Chứng khoán Mỹ tăng nhờ số liệu kinh tế tích cực từ Mỹ và Trung Quốc
Việc PMI ngành chế tạo của Trung Quốc trong tháng Hai đã tăng từ 52,9 điểm lên 55 điểm, PMI lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ cũng nằm trong vùng tăng trưởng đã khiến chứng khoán Phố Wall phục hồi.
Thị trường chứng khoán Phố Wall phục hồi trong tuần qua nhờ các số liệu kinh tế tích cực của Mỹ và Trung Quốc.
Theo khảo sát của Caixin, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành chế tạo của Trung Quốc trong tháng Hai đã tăng từ 52,9 điểm lên 55 điểm – duy trì trên ngưỡng tăng trưởng là 50 điểm.
Trong khi đó, khảo sát của Viện Quản lý cung ứng (ISM) cho thấy PMI lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ cũng nằm trong vùng tăng trưởng, song giảm từ 55,2 điểm xuống 55,1 điểm.
Báo cáo của ISM cho biết kết quả của tháng Hai được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng trong hơn 10 ngành bao gồm nông nghiệp và bất động sản.
Nhà phân tích thị trường Michael Hewson tại công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh) giải thích số liệu kinh tế tốt một mặt làm tăng lo ngại về khả năng các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất lâu hơn, song một mặt cũng giúp tạo ra kỳ vọng rằng bức tranh kinh tế có thể không tồi tệ như dự đoán vào đầu năm.
Rubeela Farooqi, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn nghiên cứu High Frequency Economics, cho rằng nhìn chung, khảo sát báo hiệu sự mở rộng hoạt động của ngành dịch vụ chưa phản ánh các tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt.
Khép lại phiên cuối tuần 3/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 387,4 điểm, tương đương 1,17%, lên 33.390,97 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 64,29 điểm, tương đương 1,61%, lên 4.045,64 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 226,02 điểm, tương đương 1,97%, và đóng cửa phiên ở mức 11.689,01 điểm.
Tính chung cả tuần, Dow Jones tăng 1,75%, chấm dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tục. S&P 500 tăng 1,9%, đánh dấu tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần trở lại đây và chỉ số Nasdaq tăng 2,58%.
Tuần qua, thị trường chứng khoán Phố Wall chứng kiến các phiên giao dịch biến động trái chiều khi nhà đầu tư cân nhắc hàng loạt số liệu và chỉ báo kinh tế để dự đoán lộ trình lãi suất của Mỹ.
David Carter, giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư JPMorgan, cho rằng diễn biến thị trường vẫn xoay quanh lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và cách mà chính sách tiền tệ thắt chặt có thể hạ nhiệt nền kinh tế một cách “nhẹ nhàng.”
Nhìn chung, các thị trường đang nghiêng về khả năng Fed sẽ tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát nhanh hơn, trong khi sức khỏe kinh tế và thị trường lao động vẫn vững vàng.
Thống kê mới đây cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu bất ngờ giảm cho thấy thị trường lao động liên tục thắt chặt và càng làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể tăng lãi suất cao hơn dự kiến.
Dù vậy, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ tiếp tục giảm trong tháng Hai, bất chấp dự báo về đà phục hồi của các nhà phân tích khi những người tham gia khảo sát bày tỏ lo lắng về việc làm và điều kiện kinh doanh trong tương lai.
Trong khi đó, giá nguyên vật liệu tăng trong tháng trước, cho thấy lạm phát có thể vẫn leo thang sau khi giá tiêu dùng và sản xuất hàng tháng vẫn tăng trong tháng 1/2023.
Fed dự kiến sẽ đưa ra hai đợt tăng lãi suất ở mức 0,25 điểm phần trăm vào tháng Ba và tháng Năm tới, tuy nhiên, thị trường tài chính đang đặt cược vào một đợt tăng lãi suất nữa của ngân hàng này vào tháng Sáu năm nay. Fed đã tăng lãi suất 4,5 điểm phần trăm kể từ tháng 3/2022, từ mức gần bằng 0% lên mức 4,50%-4,75%.
Chủ tịch chi nhánh Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari đã để ngỏ khả năng Fed nâng lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng này, cho dù đó là mức nâng là 0,25 điểm phần trăm hay 0,5 điểm phần trăm.
Môi trường lãi suất cao không có lợi cho đầu tư cổ phiếu, đồng thời lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng cũng là một trong những yếu tố chính gây áp lực cho thị trường chứng khoán./.
Ý kiến ()