Chung Rút - Ngôi chùa mang đậm yếu tố văn hóa đặc sắc Khmer
Nói đến văn hóa Khmer ở tỉnh Tây Ninh, không thể bỏ qua nhân tố quan trọng nhất là ngôi chùa; trong đó, chùa Chung Rút ở xã Hòa Hiệp-Tân Biên là nơi tập trung nhiều yếu tố văn hóa đặc sắc nhất.
Nói đến văn hóa Khmer ở tỉnh Tây Ninh, không thể bỏ qua nhân tố quan trọng nhất là ngôi chùa.
Ngôi chùa đối với bà con dân tộc Khmer có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh; là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; nơi lưu giữ bản sắc dân tộc…
Tây Ninh có 6 ngôi chùa Khmer khá đẹp, phân bố ở các huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành và thành phố Tây Ninh. Tất cả đều được xây dựng theo lối văn hóa kiến trúc Phật giáo Nam tông Khmer. Nếu ngôi chánh điện của chùa Botum Kiri Rangsay ở xã Thạnh Tân được cho là hoành tráng lộng lẫy nhất, chùa Chung Rút ở xã Hòa Hiệp-Tân Biên là nơi tập trung nhiều yếu tố văn hóa đặc sắc nhất.
Chùa Chung Rút có tên đầy đủ là Risathia Ratanaut Ðom Chung Rút. Risathia Ratanaut Ðom có nghĩa là “phước báu cao cả,” còn Chung Rút (Chung Rụk) có nghĩa là “bồ lúa.”
Ở xã Hòa Hiệp, xưa, hai cái bàu là Tro Peng Som và Chung Rụk gắn liền với hai cụm dân cư là Sóc Thiết và Phum Chung Rụk của bà con Khmer sống lâu đời ở đây.
Sở dĩ nơi này có tên là xứ “bồ lúa” là vì thời chiến tranh bà con trồng lúa, đến mùa thu hoạch xong không đem về nhà mà làm những cái bồ vuông giấu lúa ngoài bàu. Làm vậy là để đề phòng nếu giặc có đến đốt nhà cửa, lúa vẫn không bị cháy, vẫn còn cái ăn và hạt giống cho mùa sau. Dần lâu ngày, phum này được mọi người quen gọi là phum Chung Rụk. Ngôi chùa hiện nay được xây dựng trên nền của phum xưa nên mới lấy tên như vậy.
Ðể có chùa Chung Rút hôm nay, công đầu phải kể đến việc hiến 1,5ha đất của ông Riết, một phật tử giàu lòng từ thiện ở ấp Hòa Ðông A, xã Hòa Hiệp. Năm 1990, chùa Chung Rút chính thức được xây dựng bằng gỗ, đến năm 2000 mới làm lễ Kiết giới Sâyma cho ngôi chánh điện. Trong những năm qua, chùa luôn được trùng tu, nâng cấp cho khang trang hơn.
Ðể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của phật tử đến chùa ngày một đông, năm 2014, sư trụ trì đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân và phật tử gần xa đóng góp ủng hộ chi phí xây dựng ngôi sala mới với quy mô một trệt, một lầu, tổng diện tích 525m2, chi phí dự tính khoảng 14 tỷ đồng.
Hiện nay, các hạng mục cơ bản của ngôi giảng đường này coi như đã hoàn thành, nhưng phải cần thêm khoảng 4 tỷ đồng và một thời gian nữa thì mới hoàn thành tất cả. Vấn đề này, chính quyền địa phương và vị sư cả vẫn đang tiếp tục kêu gọi.
Hiện nay, có thể nói chùa Chung Rút là một ngôi chùa đẹp và có bề dày văn hóa truyền thống nhất trong số các ngôi chùa Khmer trong tỉnh. Cổng chùa được thiết kế kiểu tam tháp tượng trưng cho ba ngôi báu Phật-Pháp-Tăng. Hai bên cổng chùa có hai tượng Keynor (tiên nữ hình chim) kết hợp với nhiều hoa văn họa tiết rất tinh xảo. Ngôi chánh điện được xây dựng kết hợp giữa gỗ và bêtông trên một nền cao ráo, chắc chắn.
Bên ngoài được bao quanh bởi một hàng rào tạo tác từ hình thù rắn Narar bảy đầu, tượng trưng cho nguồn nước vĩnh cửu. Bên trên mái diềm là biểu tượng Rehu ngậm nửa vành trăng đang phun nước. Nơi những hàng cột chống đỡ phần mái chùa là những biểu tượng Garuda xen kẽ với các tiên nữ trông rất đẹp. Bên trong chánh điện được bài trí khá nhiều pho tượng Thích Ca với nhiều tư thế khác nhau, đặc biệt có nhiều tượng đá rất xưa mang đậm phong cách nghệ thuật Khmer.
Mới đây, nhà chùa cho đúc thêm pho tượng Phật ngồi bằng đồng nguyên khối nặng 1,1 tấn, có giá trị hơn hai tỷ đồng được đặt ở tầng trên của sala. Trên các bức tường chùa là sự kết hợp hài hòa của nhiều bức bích họa kể về cuộc đời đức Phật từ khi xuất gia cho tới khi thành đạo rất giàu chất mỹ thuật và đậm đà phong cách Khmer.
Ðiều đặc biệt hơn khi đến với Chung Rút là ngoài việc chiêm ngưỡng không gian kiến trúc, mọi người còn được chiêm ngưỡng những sản phẩm điêu khắc gỗ hết sức tinh xảo và có giá trị của nhà chùa. Nói đến vấn đề này thì phải nói đến công lao của sư Chạy. Sư Chạy tên thật là Nguyễn Văn Chạy, hiện là sư cả đảm nhiệm chức trụ trì.
Sư Chạy quê ở gốc ở Châu Thành, được Giáo hội Phật giáo tỉnh điều về làm trụ trì chùa Chung Rút từ năm 2004. Sư xuất gia từ nhỏ, được đào tạo bài bản về Phật học cũng như nghề điêu khắc gỗ tại Trà Vinh. Trong quá trình tu học, sư đã không ngại gian khổ lặn lội qua tận Siem Reap-Campuchia học thêm nghề vẽ tranh Phật giáo để về phụng sự cho quê hương.
Có thể khẳng định sư Chạy không những là một bậc chân tu, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đạo và đời mà sư còn là một nhà nghệ sỹ tài hoa. Hầu hết các bức bích họa của chùa đều do sư tự vẽ, “kinh phí” là tiền cúng dường của bà con phật tử. Sau mỗi bức tranh, trừ đi tiền bột và sơn, số tiền dư còn lại sư đều bỏ vào quỹ chung dùng để xây dựng chùa. Bên cạnh các bức bích họa là những sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ. Ðể làm được các tác phẩm này, thông thường sư phải mua lại các gốc cây của người dân khai thác được để đem về tạo tác.
Tùy theo kích cỡ, hình thù của mỗi gốc cây mà sư làm thành các tác phẩm khác nhau, nhưng nhiều nhất và chủ yếu nhất vẫn là hình các linh thú. Hầu hết các tác phẩm của sư đều có sự gửi gắm những thông điệp về triết lý đạo đức nhân sinh. Chẳng hạn như tác phẩm đại bàng đánh hổ, với ý nghĩa cái ác nơi trần thế luôn luôn bị chế ngự bởi sức mạnh của tầng trên, dù chạy đi đâu cũng không thoát khỏi quy luật nhân quả.
Hay tác phẩm bầy chim sẻ và con rắn, ta thấy sư muốn nói với mọi người rằng phải luôn đề phòng và tiễu trừ mọi xấu ác thì cuộc sống mới hạnh phúc viên mãn. Ngoài ra, còn có tượng tứ linh long lân quy phụng, tượng cò bắt cá, tượng hổ bắt heo rừng, tượng 12 con giáp… tất cả đều có hàm ý sâu xa của nó. Nhưng chung quy nhất vẫn là lời kêu gọi bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Vì có như vậy mới bảo đảm duy trì cuộc sống của muôn loài muôn vật. Ðể hoàn thành một tác phẩm, sư Chạy phải tốn rất nhiều công sức, nhưng nếu ai trả được giá, sư cũng bán đi, bán để lấy tiền lo cho nhà chùa.
Ngoài các tác phẩm mỹ thuật, chùa Chung Rút còn có hai di sản văn hóa vật thể khác là dàn nhạc ngũ âm và bộ Skô Chhay dăm. Ðể có dàn nhạc ngũ âm và đào tạo nhạc công chơi được loại nhạc cụ này, sư Chạy phải xuống tận Trà Vinh mua và rước thầy về dạy cho tám em thiếu niên có năng khiếu, tốn kém tiền bạc không phải là ít.
Trong văn hóa Khmer, dàn nhạc ngũ âm được gọi là Pin Piết đã có từ rất xa xưa. Dàn nhạc có bảy nhạc cụ gồm: hai dàn cồng Cuông-tuôch và Cuông-thôm được làm bằng chất liệu đồng, mỗi cái gồm có 16 cái cồng nhỏ có núm, được kết lại với nhau tạo thành vòng có hình bán nguyệt. Khi diễn tấu, nhạc công sẽ ngồi trong vòng cong đó, dùng hai dùi để gõ.
Ngoài chất liệu đồng còn có chất liệu gỗ gồm các nhạc cụ là Rôniêt-ek gồm 26 thanh tre hoặc gỗ có hình chữ nhật dài khoảng 20cm, rộng khoảng 5cm được ghép với nhau thành một chuỗi dài, hai đầu được máng vào một thùng gỗ có một chân đỡ và nhạc cụ Rôneat thung. Còn nhạc cụ Rôniêtđek được làm từ chất liệu sắt, gồm 26 thanh ghép lại.
Chất liệu da có trống Samphô hai mặt được bịt bằng da bò, khi diễn tấu, nhạc công dùng hai tay vỗ vào mặt trống để tạo âm thanh cùng với hai trống lớn khác được bịt bằng da trâu. Nhạc cụ cuối cùng là kèn hơi Srâylay rom, đây là loại kèn được làm bằng tre, ống kèn bằng gỗ. Có thể nói đây là dàn nhạc độc nhất vô nhị của xứ Tây Ninh mà không chùa nào có được. Dàn nhạc độc đáo này trước đây chỉ được trình diễn trong các dịp như lễ cầu phước, lễ dâng bông… nay thì được biểu diễn rộng rãi hơn vào các dịp lễ khác của chùa.
Bên cạnh dàn nhạc ngũ âm là bộ Skô Chhay dăm và đội múa. Bộ trống này được sư Chạy sắm từ năm 2010, đội múa gồm 16 em thanh thiếu niên được đào tạo rất công phu. Biểu diễn trống Chhay dăm là một loại hình nghệ thuật sân khấu rất đặc biệt của bà con dân tộc Khmer. Ðiệu múa này được biểu diễn ở nhiều địa hình khác nhau và là một trong những phong tục không thể thiếu trong các lễ hội lâu đời của đồng bào Khmer.
Trống Chhay dăm là loại trống bịt da một mặt, tang trống được làm bằng thân cau già đục rỗng ruột hoặc làm từ gỗ mít. Khi biểu diễn, các động tác múa trống, đánh trống và kết hợp múa tay, chân, đánh trống bằng cùi chỏ, gót chân và nhào lộn… y như múa võ vậy. Ðây là loại hình nghệ thuật biểu diễn rất công phu, và hấp dẫn. Ðội múa trống Chhay dăm của chùa Chung Rút đã được đi lưu diễn rất nhiều nơi, nhất là ở các chùa và khu dân cư dân tộc Khmer vào các dịp lễ hội quan trọng.
Xã Hòa Hiệp hiện có khoảng 300 hộ với hơn 1.000 người dân tộc Khmer sinh sống. Trong số đó có trên 300 người là phật tử thường xuyên sinh hoạt tín ngưỡng tại chùa Chung Rút. Ngoài ra, mỗi dịp lễ tết cổ truyền, nhà chùa còn đón rất nhiều bà con từ nhiều nơi trong tỉnh đến chiêm bái và thực hiện nghi lễ văn hóa. Chính vì vậy, việc phát triển cơ sở thờ tự, giảng đường là hết sức cần thiết.
Có thể nói, chùa Chung Rút đang bảo tồn rất tốt những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Nếu có sự đầu tư phát triển tốt, chùa Chung Rút sẽ là một địa chỉ du lịch tâm linh rất độc đáo trong trục chuỗi tháp Chót Mạt-Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát và Trung ương Cục miền Nam của huyện Tân Biên nói riêng và Tây Ninh nói chung./.
Ý kiến ()