Chung quanh việc tăng giá điện
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có phương án cho việc tăng giá điện từ tháng 3 tới. Việc tăng giá điện này nằm trong lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu (than, điện, xăng, dầu) theo cơ chế thị trường.Theo Bộ Công thương, mức tăng giá điện đề xuất đã được tính toán trên cơ sở chi phí đầu vào, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế tối đa tác động đến đời sống của người dân. Cùng với việc tính giá theo cơ chế thị trường, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách bù giá điện cho người nghèo, người thu nhập thấp, thực hiện cơ chế bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng, góp phần thúc đẩy sản xuất và tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, chung quanh việc tăng giá điện lần này cũng có những ý kiến khác nhau đáng quan tâm.Tăng giá điện là cần thiếtChủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Văn Thụ cho rằng: Việc tăng giá điện là tất yếu, cần thiết, giá điện không phản ánh hết...
Theo Bộ Công thương, mức tăng giá điện đề xuất đã được tính toán trên cơ sở chi phí đầu vào, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế tối đa tác động đến đời sống của người dân. Cùng với việc tính giá theo cơ chế thị trường, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách bù giá điện cho người nghèo, người thu nhập thấp, thực hiện cơ chế bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng, góp phần thúc đẩy sản xuất và tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, chung quanh việc tăng giá điện lần này cũng có những ý kiến khác nhau đáng quan tâm.
Tăng giá điện là cần thiết
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Văn Thụ cho rằng: Việc tăng giá điện là tất yếu, cần thiết, giá điện không phản ánh hết các chi phí đầu vào, nếu bao cấp về giá điện sẽ dẫn đến 'méo mó' thị trường. Kìm giá điện mãi sẽ dẫn đến thiếu điện, không khuyến khích tiết kiệm điện, đầu tư xây dựng nhà máy điện, ảnh hưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, giá điện tăng tất yếu ảnh hưởng các DN chế tạo cơ khí bởi quá trình sản xuất, gia công sử dụng nhiều điện năng. Các DN cơ khí hiện đang gặp nhiều khó khăn: lãi suất vay ngân hàng quá cao, tỷ giá vừa tăng lên 9,3%, cạnh tranh gay gắt trên thị trường, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng trong khi giá bán sản phẩm, giá gói thầu không tăng…, nay thêm giá điện tăng chắc chắn càng gặp thêm khó khăn. Các DN cơ khí không còn đường nào khác ngoài việc cố gắng đổi mới công nghệ, tăng năng suất, giảm bớt chi phí đầu vào. Nhiều công trình, gói thầu hiện nay, chủ đầu tư ngành điện không ứng đủ vốn cho các nhà thầu cơ khí chế tạo, cho nên VAMI hy vọng rằng, nếu ngành điện có thêm năng lực đầu tư thì đó cũng là cơ hội tốt cho ngành cơ khí tạo việc làm cho người lao động và phát triển sản xuất. Hiệp hội mong rằng, tăng giá điện thì ngành điện phải đi đôi với bảo đảm cung ứng đủ điện, ổn định. Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành cần tính toán chặt chẽ hơn việc xây dựng với quản lý, thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế gắn với quy hoạch ngành, địa phương và ngành điện, tránh tình trạng tự phát trong việc cấp phép tràn lan các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng như thép, xi-măng, dẫn đến phá vỡ quy hoạch phát triển hệ thống điện.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Tiến Nghi cho biết, với việc giá điện dự kiến sẽ tăng từ đầu tháng 3 tới (phương án tăng giá đang được trình Chính phủ phê duyệt, nhưng nhiều ý kiến nghiêng về mức tăng khoảng 18% theo đề xuất của Bộ Công thương), giá thép được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh nữa. Nếu phương án tăng giá điện này được chấp thuận, sẽ tác động mạnh đến các DN sản xuất thép. Nếu giá điện năm 2011 tăng thêm 18% so năm 2010, ở mức 1.271 đồng/kW giờ thì chi phí điện cho sản xuất một tấn phôi sẽ tới hơn 635 nghìn đồng, tăng thêm hơn 106 nghìn đồng so năm 2010. Tương tự, tiền điện cho sản xuất thép cán sẽ tăng thêm từ 21.300 đồng đến 27.690 đồng/tấn thép cán. Đưa ra những số liệu đó để thấy rằng phương án tăng giá điện có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất thép, đối với tất cả các DN từ sản xuất gang, phôi đến cán, tuy rằng tác động có khác nhau. Năm vừa qua, thép là một trong những mặt hàng bình ổn giá, nên bản thân ngành thép cũng gặp khó khăn.
Thép đang chịu tác động kép khi vừa phải gánh sức ép tỷ giá, cộng thêm chi phí nguyên liệu đầu vào như phôi, thép phế và than cốc thế giới đều tăng mạnh từ trước đó, tới 70 đến 80 USD/tấn. Hiện giá phôi là 660 đến 680 USD/tấn, giá thép phế là 540 USD/tấn và than cốc cũng gần 400 USD/tấn. Đầu tháng 2, nhiều DN đã tăng giá thép từ 400 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng/tấn, thậm chí có DN tăng thêm một triệu đồng/tấn. Xét trên tổng thể ngành sản xuất thép thì chi phí tăng thêm do giá điện khá lớn. Nếu giá điện tăng, giá thép buộc phải tăng theo, không có cách nào khác. Theo đại diện VSA, việc tăng giá thép thời gian tới là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, do giá thép tại một số nước hiện thấp hơn giá trong nước từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/tấn tùy loại (chưa kể thuế), cho nên nếu giá thép trong nước tăng cao, thép ngoại sẽ ồ ạt nhập vào giành thị phần. Các DN ngành thép dù áp dụng mức giá mới, nhưng mức tăng sẽ thấp hơn nhiều so tính toán mức tăng chi phí đầu vào nhằm cạnh tranh với thép ngoại.
Trong khi đó, Chánh văn phòng Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem) Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trong phương án tăng giá xi-măng đầu tháng 2 vừa qua, Vicem đã tính đến yếu tố tăng giá điện và giá than. Việc tăng giá điện sắp tới chắc chắn ảnh hưởng sản xuất, chỉ tiêu lợi nhuận của tổng công ty, mặc dù chưa tính được con số cụ thể song Vicem cho rằng, việc thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu (than, điện, xăng, dầu) theo cơ chế thị trường là cần thiết. Điều này buộc các DN nói chung và Vicem nói riêng phải tăng cường tiết kiệm các chi phí trong sản xuất.
Cần có lộ trình thích hợp
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, nếu như mức tăng giá điện bình quân là 18% như Bộ Công thương đề xuất được thực hiện thì sẽ là quá cao so sức chịu đựng của DN và người dân. Việc tăng giá điện làm tăng chi phí sản xuất đầu vào của nhiều DN, làm đội giá thành sản phẩm. Không chỉ với DN, việc tăng giá điện còn ảnh hưởng tới đời sống người dân. Đặc biệt, cần lưu ý tăng giá điện tạo phản ứng tăng giá dây chuyền trên thị trường. Năm nay, khả năng lạm phát là rất cao, tỷ giá vừa được điều chỉnh tăng 9,3%, giá điện, than, xăng, dầu… dự kiến sẽ tăng theo cơ chế thị trường trong năm nay. Những yếu tố này sẽ tạo áp lực gây ra lạm phát cao trong thời gian tới. Chưa kể những cân đối vĩ mô khác chưa được giải quyết như bội chi ngân sách, nhập siêu… Tuy nhiên, giá điện có thể tăng theo lộ trình, tăng từng bước, không nhất thiết phải tăng với mức tăng quá cao để tránh gây sốc cho nền kinh tế, cụ thể trước mắt có thể tăng ở mức 11%.
Vụ trưởng Thống kê giá cả (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng cho biết: Mức tăng 18% của giá điện tác động như thế nào tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thì cơ quan này chưa thể tính toán được. Tuy nhiên, tác động trực tiếp của việc tăng giá điện đối với các ngành sản xuất không đáng lo ngại bằng hiệu ứng tâm lý tăng giá, tăng giá theo kiểu 'té nước theo mưa'. Thực tế trong những đợt tăng giá điện trước đây thì yếu tố tâm lý mới chính là nguyên nhân đẩy giá cả hàng hóa, thị trường tăng cao. Theo quy luật thị trường, vì là tháng sau Tết nên CPI tháng 3 của các năm trước thường giảm (trừ năm 2008) hoặc chỉ tăng nhẹ. Tuy nhiên, năm nay, nếu việc tăng giá điện được áp dụng từ tháng 3 thì CPI khó có thể giữ ở mức bình thường.
Trong khi đó, ngành dệt sử dụng điện trong sản xuất khá lớn, nhiều DN dệt cho rằng, việc tăng giá điện đã có lộ trình, song mức tăng dự kiến 18% theo đề xuất của Bộ Công thương là quá cao. Việc tăng giá điện tạo thêm áp lực cho DN, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam Nguyễn Sơn thì chi phí điện cho ngành dệt chiếm 10% giá thành để sản xuất từ bông, xơ ra sản phẩm sợi. Việc tăng giá điện vào đầu tháng 3 trong khi các chi phí đầu vào như giá nguyên liệu bông, xơ đang rất cao từ 4,3 USD đến 4,5 USD/kg, tăng hơn hai lần, giá sợi cốt-tông chi số cao 8,3 USD/kg, gấp hai lần so cùng kỳ năm trước, giá xăng, dầu, than, ga sẽ tăng theo cơ chế thị trường, tỷ giá ngoại tệ vừa điều chỉnh tăng… trong khi đó giá bán sản phẩm không tăng.
Để có đơn hàng sản xuất năm 2011, các DN dệt may xuất khẩu đã ký kết hợp đồng với khách hàng từ năm 2010, do đó không thể thương lượng, điều chỉnh tăng giá với khách hàng. Các DN sẽ phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, nhưng để giữ chân lao động, tăng sức cạnh tranh, DN không thể giảm lương của công nhân. Để giải bài toán khó này, các DN lại phải tiếp tục tìm các biện pháp thực hành tiết kiệm, tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao năng lực sản xuất… để tăng năng suất lao động thì mới hy vọng duy trì được mức thu nhập ổn định cho người lao động.
Theo Nhandan
Ý kiến ()