chọn lọc, có bản lĩnh.
Giữ vững và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc luôn có ý nghĩa chiến lược hàng đầu và xuyên suốt trong tình hình mới của đất nước. Có thể nói, hơn lúc nào hết, Mặt trận cần nâng cao vai trò có tính lịch sử trong việc tập hợp lực lượng nhằm phát huy tốt nhất sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Muốn vậy, cần nghiên cứu, đánh giá chuẩn xác cơ hội và thách thức đối với nhiệm vụ có tính chiến lược này. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Hội đồng tư vấn Văn hóa – Xã hội của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đánh giá: Hiện nay, chính trị đất nước ổn định, kinh tế có bước phát triển, đời sống nhân dân, trình độ dân trí được nâng lên. Đó là những thuận lợi rất căn bản. Tuy nhiên, việc đoàn kết toàn dân tộc không hoàn toàn tỷ lệ thuận với phát triển kinh tế. Thậm chí phát triển kinh tế càng cao mà lệch pha với phát triển xã hội, phát triển văn hóa, còn tạo ra nguy cơ rạn nứt đại đoàn kết toàn dân tộc. Khi phát triển kinh tế không đồng đều, không gắn liền với dân chủ, công bằng, kéo theo sự phân tầng xã hội, khoảng cách giàu nghèo ngày càng dãn ra thì sự rạn nứt ngày càng lớn hơn. Thêm vào đó, nạn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái đạo đức, tư tưởng, lối sống trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên làm mất niềm tin ở nhân dân là thách thức vô cùng nguy hiểm, sâu sắc đối với việc xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc…
Vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam đã được nhấn mạnh tại Hiến pháp (sửa đổi) và nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước. Đề cập giám sát của MTTQ là nói đến giám sát đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức đảng, Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, đảng viên. Hoạt động này nhằm mục đích xây dựng, bảo vệ và bảo đảm Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thật sự là “của dân, do dân và vì dân”. Về nội dung này, PGS, TS Bùi Xuân Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng: Vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể nhân dân đối với bộ máy Nhà nước tuy được hiến định và được Đảng và Nhà nước đề cao, song trên thực tế, cơ chế để Mặt trận thực hiện quyền giám sát của mình chưa được quy định rõ và đầy đủ. Để thực hiện hiệu quả chức năng giám sát, cần tăng cường sự phối hợp giữa MTTQ với các cơ quan có chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra, đồng thời cán bộ Mặt trận cần sâu sát, lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức Nhà nước. Phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên MTTQ nhằm thống nhất hành động trên cơ sở những mục tiêu chung, tạo ra sức mạnh tổng hợp, đấu tranh quyết liệt, nhất là trước những vụ vi phạm, thất thoát, tham nhũng lớn. Vấn đề tăng cường vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân trong việc phản biện xã hội chậm đi vào cuộc sống, do nhận thức chưa thống nhất, thực hiện chưa kiên quyết. Do vậy, điều cần thiết hiện nay là phải có nhận thức thống nhất về ý nghĩa, tầm quan trọng của phản biện xã hội trong Đảng, Nhà nước, trước hết là nhận thức đúng đắn và sự thông suốt về tư tưởng của những cơ quan và cán bộ trong bộ máy lãnh đạo và quản lý. Cùng với điều đó là nhận thức, ý thức trách nhiệm và trình độ, năng lực của các cá nhân, các tổ chức, đoàn thể nhân dân là chủ thể phản biện xã hội. Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam phải có đủ trình độ, năng lực và điều kiện để thực hiện sự phản biện xã hội.
Quan tâm nội dung công tác của MTTQ Việt Nam với vấn đề tôn giáo và dân tộc. GS, TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tôn giáo của MTTQ Việt Nam nêu ý kiến: Hiện nay vấn đề dân tộc của Việt Nam đã chuyển qua một giai đoạn khác và do đó, vấn đề lớn nhất trong đoàn kết các dân tộc chính là thống nhất ý thức quốc gia, ý thức dân tộc, giáo dục ý thức đại đoàn kết toàn dân với ưu tiên là giáo dục tình cảm, ý thức yêu nước, dân tộc gắn liền với ý thức quốc gia. Trong khi đề cao vai trò của MTTQ trong việc đi đầu xây dựng chính sách tôn giáo, giải quyết xung đột liên quan tôn giáo, GS Đỗ Quang Hưng nhấn mạnh việc tăng cường tham gia thể chế hóa luật; nâng cao năng lực quản trị; tổng kết thực tiễn để góp phần tìm ra mô hình Nhà nước thế tục phù hợp ở Việt Nam. Ngoài các chính sách cụ thể về phương diện kinh tế, xã hội nhấn mạnh những giải pháp, chính sách cụ thể về sự bình đẳng về cơ hội, bên cạnh chính sách hỗ trợ, tương trợ, xóa đói giảm nghèo…
MTTQ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động góp phần khơi dậy trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tinh thần dân tộc, hướng về cội nguồn, tích cực tham gia xây dựng đất nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. Đề cập nội dung công việc quan trọng này, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Đối ngoại và Kiều bào của MTTQ Việt Nam Phạm Văn Chươngkhẳng định: Mặt trận và các tổ chức thành viên đã thực thi quyền và trách nhiệm trong giám sát đối với việc xây dựng và thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc và các chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của những hoạt động kể trên là Mặt trận, với tư cách là nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên, đã động viên được tính tích cực chính trị, tình cảm cách mạng, trí tuệ và kinh nghiệm của đông đảo các tổ chức và cá nhân thành viên. Để tiếp tục góp phần có hiệu quả vào công tác này, yếu tố nêu trên cần được Mặt trận quan tâm thúc đẩy để có thể thu hút, tập hợp sự tham gia đông đảo hơn nữa các tổ chức thành viên.
Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến nhấn mạnh, việc tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc là yêu cầu tất yếu khách quan của sự nghiệp phát triển đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, việc tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc lúc này cần được nhìn nhận một cách thấu đáo, sâu sắc và có những đổi mới thật sự từ nhận thức đến hành động, từ cơ chế đến tổ chức, từ chủ thể lãnh đạo, quản lý đến người dân. Trong đó, Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Hậunhấn mạnh yêu cầu mở rộng hình thức tập hợp các tầng lớp nhân dân trên cơ sở đồng thuận xã hội và đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Xác định rõ điểm tương đồng trong hoàn cảnh mới để tập hợp toàn dân tộc là truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường và lòng tự hào dân tộc; là mục tiêu độc lập, thống nhất, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, không phân biệt đối xử về quá khứ, giai cấp, thành phần; xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, hướng tới tương lai. Trong sinh hoạt của Mặt trận, để chấp nhận những ý kiến khác nhau, cần đẩy mạnh các hình thức tiếp xúc đối thoại, diễn đàn rộng rãi, để hiệp thương trao đổi chính kiến, cung cấp thông tin, tăng sự hiểu biết lẫn nhau, tạo môi trường lành mạnh, để các tầng lớp xã hội có dịp phát biểu ý kiến một cách thẳng thắn, giải phóng tư tưởng, tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân…
Trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nhân sĩ, trí thức, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Túccho rằng: Hiện nay trong trí thức xuất hiện ngày càng nhiều sự lo lắng, nỗi băn khoăn, bức xúc và ý kiến khác nhau về những vấn đề cơ bản, có liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Để bảo đảm đoàn kết, bảo đảm dân chủ và bảo vệ chân lý, Mặt trận cần kiến nghị với Đảng thận trọng xem xét một cách toàn diện những ý kiến “trái chiều” đó, vì đó là những ý kiến của các nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học có uy tín, có ảnh hưởng lớn trong giới trí thức và một bộ phận nhân dân, những người đã từng giữ trọng trách trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, từng được xã hội coi trọng và đánh giá cao.
Để những ý kiến khác nhau, những quan điểm khác nhau đó không bị các thế lực thù địch lợi dụng, biến khác nhau thành đối đầu, thậm chí đối địch, ông Nguyễn Túc kiến nghị ban hành Quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị mà Đại hội XI của Đảng đã quyết định. Đồng thời, thành lập bộ phận nhân sĩ, trí thức vận của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, có trách nhiệm thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu. Định kỳ, lãnh đạo chủ chốt gặp mặt, lắng nghe ý kiến nhân sĩ, trí thức tiêu biểu.
MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng đảng, chính quyền
Nhiệm vụ Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân vừa là yêu cầu của Đảng, Nhà nước, vừa là trách nhiệm và quyền của MTTQ Việt Nam, bởi quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam là quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, được hình thành và phát triển trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, và bảo vệ Tổ quốc. Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thườngnêu rõ: Khi nhân dân hiểu rõ việc giám sát, phản ánh, góp ý kiến đối với cán bộ, đảng viên là quyền, trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng Đảng thì nhân dân sẽ tin tưởng, chân thành góp ý kiến. Qua đó, giúp Đảng, cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương thấy được những thiếu sót, những lỗ hổng về cơ chế, chính sách, pháp luật để có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn đời sống xã hội, đem lại quyền lợi cho nhân dân, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Ông Đỗ Duy Thường nhìn nhận: Thực tế cho thấy, Mặt trận chưa huy động đầy đủ các tổ chức thành viên trong công tác xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân. Việc thực hiện nhiệm vụ ở một số nơi còn mang tính hình thức. Tâm lý người dân phần đông ở nông thôn vẫn còn e ngại khi phải đối thoại, góp ý kiến, phản ánh những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức trong quan hệ tình làng, nghĩa xóm và cũng sợ bị trù dập.
Bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân là một trong những công việc có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của MTTQ Việt Nam. Trong thực tế cuộc sống, các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân là đa dạng. Thực tiễn đấu tranh cho thấy việc phòng, chống các vi phạm của các viên chức thoái hóa trong các cơ quan nhà nước gặp rất nhiều trở ngại. Chỉ ra thực trạng này, Luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phân tích thêm: Đảng, Nhà nước đã tiến hành nhiều biện pháp khắc phục, nhưng hiện tượng khiếu kiện đông người, vượt cấp, dài ngày vẫn chưa giảm bớt. Người khiếu kiện vẫn bị trả thù, vùi dập bằng nhiều hình thức. Người bị trù dập không chỉ là người yếu thế mà có cả người có công, là đảng viên lâu năm, là phóng viên báo chí, cán bộ đương chức. Việc bồi thường thiệt hại, khôi phục danh dự cho những người đã được minh oan còn nhiều bất cập. Luật sư Lê Đức Tiết đề xuất, để bảo vệ được quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân, MTTQ các cấp cần chủ động tiếp xúc và đổi mới công tác tiếp dân. Kinh nghiệm cho thấy khi có sự đối thoại trực tiếp, chân thành của người lãnh đạo Đảng, người đứng đầu chính quyền, Mặt trận với dân thì các vụ khiếu kiện nhanh chóng được giải quyết và giảm đi. Để giảm bớt khoảng cách giữa nhân dân với Đảng và chính quyền, MTTQ cần giúp Đảng và chính quyền thấu hiểu nguyện vọng và bức xúc của dân.
Về đấu tranh phòng, chống tham nhũng với vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, Luật sư Trần Ngọc Nhẫnđề xuất một số biện pháp cụ thể. Đó là, tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng kết hợp với giáo dục đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong cán bộ, công chức, hội viên, đoàn viên và nhân dân. Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước tăng cường giáo dục đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, noi gương Bác Hồ sống cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên hiểu rõ, nắm vững những quy định của Luật. Tiếp nhận, phân loại đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nghiên cứu những vụ việc bức xúc để kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, xử lý và giám sát việc xử lý đó. Mặt trận cần kiên quyết bảo vệ và kiến nghị Nhà nước có cơ chế bảo vệ những người dũng cảm tố cáo, phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí để họ được yên ổn, đồng thời có hình thức khen thưởng và kiến nghị Nhà nước có hình thức khen thưởng xứng đáng đối với những người có hành động dũng cảm, phát hiện, tố cáo những hành vi tham nhũng, lãng phí và sự phát hiện tố cáo đó đúng, chính xác.
Phát biểu ý kiến tổng kết Tọa đàm, đồng chí Vũ Trọng Kimnêu rõ: Các tham luận đã khẳng định vai trò lý luận và thực tiễn của MTTQ Việt Nam trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, để tiếp tục đổi mới, nêu cao vai trò, chất lượng hoạt động, MTTQ Việt Nam chú trọng nâng cao tính chủ động, sáng tạo, phát huy dân chủ trong nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong nhân dân. Làm tốt chức năng đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân và vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân. Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thực tiễn đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ tiếp cận với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân theo phương châm “đến từng ngõ, rõ từng nhà”. Trong đó, nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội; mở rộng thành phần tham gia công tác Mặt trận; chủ động thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên, gắn với việc đoàn kết nhân dân thông qua đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành dân chủ trong nhân dân.
Trước mắt, MTTQ Việt Nam chú trọng xây dựng và củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ Mặt trận các cấp đủ sức tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường các hình thức tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến của nhân dân, có cơ chế bảo vệ, khen thưởng nhân tố tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, đẩy mạnh thể chế hóa một số luật, cương lĩnh, chiến lược của Đảng liên quan công tác Mặt trận.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()