Chứng khoán tuần tới: Khả năng xuất hiện một đợt điều chỉnh khá sâu
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, lực bán có thể xuất hiện từ vùng kháng cự 990-1.000 điểm khiến chỉ số VN-Index có khả năng bước vào đợt điều chỉnh khá sâu.
Tuần qua (từ 16-20/11), thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến rất tích cực với thanh khoản tăng cao và khối ngoại mua ròng.
VN-Index đã “chạm” đến vùng kháng cự 990-1.000 điểm và đây được đánh giá là vùng rất “nhạy cảm” về mặt tâm lý nhà đầu tư.
Giới phân tích từ các công ty chứng khoán cho rằng thị trường sẽ gặp áp lực rung lắc và điều chỉnh. Dù vậy, xu hướng tổng thể của thị trường vẫn được đánh giá tích cực trong ngắn hạn.
Yếu tố để thị trường trông đợi
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), dù thị trường ghi nhận diễn biến tích cực về mặt điểm số nhưng rủi ro đang gia tăng khi chỉ số VN-Index đã tiệm cận vùng cản tâm lý và cũng là vùng kháng cự mạnh 990-1.000 điểm.
Lực bán có thể xuất hiện từ vùng kháng cự này khiến chỉ số VN-Index có khả năng bước vào đợt điều chỉnh khá sâu.
Ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt-BVSC nhận định VN-Index sẽ tiến vào vùng kháng cự 990-1.000 điểm trong tuần tới. Đây là vùng cản tâm lý mạnh nên thị trường sẽ gặp áp lực rung lắc điều chỉnh mạnh khi tiếp cận.
Diễn biến thị trường trong tuần tới có thể sẽ có sự giằng co và phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Dòng tiền sẽ bắt đầu có sự luân phiên dịch chuyển qua các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều để tìm kiếm lợi nhuận.
Dù vậy, theo vị chuyên gia này, về tổng thể xu hướng thị trường vẫn được đánh giá tích cực trong ngắn hạn với sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền nội và sự trở lại mua ròng của khối ngoại.
Do đó, các nhịp điều chỉnh của thị trường vẫn được xem là các nhịp “nghỉ” cần thiết để giúp chỉ số tiếp tục hướng đến các mức cao mới trong thời gian tới.
Trong khi đó, nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB-MBS cũng có góc nhìn rất tích cực về diễn biến thị trường.
MBS nhận định việc thị trường có được sự dẫn dắt mạnh mẽ từ nhóm bluechips (cổ phiếu nhận được sự chú ý đặc biệt của mọi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và mang tính dẫn dắt thị trường) đang cho thấy khả năng vượt qua kháng cự 1.000 điểm là rất cao.
Thanh khoản trong 4 phiên tăng gần đây cũng rất tốt nếu so sánh với giai đoạn chỉ số sideway (xu hướng giá dịch chuyển trong vùng được tạo bởi ngưỡng kháng cự và hỗ trợ mạnh) từ tháng Sáu trở đi. Các mã vốn hóa lớn tích lũy dài thời gian qua đang nhập cuộc mạnh mẽ sẽ là yếu tố để thị trường trông đợi cho lần vượt cản này.
Về diễn biến giao dịch, kết thúc tuần giao dịch từ 16-20/11, chỉ số VN-Index tăng 23,71 điểm lên mức 990 điểm. VN-Index tăng 4/5 phiên giao dịch của tuần với 242 mã tăng và 120 mã giảm.
VCB, GAS và HPG là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho mức tăng của VN-Index trong tuần qua, đóng góp lần lượt 3,44, 4,4 và 5,76 điểm tăng cho chỉ số VN-Index.
Trong khi đó, VIC, MSN và BCM là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số, lấy đi 3,37, 2,64 và 0,23 điểm của chỉ số VN-Index.
Giá trị giao dịch trung bình 5 phiên trên HOSE đạt 9.538,99 tỷ đồng/phiên, tăng 24,18% so với tuần trước đó. Khối ngoại cũng mua ròng 456,05 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index kết thúc tuần giao dịch tại mức 147,21 điểm, tăng 2,47 điểm so với tuần trước đó. Chỉ số tăng điểm tại 4 trên 5 phiên giao dịch trong tuần với 127 mã tăng và 109 mã giảm.
[Giá cổ phiếu ngân hàng sau chuyển sàn chưa được như kỳ vọng]
ACB, PVS và SHS là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho chỉ số, đóng góp 1,63 điểm, 0,16 điểm và 0,12 điểm của chỉ số HNX-Index.
Trong khi đó, SHB, VCG và OCH là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số, lấy đi 0,28, 0,10 và 0,06 điểm của chỉ số HNX-Index.
Giá trị giao dịch trung bình 5 phiên trên sàn HNX đạt 1.085,66 tỷ đồng/phiên, tăng 16,93% so với tuần trước đó. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 14,71 tỷ đồng trên sàn này.
Nhóm cổ phiếu thép diễn biến tích cực với HSG tăng 1,8%, HT1 tăng 2,1%, HPG tăng 11,1%, NKG tăng 16,8%, VIS tăng 20,6%, POM tăng 24,6%.
Nhóm sản xuất nhựa-hóa chất cũng tăng rất tích cực với NTP tăng 3,68%, HII tăng 4,87%, PHR tăng 5,21%, BMP tăng 8,59%, AAA tăng 9,33%.
Theo Công ty chứng khoán MB-MBS, sau phiên giảm đầu tuần qua, thị trường chứng khoán trong nước tăng 4 phiên liên tiếp với mức thanh khoản cũng liên tục tăng cao, đó là dấu hiệu cho thấy thị trường “khỏe.”
Những tín hiệu tích cực và lạc quan của thị trường chứng khoán trong nước là khá rõ ràng, trong khi các thị trường chứng khoán thế giới tuần qua diễn biến thất thường.
Nhà đầu tư “nửa mừng nửa lo”
Tuần qua, thị trường chứng khoán Phố Wall lên xuống thất thường, do nhà đầu tư “nửa mừng nửa lo” trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin tích cực về triển vọng ra đời vắcxin ngừa COVID-19 song song với nỗi lo ngại về số ca mắc và tử vong do dịch bệnh trên toàn thế giới.
Điểm sáng trong bức tranh tuần này là cả hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều chạm mức cao kỷ lục mới trong phiên đầu tuần (16/11) sau khi Tập đoàn công nghệ sinh học Moderna Inc của Mỹ thông báo vắcxin thử nghiệm của hãng này đã phát huy tới 94,5% hiệu quả trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19.
Sang hai phiên tiếp theo, các chỉ số liên tiếp đi xuống khi thị trường chịu sức ép do diễn biến đáng quan ngại về tình trạng tăng vọt các ca mắc COVID-19 có thể dẫn đến những biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội mới.
Đến ngày 19/11, triển vọng đàm phán gói kích thích kinh tế mới tại Mỹ sau khi các nhà lập pháp hàng đầu nước này nhất trí nhóm họp sau nhiều tháng bế tắc đã tiếp động lực cho các chứng khoán Phố Wall đảo chiều đi lên.
Tuy nhiên, đà tăng này không duy trì được lâu khi thị trường rơi vào vùng đỏ trong phiên cuối tuần (20/11).
Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,8% và đóng cửa phiên này ở mức 29.263,48 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 cũng hạ 0,7% xuống 3.557,54 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 0,4% xuống 11.854,97 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt 0,7% và 0,8%. Riêng Nasdaq tăng 0,2% so với thời điểm chốt phiên của tuần trước.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Á-Âu giao dịch trái chiều trong phiên ngày 20/11 trong bối cảnh các nhà giao dịch cũng đang “mắc kẹt” giữa sự lạc quan dài hạn về vắcxin ngừa COVID-19 và nỗi lo về số ca mắc và tử vong do dịch bệnh trên toàn thế giới.
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,4% xuống 25.527,37 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 0,4% lên 3.377,73 điểm, còn chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,4% lên 26.451,54 điểm.
Chứng khoán Manila tăng hơn 2% sau khi Ngân hàng trung ương nước này bất ngờ cắt giảm lãi suất trong ngày 19/11. Chứng khoán Seoul, Singapore, Mumbai và Bangkok cũng tăng. Trong khi đó, chứng khoán Sydney, Wellington, Jakarta và Đài Bắc đi xuống.
Chứng khoán London và Paris mở phiên tăng điểm, song chứng khoán Frankfurt giảm./.
Ý kiến ()