Pha chế thịt lợn ở Khu công nghiệp An Nghiệp, Sóc Trăng. Thực phẩm thịt lợn chiếm tới 75% trong cơ cấu khẩu phần thức ăn của mọi gia đình. Tuy nhiên, gần đây nhiều người đã rất băn khoăn khi tiêu dùng thực phẩm này do thông tin có sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi tạo nạc cho lợn.Điều này đang trở thành vấn đề nóng của toàn xã hội, khiến cho tâm lý người tiêu dùng thịt lợn hoang mang, ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả thị trường và sản xuất của ngành chăn nuôi trong nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) đã khẩn trương chỉ đạo, tổ chức kiểm soát tình hình quản lý, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở các khâu sản xuất và giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên toàn quốc.Những phát hiện...kinh hoàngNhững ngày đầu tháng 3 vừa qua, Đội Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đã tổ chức kiểm tra và phát hiện ba công ty trên địa bàn, trong đó có Công ty TNHH Dinh Dưỡng Vàng, hoạt động sai nội dung đăng ký kinh...
Pha chế thịt lợn ở Khu công nghiệp An Nghiệp, Sóc Trăng. |
Thực phẩm thịt lợn chiếm tới 75% trong cơ cấu khẩu phần thức ăn của mọi gia đình. Tuy nhiên, gần đây nhiều người đã rất băn khoăn khi tiêu dùng thực phẩm này do thông tin có sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi tạo nạc cho lợn.
Điều này đang trở thành vấn đề nóng của toàn xã hội, khiến cho tâm lý người tiêu dùng thịt lợn hoang mang, ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả thị trường và sản xuất của ngành chăn nuôi trong nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) đã khẩn trương chỉ đạo, tổ chức kiểm soát tình hình quản lý, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở các khâu sản xuất và giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên toàn quốc.
Những phát hiện…kinh hoàng
Những ngày đầu tháng 3 vừa qua, Đội Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đã tổ chức kiểm tra và phát hiện ba công ty trên địa bàn, trong đó có Công ty TNHH Dinh Dưỡng Vàng, hoạt động sai nội dung đăng ký kinh doanh, đang sản xuất thực phẩm trong chăn nuôi “Super tạo nạc” (có 10,5 kg nguyên liệu để sản xuất Super tạo nạc chưa rõ nguồn gốc xuất xứ). Công ty TNHH DV nông nghiệp Thiên Hương Phát đang đóng gói nhãn mác chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Công ty TNHH Nhân Lộc phát hiện 175 kg nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi hết hạn sử dụng, thức ăn chăn nuôi do công ty sản xuất có nhãn hiệu Super 1-01 có tác dụng ghi trên bao bì làm bung đùi, nở mông, vai nhiều nạc. Đội Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định tạm giữ giấy phép kinh doanh và lấy mẫu gửi kiểm định. Trước tình hình trên, Cục Chăn nuôi ngay lập tức ban hành hai công văn hỏa tốc chỉ đạo các sở NN và PTNT trên toàn quốc về việc kiểm soát và báo cáo kết quả thực hiện phân tích chất cấm trong chăn nuôi.
Ngày 22-3, tại cuộc họp bàn về các giải pháp loại bỏ “chất cấm” trong chăn nuôi, Sở NN và PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, theo thông báo của Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh ngày 8-2 vừa qua về kết quả kiểm tra tồn dư chất cấm trong nước tiểu lợn có nguồn gốc tại Đồng Nai, trong số 113 mẫu phát hiện 51 mẫu dương tính. Trước đó, trong năm 2011, Sở NN và PTNT Đồng Nai phối hợp Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh lấy 77 mẫu (các đàn lợn của Đồng Nai xuất về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ) để kiểm tra tồn dư chất cấm trong nước tiểu lợn cũng phát hiện đến 17 mẫu dương tính.
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN và PTNT tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang diễn ra phức tạp, có chiều hướng ngày càng gia tăng, khiến người dân đang hoang mang khi sử dụng thực phẩm. Nhưng, để kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, Cục Chăn nuôi rất cần các sở NN và PTNT trên phối hợp các cơ quan liên quan như: y tế, công an, quản lý thị trường, truyền thông một cách toàn diện trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân hiểu đúng những nguy hiểm, tác hại của vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và không quá hoang mang khi sử dụng thực phẩm sản xuất trong nước.
Theo ông Phan Thanh Đạm, Trưởng phòng phân tích thức ăn gia súc và sản phẩm chăn nuôi thuộc Viện Chăn nuôi, vấn đề quan trọng là phát hiện và xử lý kịp thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Trước sự việc trên, Viện Chăn nuôi đã triển khai phân tích nhiều mẫu thức ăn chăn nuôi đang có bán trên thị trường. Tuy nhiên, đến nay qua phân tích hàng trăm mẫu phẩm chưa phát hiện có chất độc hại trong thức ăn chăn nuôi. Do vậy, chúng tôi khẳng định việc xuất hiện chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi ở Đồng Nai chỉ là cá biệt. Khi phát hiện, các cơ quan chức năng đã xử lý và có biện pháp bảo vệ tốt cho người tiêu dùng. Mặt khác, do đồng bằng sông Cửu Long ngành chăn nuôi phát triển mạnh nên một số đối tượng xấu lợi dụng tâm lý hám lời của các hộ gia đình đã bán các thức ăn có chứa chất độc hại cho họ để trục lợi. Tại các tỉnh miền bắc việc chăn nuôi lợn chủ yếu tại các hộ gia đình, mang tính tự phát, nhỏ lẻ nên khả năng sử dụng các chất độc hại trong thức ăn chăn nuôi ít xảy ra.
Về công tác quản lý thị trường thức ăn gia súc tại địa bàn thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thưởng, cán bộ Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, hiện ngành đang trực tiếp kiểm tra các điểm bán thức ăn chăn nuôi và phối hợp với các lực lượng chức năng trên toàn địa bàn, tuy nhiên đến nay chưa phát hiện được chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi.
Trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Mặc dù hiện nay, tại Hà Nội và khu vực phía bắc chưa phát hiện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhưng cục đã cử hai đoàn thanh tra đi lấy mẫu tại các tỉnh phía bắc, lấy điểm ở các vùng sinh thái về vấn đề này. Nếu phát hiện sẽ cho xử lý nghiêm theo chế tài: tịch thu, tiêu hủy, rút giấy phép kinh doanh… thậm chí kiến nghị truy tố theo pháp luật. Để khắc phục tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo tôi yêu cầu các nhà sản xuất, chế biến, người chăn nuôi, các đơn vị lưu thông thực phẩm phải viết cam kết với các cơ quan chức năng “nói không với sử dụng chất cấm” để bảo vệ thương hiệu thực phẩm trong nước và bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình. Để làm tốt vấn đề trên không chỉ các cơ quan chức năng mà rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội, khi phát hiện phải tố giác ngay.
Trước thông tin trong thịt gia súc, gia cầm có tồn dư hoóc môn nhóm Beta 2-Agonist, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia lấy mẫu kiểm nghiệm trên địa bàn Hà Nội. Kết quả xét nghiệm trên năm mẫu thịt tươi không phát hiện hóa chất nhóm Beta 2-Agonist. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ NN và PTNT để chỉ đạo kiểm soát chất lượng thực phẩm; đồng thời yêu cầu Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiếp tục lấy mẫu giám sát trên thị trường.
Để các hộ chăn nuôi yên tâm sản xuất
Việc trục lợi nhỏ của một số cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi đã gây thiệt hại không nhỏ đến các hộ chăn nuôi và sản xuất, ảnh hưởng không tốt đến giá cả thịt lợn trong nước. Anh Tùng, chủ trang trại chăn nuôi tại Phương Nhị, Lê Minh, Thanh Trì than phiền: Không biết thông tin ở xã hội thế nào mà hiện nay giá thịt lợn lại giảm như vậy. Chúng tôi nuôi lợn bằng thức ăn sạch như: bã bia, bột ngô, cá khô, cám gạo, phải mất thời gian gần 4 tháng mới được một lứa, vậy mà trượt giá mất 12.000đ/kg lợn hơi so với trước Tết. Nếu cứ thế này từ nay đến cuối năm hơn 15 tấn lợn của nhà tôi sẽ thiệt hại gần hai trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Thịnh An, cơ sở chuyên giết mổ lợn tại Vạn Phúc, Thanh Trì cho biết: Kể từ khi có thông tin ở Đồng Nai về việc người dân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đến nay, đã làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng thực phẩm nên cơ sở này sản xuất cũng giảm hẳn. Trước Tết mỗi ngày công ty mổ từ 800 đến 900 con, nhưng hiện nay giảm chỉ còn 400-500 con.
Có mặt tại một số chợ và siêu thị hằng ngày tiêu thụ lượng thịt lợn lớn của thành phố Hà Nội như Hàng Bè, Thành Công, Trương Định, Cống Vị, BigC, Metro, chúng tôi được biết hiện tâm lý người tiêu dùng vẫn còn tỏ ra e dè, thận trọng mặc dù qua các phương tiện truyền thông họ biết các chất độc hại này hiện mới bị phát hiện được người chăn nuôi sử dụng tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh thịt lợn mong muốn cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm công bố nơi nào sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để người dân tránh. Hiện tại, theo điều tra của phóng viên Báo Nhân Dân giá thịt lợn tại các chợ đầu mối và siêu thị hiện đang dao động từ 53.000 đồng đến 55.000 đồng/kg giảm từ 7.500 đồng đến 9.500 đồng/kg so với dịp trước Tết. Bà Nguyễn Thị Minh, trú tại nhà E4, khu tập thể Kim Liên, Hà Nội cho biết: Khi nghe thông tin phản ánh về việc phát hiện mấy cơ sở bán chất cấm tạo nạc cho người chăn nuôi lợn khiến bà cũng hoang mang không dám ăn thịt lợn. Nhưng hiện nay khi tìm hiểu kỹ hơn và biết đó chỉ là do một vài hộ nhỏ ở trong miền nam vi phạm và đã được các cơ quan chức năng ngăn chặn nên đã yên tâm sử dụng thịt lợn.
Trước tâm lý lo ngại của người dân, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát đã chia sẻ về những khó khăn hiện tại của những người chăn nuôi và các nhà kinh doanh chân chính. Hiện các cơ quan có trách nhiệm đang cố gắng làm hết sức mình, nhanh chóng làm rõ tình hình để thông báo với người nông dân và người tiêu dùng. Do giá thịt lợn giảm chủ yếu liên quan đến niềm tin của người tiêu dùng, nên biện pháp trước mắt là phải làm rõ tình hình, thông báo rõ địa phương nào, cơ sở nào có vấn đề, những nơi nào không sử dụng chất cấm, để nhân dân có thể yên tâm sử dụng. Tin rằng những biện pháp đó sẽ giúp phục hồi lại thị trường và giá cả cho người chăn nuôi. Hiện nay, Bộ NN và PTNT đang chỉ đạo các Cục Chăn nuôi, Cục Thú y lấy mẫu xét nghiệm thức ăn chăn nuôi trên toàn quốc và dự kiến cuối tháng 3-2012 sẽ công bố chính thức tỷ lệ nhiễm chất cấm trên đàn lợn cả nước, đồng thời sẽ phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật có biện pháp xử lý nghiêm khắc các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi có chất cấm này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()