Thứ 4, 27/11/2024 11:41 [(GMT +7)]
Chung quanh việc "lâm tặc" đốn hạ ba cây huê ở Phong Nha
Thứ 7, 05/05/2012 | 15:23:00 [(GMT +7)] A A
Khoảng nửa tháng nay ở Quảng Bình rộ tin đồn: Một nhóm “lâm tặc” ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch tìm thấy một cây huê (sưa) cổ thụ còn sót lại ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và rao bán với giá 100 tỷ đồng ngay tại gốc. Cơ quan chức năng vào cuộc và xác định đó là sự thật…
Không phải một mà ba cây gỗ huê
Khoảng từ 20-4, ở Quảng Bình lan truyền tin đồn: Nhóm “lâm tặc” 11 người ở thôn Bầu Sen, xã Phúc Trạch tìm thấy một cây huê cổ thụ có đường kính 1,4 m, cao hơn 10 m ở khu vực hung Trí, thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Sau khi đốn hạ, nhóm “lâm tặc” đã xẻ được hàng chục phác gỗ, rồi cho người rao bán. Hai đại gia buôn gỗ ở huyện Bố Trạch và TP Đồng Hới đã mua được số hàng nói trên với giá 100 tỷ đồng ngay tại rừng.
Vì tin đồn mà người dân các xã khu vực Phong Nha cơm đùm, gạo bới cắt đường kéo nhau vào rừng rất đông, khiến cho việc ngăn chặn của lực lượng kiểm lâm rất khó khăn.
Lại có tin, vì hám lợi, không ít hộ dân ở các địa phương đã vay ngân hàng, thậm chí là vay nóng hàng tỷ đồng góp xâu cho đầu nậu để mua lô hàng nói trên. Nếu tin đồn nói trên là thất thiệt, hoặc không thể đưa được số gỗ nói trên ra khỏi rừng để bán thì sẽ có rất nhiều gia đình khuynh gia bại sản vì nợ nần.
Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng Nguyễn Văn Huyên cho biết, lãnh đạo Vườn có nghe tin đồn về việc “lâm tặc” tìm thấy cây huê nói trên. Mặc dù chưa rõ thực hư ra sao, nhưng bên cạnh việc tăng cường lực lượng kiểm lâm của Vườn chốt chặn ở các cửa rừng, lãnh đạo Vườn quốc gia đã báo cáo vụ việc lên Chi cục Kiểm lâm và UBND tỉnh Quảng Bình để xin ý kiến chỉ đạo và nhờ tăng cường lực lượng khi cần thiết.
Giữa cái nắng đổ lửa cuối tháng 4, theo đường Hồ Chí Minh nhánh tây, chúng tôi đến thôn Bầu Sen để xác minh tin đồn. Điều lạ là trong làng, ngoài ngõ đều vắng đàn ông, còn phụ nữ thì lảng tránh khi chúng tôi tiếp cận. Một cụ già bán nước đầu đường kể tường tận rằng, không phải chỉ một cây đâu mà họ trúng ba cây huê, trong đó một cây huê cổ thụ đã chết. Bán cả trăm tỷ đồng ngay trong rừng rồi. Đàn ông, trai tráng trong làng vào rừng để gùi thuê gỗ huê hoặc nhặt nhạnh rễ, vai vỏ huê kiếm chút tiền.
Giới thạo nghề buôn gỗ ở Quảng Bình thì cho rằng, vùng rừng Phong Nha trước đây nhiều gỗ huê, nay còn sót lại vài cây cũng là chuyện bình thường nhưng chắc chắn ở vị trí rất khó tiếp cận. Rừng Phong Nha được giữ nghiêm ngặt, phải cao tay và có mối quan hệ rộng… mới mong đưa huê ra khỏi rừng. Nếu không, phải chôn hàng, rồi đợi đến thời điểm thích hợp “làm luật” để đưa hàng ra. Cũng có thể thuê gùi hàng ngược qua Lào, hợp thức hóa giấy tờ rồi vận chuyển về Việt Nam nhưng cách này khó, vì khó qua được bộ đội biên phòng…
Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Nhân Dân, sau khi chặt hạ ba cây gỗ huê, “lâm tặc” xẻ được khoảng 100 m3, vùi xuống ba hầm sâu. Có khoảng 10 đối tượng bặm trợn, sử dụng “vũ khí nóng” bảo vệ, canh gác rất nghiêm ngặt.
“Lâm tặc” ngang nhiên bới gốc huê
Sau khi nhận được báo cáo của Ban quản lý và trước sự phức tạp của tình hình, chiều 24-4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã triệu tập cuộc họp khẩn với các lực lượng ngành liên quan, bàn biện pháp bảo vệ rừng Phong Nha, xác minh sự việc và tổ chức lực lượng ứng phó với các tình huống xấu xảy ra.
Sau đó, đoàn kiểm tra hiện trường gồm 80 người do Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng Nguyễn Văn Huyên dẫn đầu vào hung Trí tìm dấu tích gốc huê.
Sau hai ngày băng rừng, lội suối, đoàn đã đến được hung Trí (tọa độ 0621099; 1941718) thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, nằm trên địa bàn xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, đúng như thông tin người dân cung cấp. Hiện trường nằm giữa hai vách đá dựng đứng, tạo thành lòng rét cạn có độ cao so với mực nước biển 731 m. Tổng diện tích thiệt hại do các đối tượng khai thác là 563 m2. Đoàn kiểm tra phát hiện ba hố đào bới sâu – là hố đào gốc huê, ở giữa lòng rét cạn có một bãi bằng với diện tích 80 m2, có nhiều vai, vỏ, mạt cưa dày 0,4 m, chủ yếu là gỗ huê. Qua xác định ba hố gốc cây huê thì trong đó có một gốc là cây huê khô mục, hai hố còn lại của cây huê còn sống. Tất cả gỗ của ba cây gỗ huê đã bị tẩu tán. Tang vật còn lại là cân bàn 100 kg, hai xích cưa, bạt, can nhựa, xoong nồi và hai bao đựng vai, giác huê. Theo hiện trường để lại, thời gian chặt hạ khoảng một tháng, thời gian đào gốc rễ huê hơn một tuần so với thời điểm kiểm tra. Khi đoàn đang kiểm tra, có rất đông người dân xã Phúc Trạch, Xuân Trạch trốn hai bên lèn tràn xuống hiện trường để tìm hôi gỗ huê. Trên đường đoàn cán bộ Vườn quay trở ra, hàng trăm người cũng đang vạch rừng đến hung Trí tìm vận may.
Theo nhận định, lượng gỗ khá lớn đang tẩu tán trong rừng, được “lâm tặc” gùi đi cất giấu trong các vách núi, hang động, lợi dụng sơ hở để đưa ra khỏi rừng. Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thừa nhận, do số lượng người gùi gỗ đông cho nên việc cất giấu chia lẻ. Địa hình khai thác gỗ và đường đi vô cùng khó khăn, hiểm trở cho nên chỉ có “lâm tặc” và người chuyên đi rừng mới thực hiện được, cho nên việc vây bắt của kiểm lâm và lực lượng chức năng trong rừng là không khả thi.
“Lổ hổng” trách nhiệm
Dư luận Quảng Bình cho rằng, với một lực lượng bảo vệ rừng hùng hậu, đủ các trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng, nhưng vì sao “lâm tặc” vào rừng chặt hạ, thậm chí đào bới gốc ba cây gỗ huê với thời gian dài mà Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng không hề biết. Thậm chí sự việc xảy ra cả tháng nay, khi tin đồn lan truyền, mới tổ chức xác minh. Điều này thể hiện rõ “lỗ hổng” lớn về trách nhiệm.
Trước sự việc trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã phê bình Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng không làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, thiếu trách nhiệm, thiếu sự phối hợp với chính quyền sở tại và không có phương án ngăn chặn kịp thời để cho người dân vào rừng tìm gỗ huê với số lượng lớn, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là gây mất ổn định, làm phức tạp tình hình an ninh trên địa bàn. Khi nắm được thông tin là có người khai thác gỗ huê, Ban quản lý Vườn lúng túng trong xử lý, không kịp thời báo cáo tình hình cho UBND tỉnh và các cơ quan liên quan chỉ đạo, phối hợp xử lý.
Để giải quyết tình hình, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, các ngành, đơn vị liên quan ngăn chặn kịp thời, kiên quyết không để người dân tiếp tục vào rừng. Xây dựng ngay phương án truy quét “lâm tặc” và bảo vệ rừng; tuyên truyền vận động người dân không vào rừng, không tiếp tay cho “lâm tặc”; chốt chặn các cửa rừng không để người dân vào rừng.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Chi cục Kiểm lâm tỉnh cử cán bộ, chiến sĩ tăng cường chốt chặn tại các địa điểm trên đường 20, nhánh tây đường Hồ Chí Minh và đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý kịp thời các vụ khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép. UBND huyện Bố Trạch và Minh Hóa chỉ đạo UBND các xã, nhất là các xã trong khu vực Vườn quốc gia và các xã vùng đệm tuyên truyền, vận động các hộ dân không vào rừng, không tiếp tay cho “lâm tặc”.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()