Hiện nay, nhiều vườn hồ tiêu trên địa bàn phía tây huyện Gio Linh (Quảng Trị), thuộc các xã Gio An, Gio Sơn, Gio Hòa, Gio Bình, Hải Thái, Linh Thượng... có hàng loạt cây đang xanh tốt, vào vụ thu hoạch bỗng nhiên ngã bệnh và chết, gây thiệt hại lớn cho nhiều hộ gia đình. Một vườn hồ tiêu có cây bị chết ở Gio Linh (Quảng Trị). Theo thống kê, trên địa bàn huyện Gio Linh có hơn 420 ha cây hồ tiêu, trong đó hồ tiêu kinh doanh hơn 340 ha, chủ yếu trồng chung quanh vườn nhà. Cây hồ tiêu và cao-su là hai loại cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của các xã phía tây Gio Linh cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ gia đình có thu nhập từ cây hồ tiêu hằng năm lên đến hơn 50 triệu đồng. Việc nhiều vườn hồ tiêu trong vùng cây bị chết hàng loạt không chỉ gây thiệt hại lớn mà còn gây tâm lý lo lắng cho người dân.Chị Nguyễn Thị Hà, ở xã Gio Sơn (Gio Linh) cho biết, vườn nhà chị có hơn 100 cây hồ tiêu,...
Hiện nay, nhiều vườn hồ tiêu trên địa bàn phía tây huyện Gio Linh (Quảng Trị), thuộc các xã Gio An, Gio Sơn, Gio Hòa, Gio Bình, Hải Thái, Linh Thượng… có hàng loạt cây đang xanh tốt, vào vụ thu hoạch bỗng nhiên ngã bệnh và chết, gây thiệt hại lớn cho nhiều hộ gia đình.
Một vườn hồ tiêu có cây bị chết ở Gio Linh (Quảng Trị).
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Gio Linh có hơn 420 ha cây hồ tiêu, trong đó hồ tiêu kinh doanh hơn 340 ha, chủ yếu trồng chung quanh vườn nhà. Cây hồ tiêu và cao-su là hai loại cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của các xã phía tây Gio Linh cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ gia đình có thu nhập từ cây hồ tiêu hằng năm lên đến hơn 50 triệu đồng. Việc nhiều vườn hồ tiêu trong vùng cây bị chết hàng loạt không chỉ gây thiệt hại lớn mà còn gây tâm lý lo lắng cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Hà, ở xã Gio Sơn (Gio Linh) cho biết, vườn nhà chị có hơn 100 cây hồ tiêu, hằng năm cho thu nhập hơn 30 triệu đồng. Năm nay, hồ tiêu đang vào vụ thu hoạch thì có hơn 30 cây bắt đầu có hiện tượng lá ngả mầu vàng, thân héo. Thấy cây bị bệnh, chị dùng vôi bột xử lý ở gốc cây nhưng cũng không chữa khỏi bệnh. Còn chị Lê Thị Hương, ở xã Linh Thượng nói rằng: Hôm trước ra thăm vườn tiêu đang mùa ra trái, thấy tiêu xanh tốt và năm nay theo chu trình sinh trưởng của cây tiêu là năm được mùa. Với 0,5 ha tiêu dự định cho thu nhập gần 20 triệu đồng, nên chị khấp khởi mừng vui. Nhưng hôm sau ra vườn thấy nhiều cây lá ngả mầu vàng, héo thân và chết dần. Nhìn vườn tiêu mà chị không cầm được nước mắt.
Vườn của anh Lê Văn Quang, ở xã Gio Bình, có hơn 50 cây tiêu bị chết. Anh nhẩm tính với chúng tôi rằng, vụ này gia đình mất hơn 15 triệu đồng tiền thu từ cây tiêu. Nhìn vườn tiêu chết, anh lo lắng cho cuộc sống gia đình chẳng biết trông cậy vào đâu, các con ăn học ra sao. Anh mong muốn cơ quan chuyên môn sớm xác định mầm bệnh và chỉ ra loại thuốc đặc hiệu để trị bệnh.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi về nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh và biện pháp phòng trừ bảo vệ vườn cây hồ tiêu, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Nguyễn Quang Trinh cho biết: Huyện chỉ đạo cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật phối hợp các địa phương thống kê số cây tiêu chết và tìm hiểu nguyên nhân dịch bệnh để có biện pháp phòng trừ. Theo ông Trinh, hiện tượng trên có thể do cây tiêu bị bệnh tuyến trùng rễ vì sau Tết, mưa rét liên tục khiến nước ứ đọng trong các vườn tiêu chưa thoát kịp làm rễ bị thối. Việc quan trọng đầu tiên là khơi thông hệ thống rãnh, kết hợp vun gốc để nước thoát nhanh và không đọng lâu ở gốc. Để nước đọng là điều kiện thích hợp cho nấm phát triển và lây lan. Đối với loại bệnh này, cần dùng thuốc kích thích cây tiêu mọc rễ mới, sau đó phun thuốc phòng trừ. Ngoài ra, thông tin mà ông Trinh nhận được từ các cán bộ bảo vệ thực vật đang đi kiểm tra, trên cây tiêu còn xuất hiện một số bệnh khác do nấm gây nên…
Để vườn cây hồ tiêu mang lại nguồn “vàng đen” cho người dân, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở huyện Gio Linh và tỉnh Quảng Trị cần sớm có giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch bệnh bảo vệ cây trồng, nhằm khôi phục và phát triển vườn hồ tiêu trên địa bàn huyện Gio Linh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()