Chung quanh việc Nam Phi được mời gia nhập nhóm BRIC
Nam Phi đã chính thức được mời gia nhập "câu lạc bộ" các nền kinh tế mới nổi gồm bốn nước Bra-xin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (viết tắt theo tiếng Anh là BRIC). Với sự tham gia của Nam Phi, nhóm BRIC tới đây sẽ được đổi thành BRICS (S là chữ viết tắt của tiếng Anh South Africa - Nam Phi). Nam Phi từng nêu khả năng gia nhập BRIC trong năm 2009. Dân số và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Nam Phi thấp hơn so các nước thành viên BRIC. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nam Phi năm 2010 chỉ đạt 286 tỷ USD, thấp hơn nhiều so mức 2.000 tỷ USD của Ấn Độ và Bra-xin, 5.500 tỷ USD của Trung Quốc và 1.600 tỷ USD của Nga. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Nam Phi cũng chỉ đạt 3%, ít hơn so với 4% của Nga, 7,5% của Bra-xin, 9,7% của Ấn Độ và 10,5% của Trung Quốc. Dân số của Nam Phi là 49 triệu người trong khi của Trung Quốc là 1,36 tỷ, Ấn Độ (1,2 tỷ) và Bra-xin (191 triệu). Theo ông Gim Ô-nây, Chủ tịch...
Nam Phi từng nêu khả năng gia nhập BRIC trong năm 2009. Dân số và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Nam Phi thấp hơn so các nước thành viên BRIC. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nam Phi năm 2010 chỉ đạt 286 tỷ USD, thấp hơn nhiều so mức 2.000 tỷ USD của Ấn Độ và Bra-xin, 5.500 tỷ USD của Trung Quốc và 1.600 tỷ USD của Nga. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Nam Phi cũng chỉ đạt 3%, ít hơn so với 4% của Nga, 7,5% của Bra-xin, 9,7% của Ấn Độ và 10,5% của Trung Quốc. Dân số của Nam Phi là 49 triệu người trong khi của Trung Quốc là 1,36 tỷ, Ấn Độ (1,2 tỷ) và Bra-xin (191 triệu). Theo ông Gim Ô-nây, Chủ tịch quản lý tài sản của Goldman Sachs và là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ BRIC vào năm 2001 để đề cập nhóm các nước đang nổi tăng trưởng nhanh, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Mê-hi-cô và Thổ Nhĩ Kỳ đều là các 'nền kinh tế tăng trưởng' vì các nước này đều có mức đóng góp hơn 1% đối với GDP toàn thế giới. Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, GDP của Hàn Quốc là 833 tỷ USD, Thổ Nhĩ Kỳ (615 tỷ) và Mê-hi-cô (875 tỷ). Như vậy, có thể thấy Nam Phi không thể so sánh với những nước này và chưa so sánh được với các nước trong BRIC. Theo bảng xếp hạng của Growth Environment Scores (GES – Điểm môi trường phát triển), nền kinh tế Nam Phi đứng thứ 108 trong tổng số 181 nền kinh tế của thế giới, chỉ được 4,88 điểm trong khi Hàn Quốc được 7,48 điểm, cao tương đương với Mỹ và Đức.
Có thể thấy, xét về mọi khía cạnh, Nam Phi còn thua xa nhiều nước khác trong cuộc chạy đua để lọt vào BRIC. Theo mạng asianews, các nhà phân tích cho rằng mặc dù nhiều nước khác có nền kinh tế mạnh hơn Nam Phi, việc mời Nam Phi gia nhập BRIC cho thấy các nước thành viên BRIC đánh giá cao vị trí địa chính trị của Nam Phi chứ không phải họ có nhu cầu quan hệ kinh tế với quốc gia cực nam châu Phi này. Nam Phi là 'cửa ngõ' của châu Phi. Bộ trưởng phụ trách quan hệ và hợp tác quốc tế Nam Phi Mai-tê Noa-na-Ma-sa-ban từng tuyên bố Nam Phi sẽ đóng vai trò như một 'cửa ngõ' để các quốc gia thuộc BRIC gia tăng đầu tư và buôn bán ở châu Phi. Thông qua 'cửa ngõ' này, các nước thuộc BRIC sẽ có nhiều cơ hội và ưu thế hơn để tiếp cận các quốc gia khác ở lục địa Đen, phát huy ảnh hưởng của mỗi nước thành viên, từ đó đạt được mục tiêu kinh tế và chính trị. Một số nhà phân tích đánh giá quyết định nói trên của BRIC phản ánh động thái mang tính chiến lược của Trung Quốc và Nga nhằm tăng cường sự hiện diện của hai nước này tại châu Phi. Mác-vin Dô-nít, Giáo sư danh dự tại Trường đại học tổng hợp Si-ca-gô, cho biết từ lâu Trung Quốc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao và các mặt hàng chế tạo khác sang châu Phi và nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu thô từ châu lục này. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi năm 2009, vượt cả Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ. Tính đến cuối tháng 11-2010, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã đạt mức kỷ lục 115 tỷ USD. Xét từ góc độ địa chính trị, việc mời Nam Phi trở thành thành viên chắc chắn sẽ giúp khối BRIC tăng cường ảnh hưởng để trở thành một 'tập đoàn quốc tế'. BRIC hiện có các thành viên phân bố tại ba châu lục Á, Âu và Mỹ la-tinh, nhưng chưa có thành viên tại châu Phi, một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng. Việc mời Nam Phi tham gia BRIC không chỉ cải thiện sự phân bố địa lý của nhóm này mà còn giúp nó gia tăng ảnh hưởng mang tính quốc tế, mở thêm 'một cánh cửa' hữu hiệu để BRIC thâm nhập thị trường châu Phi.
Sau nhiều năm bị 'lãng quên', những năm gần đây châu Phi thu hút sự chú ý của nhiều nước. Không ít chuyên gia nhận định châu Phi đã, đang và sẽ là thị trường tranh giành ảnh hưởng gay gắt của các nước lớn. Với nguồn tài nguyên phong phú, nhất là dầu mỏ, châu Phi đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước, nhất là các nền kinh tế mới nổi, có tốc độ phát triển nhanh và cần nhiều năng lượng như Trung Quốc và Ấn Độ. Cả Bắc Kinh và Niu Đê-li đều đối mặt tình trạng căng thẳng về năng lượng. Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ, 75% dầu mỏ mà Ấn Độ sử dụng phải dựa vào nhập khẩu, trong khi nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc cũng nhằm đáp ứng hơn 50% nhu cầu trong nước. Trung Quốc và Ấn Độ đang xúc tiến nhằm đạt được việc ký kết các hiệp định dầu mỏ với I-rắc, Xu-đăng, Ni-giê-ri-a và Ăng-gô-la… Hai nước này đều tranh giành việc xây dựng đường sá, trường học và các trung tâm xã hội ở Xu-đăng hoặc Ni-giê-ri-a… với hy vọng thông qua sự hỗ trợ này để có được sự bảo đảm cho việc cung cấp dầu mỏ.
Theo các nhà phân tích, việc BRIC mời Nam Phi tham gia nhóm này có thể thúc đẩy các nhóm kinh tế khác mời các nước đối tác tham gia, khiến BRIC không thể mở rộng ảnh hưởng của mình và trở nên 'lỗi thời'. Nhóm đầu tư toàn cầu BBVA đã đưa ra việc thành lập nhóm 'các nền kinh tế mới nổi và đứng đầu về tăng trưởng' (viết tắt theo tiếng Anh là EAGLES, nghĩa là 'những con đại bàng'), chiếm tới 50 % tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào thập kỷ tới. EAGLES gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc, Nga, Mê-hi-cô, Ai Cập, Đài Loan (Trung Quốc), và Thổ Nhĩ Kỳ. Nam Phi đứng thứ 11 trong danh sách nhóm EAGLES. Những nước khác sẽ tham gia EAGLES và lúc đó nhóm này có tên gọi là 'tổ của những con đại bàng'.
Theo Nhandan
Ý kiến ()