Chứng khoán Việt Nam mở đầu phiên sáng 18/3: Sắc xanh trở lại
Mở đầu phiên sáng 18/3, sắc xanh đã trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index đã tăng cao nhất tới hơn 6,6 điểm, trước khi đảo chiều giảm trở lại.
Mở đầu phiên sáng 18/3, sắc xanh đã trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam , VN-Index đã tăng cao nhất tới hơn 6,6 điểm. Tuy nhiên đến gần 9 giờ 30 phút chỉ số có xu hướng đảo chiều giảm trở lại.
Lúc 9 giờ 35, VN-Index đã đảo chiều giảm đang giao dịch quanh mốc tham chiếu ở mức hơn 746 điểm. Toàn sàn có 196 mã tăng giá, 80 mã giảm giá và 61 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,61 điểm lên 101,33 điểm. Toàn sàn có 46 mã tăng giá, 31 mã giảm giá và 39 mã đứng giá.
Sự giằng co diễn ra tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong rổ cổ phiếu VN30 có 12 mã tăng giá, trong khi có 11 mã giảm giá và 7 mã đứng giá.
Các mã tăng như: BVH, FPT, HPG, VNM, SSI… Trong khi các mã giảm là VRE, VHM, VIC, VJC, MWG, MSN. Tuy nhiên, mức độ tăng giảm của các mã hôm nay không lớn.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tràn ngập sắc xanh. Các mã ACB, CTG, SHB, HDB, VCB… đều kết phiên trong sắc xanh.
Tại nhóm cổ phiếu dầu khí đang diễn biến khá giằng co với PVD giảm giá, PVS, PVC và PVB ở giá tham chiếu, trong khi GAS giảm tới 2,2%. Tuy nhiên PLX lại có mức tăng khá mạnh (hơn 4%).
Cổ phiếu dầu khí đang chịu ảnh hưởng từ việc giá dầu giảm. Theo đó, giá dầu tiếp tục giảm trong phiên 17/3, khi lo ngại sự lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ làm giảm sút nhu cầu hơn nữa đã gây sức ép lên thị trường.
Giá dầu West Texas Intermediate giao tháng Tư giảm 1,75 USD, hay 6,1%, xuống chốt phiên ở mức 26,95 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York, trong khi giá dầu Brent giao tháng Năm giảm 1,32 USD, hay 4,39%, xuống 28,73 USD/thùng tại Sàn London ICE Futures.
Các nhà giao dịch lo ngại về rủi ro lớn đối với nhu cầu dầu mỏ do tác động của dịch COVID-19.
Trước khi diễn ra phiên giao dịch ngày 18/3, nhận định về diễn biến thị trường cho thời gian từ nay đến cuối tuần, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt – BVSC cho biết, VN-Index lần thứ hai kiểm định thành công vùng hỗ trợ 710-740 điểm trong phiên hôm nay.
Chỉ số có thể sẽ tiếp tục có các nhịp rung lắc để kiểm định vùng điểm này trong phiên kế tiếp. Dù vậy, với việc nhiều nhóm cổ phiếu đang rơi vào trạng thái quá bán mạnh giúp chúng tôi tiếp tục kỳ vọng vào khả năng thị trường sẽ sớm xuất hiện nhịp hồi phục tăng điểm từ vùng hỗ trợ trên.
Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch COVID-19 và áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại. Ngoài ra, hai phiên cuối tuần này sẽ là thời điểm đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 03/2020 và hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs (quỹ hoán đổi danh mục) diễn ra. Do đó, thị trường có thể sẽ chịu biến động mạnh trong những phiên cuối tuần.
Đến 9 giờ 50 phút, VN-Index tăng 2,88 điểm lên 748,66 điểm. Trong khi HNX-Index tăng 0,75 điểm lên 101, 47 điểm.
Trên thị trường chứng khoán, thị trường chứng khoán Âu-Mỹ khép phiên ngày 17/3 trong sắc xanh giữa bối cảnh Chính phủ các nước Mỹ và châu Âu đánh tín hiệu về nhiều biện pháp kích thích lớn để hỗ trợ nền kinh tế bị tác động bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trên Phố Wall, một ngày sau khi để mất gần 3.000 điểm, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã đóng cửa với mức tăng 5,2% (khoảng 1.050 điểm) lên 21.237,38 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng thêm 6% lên 2.529,19 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 6,2% lên 7.334,78 điểm.
Tại châu Âu, các thị trường chứng khoán cũng tăng điểm sau khi cả Pháp và Tây Ban Nha thông báo các gói hỗ trợ kinh tế hàng chục tỷ euro. Chỉ số FTSE 100 tại London tăng 2,8% lên 5.294,90 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tiến 2,3% lên 8.939,10 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris cộng thêm 2,8% lên 3.991,78 điểm, còn chỉ số FTSE MIB tại Milan tăng 2,2% lên 15.314,77 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 3,3% lên 2.530,50 điểm.
Trong bối cảnh một số nền kinh tế lớn của châu Âu đang trong tình trạng phong toả và nhiều trung tâm lớn tại Mỹ như New York và San Francisco cũng sụt giảm, các chính phủ đang hướng đến một nỗ lực lớn nhằm hỗ trợ các công ty và ngăn chặn đà giảm sâu của các thị trường.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang cân nhắc về gói kích kích lên tới 1.000 tỷ USD để thúc đẩy nền kinh tế hướng đến người tiêu dùng do hoạt động tại các nhà hàng và cửa hàng bị đình trệ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Nhà Trắng sẽ tập trung vào một biện pháp kích thích, trong đó sẽ bao gồm việc gửi chi phiếu cho người dân Mỹ trong vòng hai tuần tới. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế hiện dự báo Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.
Trong khi đó, Chính phủ Italy đã tiến hành quốc hữu hoá hãng hàng không quốc gia cũ Alitalia bị phá sản thông qua một gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp, còn Pháp thông báo sẽ không ngần ngại quốc hữu hóa các công ty để tránh sự sụp đổ.
Trong một động thái nhằm giúp kiềm chế sự biến động lớn trên các thị trường do sự bùng phát dịch COVID-19, Cơ quan quản lý chứng khoán Pháp ngày 17/3 đã cấm bán khống trong 92 cổ phiếu hàng đầu trong ngày.
Tối 17/3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí quyết định đóng cửa biên giới ngoài EU trong 30 ngày đối với những người không phải là công dân của khối để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19./.
Ý kiến ()