Chung quanh việc quản lý vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn
Mỗi năm huyện Kim Sơn (Ninh Bình) lại được thiên nhiên ưu đãi, ban phát hàng trăm ha đất phù sa lấn ra biển, tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, tăng nguồn thu nhập. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là quản lý vùng đất bồi màu mỡ này như thế nào để vừa đạt sự công bằng giữa các hộ nằm trong đê và ngoài đê, vừa bảo đảm tăng ngân sách cho địa phương?
Vùng bãi bồi, đất “trời cho”…
Từ hàng trăm năm nay, mỗi năm vùng ven biển Kim Sơn lại lấn ra biển hàng trăm mét chạy dọc theo bờ biển; cùng với sự đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, huyện Kim Sơn giờ đã có hệ thống đê quai dài hàng chục km. Những con đê quai bằng rọ đá, bề mặt đổ bê-tông sừng sững như bức tường thành cũng chính là giao thông huyết mạch của các xã ven biển. Từ năm 2004 đến nay, huyện Kim Sơn đã xây dựng được ba tuyến đê Bình Minh I, II, III kiên cố che chắn sóng gió trong những ngày mưa bão. Ðê Bình Minh III vừa hoàn thành các hạng mục quan trọng, kịp thời đưa vào sử dụng trong mùa mưa bão năm nay.
Ðê Bình Minh II và III thuộc địa bàn ba xã bãi ngang: Kim Hải, Kim Ðông và Kim Trung, với hàng chục nghìn nhân khẩu. Từ năm 1991, nhiều hộ dân đã ký hợp đồng kinh tế thời hạn năm năm với Ban kinh tế mới của huyện Kim Sơn để đấu thầu dưới hình thức tự bỏ vốn, khoanh vùng đắp đầm tận dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản. Từ năm 1991 đến 1996, thời hạn là năm năm, sau đó là ba năm; từ năm 2000 đến năm 2009, thời hạn ký hợp đồng là một năm.
Việc người dân mở rộng nuôi trồng thủy sản ở vùng đê Bình Minh I, II và III đã khiến vùng đất này trở nên sôi động với hàng nghìn hộ làm nghề và tạo việc làm cho hàng chục nghìn người lao động từ dịch vụ nghề cá.
Từ năm 2010, tỉnh Ninh Bình có chủ trương quy hoạch vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn trở thành vùng nuôi trồng thủy sản quy mô lớn theo hướng công nghiệp. Vì vậy, từ năm 2010 đến hết năm 2013 trong khi chờ xây dựng quy hoạch, UBND huyện Kim Sơn thanh lý các hợp đồng đã ký với người dân và cho các hộ tận thu khai thác thủy sản, không thả mới.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thì vùng bãi bồi huyện Kim Sơn hiện có diện tích khoảng hơn năm nghìn ha. Trong đó, từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III là 1.460 ha, vùng ngoài đê Bình Minh III đến Cồn Nổi khoảng hơn 3.500 ha.
Không thể mãi là “của trời cho”
Vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn ngày càng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản là điều đáng mừng, nhưng, bên cạnh đó lại là mối lo về quốc phòng, an ninh, nhất là việc quản lý người xâm nhập di cư tự do từ nhiều vùng đất khác tới sinh sống, chưa kể một số đối tượng hình sự trốn truy nã có thể dùng bãi bồi làm nơi ẩn náu. Vì lẽ đó, ngày 14-10-2013, UBND tỉnh Ninh Bình có văn bản chỉ đạo số 316/UBND-VP3 về việc chỉ ký hợp đồng tạm thời nuôi trồng và khai thác thủy sản vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn. Theo đó, UBND tỉnh đồng ý ký hợp đồng tạm thời một năm giữa người tham gia nuôi trồng thủy sản với chính quyền địa phương.
Ngày 9-12-2013, UBND huyện Kim Sơn ra văn bản số 76/KH-UBND thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình về việc quản lý chặt chẽ, sử dụng diện tích mặt nước tại vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn. Cụ thể, tất cả đối tượng ký hợp đồng phải có đơn và xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú, đồng thời cam kết khi hết hạn hợp đồng mà không được gia hạn thì người chủ đầm phải tự giải phóng mặt bằng, đúng thời hạn, không gây trở ngại, không được bồi thường hay hỗ trợ về đất và tài sản trên đất. Trong quá trình sử dụng chỉ được tu sửa lều, lán, chòi canh cũ khi bị hư hỏng, nghiêm cấm làm lều, lán kiên cố. Thời gian ký một năm từ ngày 1-1-2014 đến 31-12-2014. Nếu hợp đồng ký sau ngày 31-12-2013 thì thời hạn tính từ ngày ký.
Tuy nhiên, người nuôi trồng thủy sản ở khu bãi bồi ven biển Kim Sơn không thực hiện nghiêm túc chủ trương này, nhất là số hộ tham gia ký hợp đồng với chính quyền địa phương còn rất ít. Theo UBND các xã Kim Hải, Kim Trung, Kim Ðông cho biết khu vực đê Bình Minh II đến Bình Minh III mới chỉ ký được 79/901 hợp đồng với người nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, xã Kim Trung mới ký 16/264 hợp đồng theo kế hoạch, xã Kim Ðông ký 52/502 hợp đồng theo kế hoạch, xã Kim Hải có 11/132 hợp đồng ký theo kế hoạch. Khu vực từ đê Bình Minh III đến Cồn Nổi có 90/105 hợp đồng ký với người sản xuất. Nguyên nhân của việc chậm trễ trên là do người dân cho rằng, thời hạn ký hợp đồng một năm là quá ngắn khiến người sản xuất không dám đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, người dân yêu cầu được hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi thu hồi ao, đầm nuôi thủy sản.
Chính quyền các xã Kim Ðông, Kim Hải, Kim Trung đều đã tổ chức đối thoại với hàng nghìn lượt người dân về chính sách của Chính phủ, cụ thể gần đây nhất là Thông tư số 09/2013 ngày 28-5-2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển. Tại mục 3 khoản C ghi rõ: “Khi hết hạn giao đất, cho thuê đất, nếu người sử dụng đất không có nhu cầu tiếp tục sử dụng hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất thì Nhà nước thu hồi đất và không có bồi thường về đất, không bồi thường về tài sản gắn liền với đất”.
Ðảng và Nhà nước ta luôn thực hiện dân chủ và tiến tới công bằng xã hội. Cụ thể ở đây, các cấp chính quyền trong huyện Kim Sơn đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với người dân trên cơ sở thấu tình, đạt lý. Trong khi các xã khác ở cùng huyện Kim Sơn không có điều kiện về mặt nước ven biển, họ chỉ có đất sản xuất nông nghiệp với mỗi người được ba đến bốn sào, sản xuất bấp bênh mà hằng năm họ cũng đóng góp cho ngân sách địa phương. Ngược lại người nuôi trồng thủy sản mong muốn được Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, song chỉ với mức đóng góp 1,5 triệu đồng/ha mỗi năm cho ngân sách thì thật đã “làm khó” chính quyền địa phương. Thiết nghĩ, mức đóng góp đó không phải là lớn, mong người dân sớm thông tỏ!
Trong nhiều cuộc đối thoại, lãnh đạo của UBND tỉnh và UBND các xã đều giải thích là tới thời điểm này chưa có văn bản nào thay thế Thông tư 09/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Qua tìm hiểu cho thấy, việc người dân không ký hợp đồng còn do ngại khoản… đóng góp.
Chỉ tính riêng năm 2013, với gần ba nghìn ha nuôi trồng thủy sản ở khu bãi bồi ven biển Kim Sơn đã cho tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 16.500 tấn, trong đó tôm sú 282 tấn, tôm rảo 205 tấn, cua xanh 310 tấn, ngao gần 13 nghìn tấn… Một cán bộ lãnh đạo huyện Kim Sơn cho biết, có trường hợp chỉ còn ba héc-ta mặt nước mà có tới 34 người đăng ký tham gia!
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()