Chung quanh cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Man-vi-nát
Việc phát hiện những mỏ dầu đầy triển vọng gần Man-vi-nát chỉ làm tăng thêm căng thẳng trong quan hệ Anh - Ác-hen-ti-na. Cuộc tranh chấp giữa Anh và Ác-hen-ti-na về chủ quyền ở quần đảo Man-vi-nát (Anh gọi là quần đảo Phoóc-len) lại bùng phát căng thẳng sau khi Ác-hen-ti-na cáo buộc Anh đang "quân sự hóa" vùng đất này, đồng thời yêu cầu LHQ can thiệp. Ngày 14-2, LHQ nhận đứng ra làm trung gian hòa giải để tìm ra một giải pháp hòa bình trong tranh chấp giữa Ác-hen-ti-na và Anh.Đồng thời, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã kêu gọi cả hai bên tránh làm tình hình thêm căng thẳng trong bối cảnh sắp tới dấu mốc kỷ niệm 30 năm nổ ra cuộc chiến tranh Man-vi-nát (tháng 4-1982). Nằm ở nam Đại Tây Dương, quần đảo Man-vi-nát cách bờ biển Ác-hen-ti-na khoảng 480 km và cách Anh gần 13 nghìn km, có vị trí địa - kinh tế chiến lược quan trọng, án ngữ tuyến đường hàng hải Đại Tây Dương và khu vực Nam Mỹ. Về kinh tế, đây là một vùng biển có nhiều hải sản. Quần đảo Man-vi-nát là điểm đến...
Việc phát hiện những mỏ dầu đầy triển vọng gần Man-vi-nát chỉ làm tăng thêm căng thẳng trong quan hệ Anh – Ác-hen-ti-na. |
Đồng thời, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã kêu gọi cả hai bên tránh làm tình hình thêm căng thẳng trong bối cảnh sắp tới dấu mốc kỷ niệm 30 năm nổ ra cuộc chiến tranh Man-vi-nát (tháng 4-1982). Nằm ở nam Đại Tây Dương, quần đảo Man-vi-nát cách bờ biển Ác-hen-ti-na khoảng 480 km và cách Anh gần 13 nghìn km, có vị trí địa – kinh tế chiến lược quan trọng, án ngữ tuyến đường hàng hải Đại Tây Dương và khu vực Nam Mỹ. Về kinh tế, đây là một vùng biển có nhiều hải sản. Quần đảo Man-vi-nát là điểm đến du lịch hấp dẫn, với cảnh quan thiên nhiên mang vẻ đẹp hoang sơ, nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã… Nhưng, sức hút kinh tế lớn nhất của Man-vi-nát vẫn là dầu mỏ, với trữ lượng được dự đoán khoảng 9,5 tỷ m3. Từ khi có thông tin về các mỏ dầu khí, Man-vi-nát đã trở thành điểm nóng tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Ác-hen-ti-na và là mối quan tâm của nhiều nước khác như Pháp và Tây Ban Nha và các nước Mỹ la-tinh.
Sau khi giành độc lập từ Tây Ban Nha, Ác-hen-ti-na chính thức tuyên bố chủ quyền với quần đảo này năm 1820. Phía Anh khẳng định, họ đã thiết lập quyền kiểm soát quần đảo Man-vi-nát từ năm 1765. Sau đó, Anh rút các cơ sở kinh tế khỏi quần đảo Man-vi-nát năm 1774, nhưng chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền với vùng lãnh thổ này. Năm 1833, Anh đưa quân đội chiếm lại quần đảo và điều hành vùng lãnh thổ này với khoảng 3.000 cư dân cho đến nay. Tháng 4-1982, quân đội Ác-hen-ti-na đã tiến công căn cứ đồn trú của Anh và kiểm soát quần đảo hơn hai tháng, nhưng sau đó bị Hải quân Anh đánh bại. Tuy nhiên, Ác-hen-ti-na chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền ở đây và điều này đã được khẳng định trong Hiến pháp của Ác-hen-ti-na. Sau cuộc chiến năm 1982, việc tranh chấp chủ quyền đã tạm lắng xuống, nhưng những bất đồng giữa Luân Đôn và Bu-ê-nốt Ai-rét vẫn âm ỉ như những cơn sóng ngầm ở quần đảo này.
Cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Man-vi-nát giữa Anh và Ác-hen-ti-na căng thẳng trở lại khi Luân Đôn tiến hành triển khai kế hoạch khai thác dầu, tập trận quân sự, điều động tàu khu trục đời mới nhất HMS Dauntless tới Man-vi-nát… Ác-hen-ti-na đã chính thức đâm đơn kiện lên LHQ cáo buộc Anh quân sự hóa quần đảo Man-vi-nát, đe dọa an ninh quốc tế, vi phạm các nghị quyết của LHQ có nội dung kêu gọi Anh và Ác-hen-ti-na giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình… Ác-hen-ti-na khẳng định nước này có thông tin Anh đã điều một tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân tới vùng biển nam Đại Tây Dương gần quần đảo tranh chấp Man-vi-nát.
Bu-ê-nốt Ai-rết đồng thời tăng cường nỗ lực ngoại giao để tìm kiếm sự ủng hộ trong tranh chấp chủ quyền của mình tại quần đảo Man-vi-nát và đã giành được sự ủng hộ của các nước thuộc Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) và Liên minh Bô-li-va cho châu Mỹ (ALBA). Hội nghị cấp cao lần thứ 11 của ALBA, đầu tháng 4 vừa qua tại Ca-ra-cát (Vê-nê-xu-ê-la), đã thông qua một tuyên bố tái khẳng định ủng hộ Ác-hen-ti-na trong cuộc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Man-vi-nát. Phát biểu ý kiến tại hội nghị của ALBA, Tổng thống Ê-cu-a-đo Ra-pha-en Cô-rê-a nhấn mạnh, chủ quyền của quần đảo Man-vi-nát không chỉ là vấn đề của Ác-hen-ti-na, mà của cả khu vực Mỹ la-tinh, đồng thời đề xuất ALBA áp đặt trừng phạt đối với Anh. Trong khi đó, Đại sứ Anh tại LHQ M.L.Gran tuyên bố, Anh sẵn sàng tham gia đàm phán song phương với Ác-hen-ti-na mà không cần có bên thứ ba làm trung gian hòa giải. Nhưng Anh sẽ không thảo luận về vấn đề chủ quyền quần đảo Man-vi-nát mà không có sự chấp thuận của cư dân ở đây; đồng thời cảnh báo Ác-hen-ti-na rằng “Anh sẽ bảo vệ quần đảo Phoóc-len tới cùng”. Trong tháng tới, một số nghị sĩ Anh sẽ đi thăm quần đảo tranh chấp này.
Cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Man-vi-nát giữa Anh và Ác-hen-ti-na tiềm ẩn sự căng thẳng kéo dài và nhiều mối đe dọa đối với an ninh và sự phát triển ổn định ở khu vực Nam Mỹ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()