Chung quanh dự án Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế ở TP Ninh Bình
Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế nằm trong khuôn viên rộng và nhiều kiến trúc, được coi là điểm nhấn của TP Ninh Bình, tổng diện tích 34,23 ha, gồm các hạng mục chính: Khu dịch vụ và bãi đỗ xe 2 ha; Khu Tượng đài và sân lễ hội 9,64 ha; Khu Quảng trường 10,23 ha; Hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật: 11,61 ha...
Theo ông Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND TP Ninh Bình thì mục tiêu của dự án nhằm xây dựng Quảng trường và Tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế phục vụ đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (năm 2010), đồng thời, xây dựng khu trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng quy mô lớn, đáp ứng các hoạt động văn hóa của tỉnh Ninh Bình; góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng TP Ninh Bình nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung.
UBND TP Ninh Bình là chủ đầu tư với tổng nguồn vốn từ ngân sách T.Ư và nguồn vốn khác huy động từ chương trình xã hội hóa. Cụ thể, tổng mức đầu tư hơn 1.543 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 đến 2016.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình Phạm Thị Hoàn cho biết, công trình khởi công năm 2009 và đang tiếp tục thực hiện, tính đến thời điểm hiện tại, các hạng mục đã thi công cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng một phần như hạng mục đường hầm, khu sân Quảng trường, sân sinh hoạt văn hóa cộng đồng và một số hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật khác (đường giao thông, cấp thoát nước, điện chiếu sáng).
Tại khu vực Quảng trường, người dân tập thể dục, thông xe và bảo đảm giao thông theo luồng của ngành chức năng. Khu Tượng đài, TP triển khai thực hiện từ năm 2009 – 2010, tuy vậy do thiếu vốn cho nên công tác GPMB (đặc biệt là tuyến đường điện 110kV) gặp nhiều khó khăn. Riêng tượng đài Đinh Tiên Hoàng, TP chủ trương không dùng tiền ngân sách Nhà nước để đầu tư mà kêu gọi xã hội hóa (Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường góp vốn thực hiện).
Có thể nói, sau thời gian dài thi công, nguồn vốn do T.Ư cấp từ năm 2009 đến nay chỉ đủ để hoàn thiện một số hạng mục đã thi công còn dang dở trong khi, nguồn kinh phí để GPMB do tỉnh và TP Ninh Bình bố trí khá hạn hẹp so với nhu cầu hơn 200 tỷ đồng. Do vậy, khi GPMB cơ quan chức năng của TP phải tăng cường tuyên truyền, thuyết phục để người dân di dời diện tích cần giải tỏa.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác GPMB của dự án. Tổng số hộ thu hồi đất thổ cư và di chuyển chỗ ở là 181 hộ, trong đó không ít hộ nằm trên QL1A. Qua quá trình vận động, thuyết phục từ năm 2009 đến nay, trong số 165 hộ cần di dời, nhiều hộ đã nhận tiền, hiện chỉ còn 16 hộ chưa nhận tiền hỗ trợ để di dời đến nơi ở mới.
Cũng cần nói thêm, trong khi chưa hoàn thiện công trình dự án, cả khu vực Quảng trường Đinh Tiên Hoàng là một công trường ngổn ngang đất, đá, gạch, cát, sỏi thì cũng có thể có một số đối tượng nghiện hút, chích ma túy lợi dụng những ngôi nhà bỏ hoang hoặc nơi ánh sáng điện không đủ sức dọi tới đến chích, hút ma túy. Song, những đối tượng này không nhiều và TP Ninh Bình đang vận động người dân dẹp bỏ tệ nạn xã hội ở nơi công cộng.
Phó Chủ tịch UBND TP Ninh Bình Đinh Thị Mỹ Hạnh cho biết, thời gian tới, TP huy động mọi nguồn lực để tập trung GPMB và triển khai thi công các hạng mục còn lại phấn đấu hoàn thành kế hoạch của dự án đúng tiến độ đề ra. Đồng thời, vận động nhân dân TP thành lập các tổ tự quản nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho mọi người khi tới Quảng trường Đinh Tiên Hoàng sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Quảng trường Đinh Tiên Hoàng còn ngổn ngang gạch đá vì đợi vốn.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()