Chung sức, chung lòng để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững
Hôm qua, 23-11, tại kỳ họp thứ tám, QH tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã trả lời chất vấn của các đại biểu QH. Phiên họp này được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.Nhiều cử tri từ mọi miền đất nước đã gửi ý kiến của mình tới Tòa soạn Báo Nhân Dân, bày tỏ sự quan tâm những vấn đề nêu ra tại phiên họp này. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.Đầu tư xây dựng nông thôn mới có hiệu quảLà cử tri ở huyện miền núi khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tôi được biết mục tiêu tổng quát của đề án nhằm xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn...
Hôm qua, 23-11, tại kỳ họp thứ tám, QH tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã trả lời chất vấn của các đại biểu QH. Phiên họp này được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhiều cử tri từ mọi miền đất nước đã gửi ý kiến của mình tới Tòa soạn Báo Nhân Dân, bày tỏ sự quan tâm những vấn đề nêu ra tại phiên họp này. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đầu tư xây dựng nông thôn mới có hiệu quả
Là cử tri ở huyện miền núi khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tôi được biết mục tiêu tổng quát của đề án nhằm xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội (KT-XH) hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường. Theo tôi, muốn thực hiện thành công mục tiêu này cần tập trung giải quyết tốt các nhóm vấn đề như: Hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng; phát triển hạ tầng KT-XH nông thôn; hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả để tăng thu nhập cho người dân; phát triển văn hóa – xã hội cũng như nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng sẽ gặp phải những khó khăn trong việc đánh giá tiêu chí đạt chuẩn đối với khu văn hóa thể thao xã; vệ sinh môi trường nông thôn; việc nâng cao thu nhập cho người dân; phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư các công trình… Để giải quyết được những khó khăn này, theo tôi, các cấp, các ngành và địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phát động thi đua xây dựng NTM tới tận thôn, bản; khảo sát, cập nhật lại quy hoạch hiện trạng; điều chỉnh thiết kế chi tiết theo các tiêu chí NTM; củng cố, nâng cao vai trò hệ thống chính trị. Tôi cho rằng, mỗi địa phương và nhất là chính quyền cấp xã phải là chủ đề án xây dựng NTM và tùy theo năng lực quản lý sẽ phân cấp chủ đầu tư các công trình, dự án trong đề án xây dựng NTM, đồng thời sẽ căn cứ vào điều kiện phát triển của từng địa phương để có cơ chế huy động nguồn lực đầu tư xây dựng đề án.
Kinh phí để xây dựng một xã đạt tiêu chuẩn xã NTM là rất lớn, có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng, vì vậy Nhà nước cần phải xây dựng và điều chỉnh cơ chế, chính sách một cách phù hợp, nhất là trong việc đầu tư vốn xây dựng NTM, đồng thời tạo cơ chế thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM ở các địa phương trong cả nước đạt kết quả và theo đúng lộ trình đã đề ra.
Vũ Hùng Thắng
(Huyện Tiên Yên,
Quảng Ninh)
Quản lý, giám sát chặt chẽ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và giá cả
Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh được truyền hình trực tiếp sáng 23-11, chúng tôi nhận thấy 15 ý kiến chất vấn trực tiếp của các đại biểu Quốc hội phần lớn đều đi thẳng vào những vấn đề trọng tâm, bức xúc được cử tri quan tâm như: Vấn đề quản lý nguồn vốn ngân sách Nhà nước, giá cả, thu chi ngân sách Nhà nước, nợ công… Song vẫn còn một số câu hỏi hơi dài. Tất cả ý kiến chất vấn đều được Bộ trưởng trả lời đầy đủ, chặt chẽ, tỉ mỉ. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề Bộ trưởng trả lời vẫn chưa thỏa mãn các đại biểu buộc người hỏi phải hỏi lại đến lần hai, lần ba. Vấn đề bức xúc nhất hiện nay mà cử tri cả nước nói chung cũng như cử tri ở TP Đà Nẵng quan tâm là làm thế nào để quản lý nguồn vốn ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tránh thất thoát lãng phí như vụ Vinashin. Bên cạnh đó cần có giải pháp mạnh để kiềm chế lạm phát, không để giá cả tăng mạnh gây khó khăn, lo lắng cho người dân. Là người dân sinh sống ở thành phố, hằng ngày đi chợ mua bó rau, con cá nhưng giá cả thường xuyên biến động, nhất là vào dịp cuối năm và sau đợt lũ lụt cho nên gây nhiều khó khăn cho người dân. Đề nghị Bộ Tài chính với vai trò chức năng của mình cần phối hợp các bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ đề ra những giải pháp để quản lý chặt chẽ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, không đầu tư tràn lan, dàn trải, kém hiệu quả gây lãng phí, thất thoát tiền của Nhà nước và bức xúc trong cán bộ, nhân dân. Đồng thời cần có biện pháp mạnh và quyết liệt hơn trong việc quản lý, kiểm soát giá cả, kiềm chế lạm phát, bình ổn giá để người dân, nhất là những người làm công ăn lương giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.
Nguyễn Thị Tam
(Tổ 17 phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)
Quan tâm đầu tư xây dựng nông thôn mới
Chúng tôi nhất trí với vấn đề mà đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nêu: Xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí. Để đạt được những tiêu chí này vào năm 2020 theo kế hoạch thì mỗi xã cần được đầu tư bình quân một năm khoảng 10 tỷ đồng/xã. Số tiền quá lớn so với điều kiện kinh tế – xã hội ở nhiều địa phương. Trong khi đó, được biết năm 2011, dự kiến chi để xây dựng nông thôn mới từ ngân sách Nhà nước là 1.100 tỷ đồng nếu chia cho gần 11 nghìn xã thì mỗi xã chỉ được 100 triệu đồng. Bố trí ngân sách như thế thì đến năm 2040, chúng ta mới có thể xây dựng xong cơ sở hạ tầng nông thôn mới.
Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, đây là chương trình lớn, được thực hiện từ nhiều nguồn vốn và phải sử dụng tổng thể tất cả các chương trình hiện nay mà Nhà nước và Chính phủ đang bố trí cho việc xây dựng, phát triển nông thôn mới. Còn vốn bố trí ngân sách hiện nay chủ yếu là để tập trung xây dựng quy hoạch… Dẫu biết quy hoạch là rất quan trọng nhưng với mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội có 70% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là thách thức không nhỏ. Thực tế xây dựng nông thôn mới ở các địa phương thực hiện thí điểm hiện nay cho thấy đang gặp phải không ít khó khăn, mà trước hết là về vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Ngân sách địa phương ít, sức đóng góp của dân thì thấp, họ chủ yếu chỉ có thể đóng góp bằng ngày công lao động.
Bên cạnh đó, để đạt được hệ thống các tiêu chí nói trên, cùng với hỗ trợ kinh phí, các địa phương cũng rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực. Thí dụ như, những xã ven đô định hướng phát triển nông thôn mới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái… Đối với phần lớn người nông dân, đây là khái niệm còn khá mới mẻ. Đối với nhiều cán bộ lãnh đạo, lĩnh vực này chắc chắn còn nhiều lúng túng về trình độ, kinh nghiệm chỉ đạo và quản lý. Trước thực tế ấy, cán bộ và nhân dân ở cơ sở rất cần có sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn để việc hoạch định kế hoạch, triển khai và đầu tư được đúng hướng, tránh lãng phí. Vì vậy, chúng tôi rất mong, cùng với việc chú trọng đầu tư xây dựng quy hoạch, Chính phủ cần chỉ đạo các ngành, các cấp có sự quan tâm toàn diện và đồng bộ tới các vấn đề trong xây dựng nông thôn mới để có một chiến lược tổng thể phù hợp, đẩy mạnh đầu tư nhiều hơn về kinh phí, về các cơ chế, chính sách nhằm huy động cao nhất các nguồn lực trong xã hội. Tăng cường khảo sát, nghiên cứu tình hình thực tế ở địa phương cũng là vấn đề rất quan trọng để các cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống.
Nguyễn Thanh Hà
(Xã Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội)
Làm thế nào để khắc phục tình trạng 'được mùa mất giá' ?
Điều mà nhiều cử tri ở Đác Nông chúng tôi quan tâm là hằng năm ngân sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn còn quá ít; tình hình 'được mùa, mất giá' cứ lặp đi lặp lại; giá cả các loại vật tư, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhiều mặt hàng phục vụ đời sống trong những tháng cuối năm nay tăng chóng mặt, khiến đời sống của nông dân gặp rất nhiều khó khăn.
Tôi rất tâm đắc với ý kiến của đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đã nêu bật những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, nhất là thiếu kinh phí. Theo tính toán của đại biểu này, mỗi năm mỗi xã cần khoản kinh phí xây dựng nông thôn mới là 10 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là 30% (ba tỷ đồng) nhưng trong năm 2011 Nhà nước chỉ bố trí được 100 triệu đồng/xã là quá ít. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Cao Đức Phát đều trả lời rằng, khoản tiền này chủ yếu phục vụ công tác quy hoạch nông thôn các xã, còn kết hợp với các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như nguồn vốn Chương trình 135, nguồn vốn xây dựng trường học, đường giao thông, thuỷ lợi… Liên hệ thực tiễn ở Đác Nông cho thấy, là một tỉnh miền núi, địa bàn các xã rộng, dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, trong khi các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nhỏ giọt. Vì vậy, nên chăng Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã miền núi, còn nếu như 'cào bằng' giữa xã miền núi và đồng bằng thì xã miền núi rất khó thực hiện.
Là người làm nông nghiệp, tôi cũng rất đồng tình với ý kiến đại biểu Trần Hữu Thế (Phú Yên) đã nêu lên thực trạng 'được mùa mất giá' cứ lặp đi lặp lại hàng chục năm nay vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Tôi đơn cử một vấn đề ở Đác Nông hiện nay, là những năm trước đây giá chanh dây luôn bán với mức cao 7.000-8.000 đồng/kg, thậm chí có lúc đến 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong mấy tháng mùa mưa năm nay, các vườn chanh dây đều được mùa thì giá chanh dây rớt xuống còn 2.000 đồng/kg làm cho hàng nghìn hộ trồng chanh dây ở Đác Nông gặp khó khăn. Không chỉ riêng chanh dây mà các loại cây trồng chủ lực ở Đác Nông như cà-phê, hồ tiêu, điều… nhiều năm qua cũng trong hoàn cảnh tương tự. Mặc dù trong thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương đã có nhiều cố gắng trong việc tham mưu cho Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua tạm trữ cà-phê, xây dựng các nhà kho để dự trữ các mặt hàng nông sản nhằm bảo đảm thu mua có lợi cho người dân. Tuy nhiên, qua theo dõi trên báo chí, tôi nhận thấy sản lượng thu mua tạm trữ còn rất ít so với sản lượng nông dân sản xuất ra, đồng thời việc thu mua cũng chưa kịp thời, đặc biệt là khoản ngân sách của Nhà nước hỗ trợ thu mua hàng tạm trữ chủ yếu các doanh nghiệp hưởng lợi, còn người nông dân chưa hưởng lợi nhiều.
Nguyễn Văn Phú
(Tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đác Nông)
Nên nghiên cứu về hai loại đường sắt
Gần đây, dư luận rất quan tâm các khoản nợ lớn của Tập đoàn Vinashin. Thế nên, tại kỳ họp Quốc hội lần này, phần trả lời chất vấn liên quan vấn đề này được đông đảo cử tri quan tâm. Tuy nhiên, chúng tôi rất tiếc khi trả lời về Vinashin, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, hiện vẫn chưa nắm được số tiền lỗ của tập đoàn. Tôi không hiểu sao nhiều ban, ngành làm việc với Vinashin như vậy mà vẫn chưa có kết luận về số tiền thua lỗ.
Cũng về giao thông, một vấn đề 'nóng' tại kỳ họp trước tiếp tục được đề cập ở kỳ họp Quốc hội này là vấn đề đường sắt cao tốc. Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, hiện bộ đang nghiên cứu dự án khả thi về đường sắt cao tốc, nếu thấy khả thi, có thể thực hiện được thì Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội. Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải được nói rõ, nếu đã làm thì 'đi ngay vào hiện đại', tức làm đường sắt cao tốc. Trong khi đó, nhiều đại biểu Quốc hội lại cho rằng, nên làm đường sắt đôi khổ 1.435 mm. Đây là loại đường nhiều quốc gia ứng dụng, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội nước ta hơn do đầu tư vừa phải, giảm gánh nặng nợ nần cho nền kinh tế.
Là cử tri, chúng tôi luôn mong muốn đồng tiền ngân sách được sử dụng hợp lý nhất, đem lại lợi ích cho nhiều người dân nhất. Tôi thấy rằng, nếu đã thực hiện nghiên cứu về dự án đường sắt cao tốc, thì cũng nên nghiên cứu về đường đôi khổ 1.435 mm. Hoặc ít ra, có sự tranh luận công khai giữa các chuyên gia trong lĩnh vực này, để chúng ta biết rõ cái được và cái chưa được của từng loại đường sắt. Từ đó, chúng ta mới có thể có những lựa chọn thích hợp.
Nguyễn Thị Kim Thanh
(Ngõ 377, phố Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Chậm thể chế hóa
Qua theo dõi hoạt động của kỳ họp thứ tám, QH khóa XII, chúng tôi rất hoan nghênh hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội có nhiều đổi mới. Tuy nhiên cử tri và đông đảo người dân Thái Nguyên vẫn băn khoăn. Cách chất vấn, trả lời chất vấn của một số đại biểu và thành viên Chính phủ chưa nêu nguyên nhân, bản chất của vụ việc. Chẳng hạn như về tình hình giá cả leo thang không kiểm soát được của nhiều mặt hàng thiết yếu chưa được đề cập thích đáng tại phiên chất vấn. Trong thực tế nhiều mặt hàng tại các thị trường trong cả nước tiếp tục đà tăng nóng, nhất là với nhóm, mặt hàng vàng, USD, sắt thép, xăng dầu, ga, thực phẩm tươi sống, lương thực, hàng tiêu dùng… Cụ thể giá lương thực ở nhiều địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đang ở mức 14.000 đồng/kg (gạo tẻ thường), tăng hơn so với trước đó 1.000 đồng/kg. Giá các loại gạo đặc sản khác như gạo dự, tám thơm, gạo nếp đều tăng thêm từ 500 -1.000 đồng/kg so với trước.
Trước thực trạng trên, cử tri Thái Nguyên đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nước, theo dõi diễn biến thị trường thế giới có ảnh hưởng đến thị trường, giá cả hàng hóa trong nước, kịp thời có biện pháp cụ thể, hữu hiệu để bình ổn giá cả, nhất là trong những tháng cuối năm và ngăn ngừa lạm phát cao trở lại.
Liên quan hoạt động của các tập đoàn thí điểm, trong đó có Tập đoàn Vinashin được nhiều đại biểu QH đề cập, chất vấn một số thành viên Chính phủ. Nhìn chung các đại biểu đều khẳng định chủ trương thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước là đúng đắn. Phạm vi thí điểm chỉ nên hẹp, sau một thời gian nhất định sẽ đánh giá, tổng kết, nếu thành công mới triển khai trên diện rộng. Nhưng, chúng ta đã chậm thể chế hóa.
Nguyễn Thị Thái
Phó Giám đốc DN 27-7 Thái Nguyên
Giữ và ổn định giá
Theo dõi 19 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh tại phiên họp Quốc hội sáng 23-11, chúng tôi nhận thấy, cả hai bên chất vấn và trả lời chất vấn đều tập trung vào nhiều vấn đề – có thể nói – đang được đông đảo cử tri cả nước rất quan tâm. Các vấn đề về tài chính, tiền tệ, giá cả, tham nhũng, làm thất thoát tài sản quốc gia đang là nỗi bức xúc của toàn xã hội.
Nhiều câu chất vấn có tính khái quát cao, cũng có nhiều chất vấn đi vào những vấn đề khá cụ thể đều được Bộ trưởng trả lời suôn sẻ, rành mạch, có phân tích, lý giải, thể hiện nắm vững lĩnh vực mình phụ trách. Chẳng hạn như việc giải thích vấn đề bố trí các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, vấn đề tiếp tục cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, vấn đề chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI,…
Điều cử tri chúng tôi quan tâm hơn là Đảng, Quốc hội, Chính phủ bằng cách nào để kiểm soát giá cả có hiệu quả, để phần lớn nhân dân, trong đó có những người làm công ăn lương hay hưu trí bớt khó khăn hơn. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính, chính quyền các địa phương cũng đã có nhiều giải pháp, biện pháp bình ổn giá cả, nhưng cũng còn có mặt bất cập. Nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu, thuốc chữa bệnh, sữa cho trẻ em,… vẫn tăng giá. Bữa ăn sáng nếu không lên giá thì giảm cả về chất lượng lẫn số lượng.
Chúng tôi mong mỏi Chính phủ và các ngành chức năng sớm đề ra các quyết sách đúng đắn về lĩnh vực tài chính, tiền tệ, giá cả và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về các lĩnh vực này nhằm bảo đảm cuộc sống ổn định của phần lớn nhân dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()