Chứng khoán chưa thể phi nước đại trong năm "Ngựa"
Không khí giao dịch trên thị trường chứng khoán trong những ngày sát Tết Giáp Ngọ trở nên náo nhiệt.
Nếu như cả năm 2013 chỉ số VN-Index lòng vòng quanh mốc 500 điểm, thì chỉ trong một tháng đầu năm 2014, chỉ số này đã đi thẳng lên mốc 560 điểm. Trước đó, một số chuyên gia phân tích cũng kỳ vọng VN-Index trong năm nay sẽ phi nước đại và vượt mốc 600-650 điểm.
Chênh vênh vốn “nóng”
Theo số liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 1, khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 1.600 tỷ đồng, trong khi cả năm 2013 khối này mua ròng là 5.510 tỷ đồng (tương ứng gần 30%).
Các nhà đầu tư ngoại hướng dòng tiền lớn tới nhóm cổ phiếu trụ cột và tạo hậu thuẫn tích cực cho đà tăng của VN-Index trong suốt tháng qua.
Xét tính chu kỳ thì đây là năm thứ 3 liên tiếp thị trường có đợt sóng lớn vào thời điểm đầu năm. Cụ thể, chỉ số VN-Index của tháng Một đều tăng qua các năm, tương ứng: 7,5% (năm 2012), 17% (năm 2013) và xấp xỉ 12% (năm 2014).
Hiện tượng dậy sóng trong những tháng đầu năm đã tạo động lực tâm lý cho thị trường trong các tháng tiếp theo. Có thể nói, đây cũng là năm thứ 3 giới đầu tư chứng khoán có cái được Tết “dễ thở” hơn so với các năm trước đó.
Tương tự như hai năm trước, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức, hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp nội địa nhìn chung khó khăn, động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán được xuất phát từ khối các nhà đầu tư nước ngoài, sau đó tạo hiệu ứng lan tỏa ra khối nhà đầu tư trong nước.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà đầu tư tại sàn chứng khoán SSI cho biết, “thị trường có sự tăng tốc bất ngờ mà hậu thuẫn lại xuất phát từ phía nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, chúng tôi thấy băn khoăn về xu thế dòng tiền ‘nóng’ và thấy cần thận trọng quan sát tín hiệu của khối ngoại trong ngắn hạn và trung hạn.”
Bởi theo ông Tuấn Anh, dòng tiền đầu tư nước ngoài ở các năm trước khá dồi dào, nhờ vào chính sách nới lỏng tiền tệ tại các nước phát triển. Nhưng sang đến năm nay, kinh tế thế giới đã từng bước ổn định, theo đó các quốc gia phát triển cũng bắt đầu thắt chặt các chính sách tài chính.
Gần đây, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cũng có những dự báo về khả năng dòng vốn “nóng” tại các thị trường mới nổi sẽ được rút ra dần và quay trở lại những nơi xuất phát của nó.
Trên thị trường chứng khoán quốc tế, giới đầu tư cũng khá quan ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ đẩy nhanh tiến độ giảm dần chương trình nới lỏng định lượng (QE3) trước triển vọng ngày càng sáng sủa của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Lo lắng của các nhà đầu tư không phải là không có căn cứ, song từ kinh nghiệm làm việc với các đối tác đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoians SSI lại khẳng định: “Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam là nhỏ nên việc Mỹ giảm gói định lượng EQ3 sẽ tác động không đáng kể.”
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thế Minh, chuyên viên phân tích kỹ thuật, Công ty Chứng khoán Bản Việt cũng nhận định, dòng tiền của khối ngoại sẽ tiếp tục chảy vào thị trường Chứng khoán Việt Nam.
Đặc biệt là tỷ lệ thặng dư của hai quỹ ETF (tức là Quỹ DBFTSE và Quỹ Van Eck) đang trên mức 2% cho nên khả năng số chứng chỉ quỹ sẽ tiếp tục gia tăng, nghĩa là 2 quỹ ETF sẽ tiếp tục mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này thường diễn ra trong thời điểm ba tháng đầu năm, kể từ năm 2012 trở lại đây.
“Đãi cát tìm vàng”
Phân tích xu thế thị trường chứng khoán trong năm, theo ông Nguyễn Thế Minh, chuyên viên Phân tích kỹ thuật, Công ty Chứng khoán Bản Việt, giai đoạn cuối năm 2013 và tháng 1/2014, có thể thấy nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã dẫn dắt thị trường tích cực, điểm nổi bất nhất là dòng tiền của khối ngoại chảy vào thị trường rất mạnh và chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu trong rổ tính chỉ số VN30.
“Do đó, ta có thể nhận thấy khối ngoại lạc quan về tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp và nền kinh tế của Việt Nam, đây là tín hiệu tốt về mặt xu hướng trung và dài hạn.
Tôi dự báo, xét về điểm số thị trường, chỉ số VN-Index đã vượt mức đỉnh 2010 (tức là mức 550 điểm), nên cơ hội tăng về vùng đỉnh năm 2009 là rất cao (tức là mức 630 điểm). Tuy nhiên, về xu hướng trung hạn, tôi kỳ vọng thị trường sẽ hướng về mức 590 điểm,” ông Minh nói.
Về môi trường đầu tư, theo đánh giá chung từ giới chuyên gia, kết thúc năm 2013, kinh tế vĩ mô Việt Nam đã dần đi vào ổn định, tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thêm vào đó, Quỹ tiền tệ thế giới mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 3.,7%, cho thấy một cái nhìn lạc quan về kinh tế thế giới đồng thời các nước kinh tế mới nổi sẽ được hỗ trợ tăng trưởng một cách tích cực từ các nước có nền kinh tế phát triển.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, bên cạnh những dấu hiệu tích cực, kinh tế Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro và trở ngại bởi nền kinh tế thế giới được nâng dự báo tăng trưởng nhưng vẫn ở mức thấp.
Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế trong nước vẫn chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài trong khi các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa vượt qua được giai đoạn khó khăn.
“Với những thuận lợi và khó khăn như vậy, tôi lạc quan về xu hướng thị trường năm 2014, nhưng không cho rằng thị trường sẽ tốt đến mức phi nước đại. Tôi cho rằng sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu vẫn sẽ tiếp diễn, nên nhìn trên góc độ chỉ số, mức tăng điểm sẽ vừa phải.
Năm Giáp Ngọ sẽ là năm ‘đãi cát tìm vàng’, bởi sẽ có nhiều giai đoạn kỹ năng lựa chọn cổ phiếu quan trọng hơn xu hướng chung của chỉsố,” ông Giang nói.
Với quan điểm thận trọng, ông Hưng nhấn mạnh, “nợ xấu vẫn còn là một ẩn số, quả bóng bất động sản vẫn treo lơ lửng, trong khi hai ngành này đang chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường chứng khoán niêm yết, từ đó cho thấy chứng khoán khó có thể tăng trưởng tốt trong năm Giáp Ngọ.”
Về thị trường chứng khoán Việt Nam, Giáo sư Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng đưa ra nhận định khả quan. Giáo sư dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2014, tuy ít có khả năng đột phá nhưng sẽ có đà phục hồi tăng trưởng đồng thời thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Theo Giáo sư Vương Đình Huệ, trong năm chính sách điều hành sẽ tiếp tục đẩy mạnh đề án tái cấu trúc và một trong những nội dung quan trọng khác là đề án sáp nhập một sở 2 sàn nhằm thống nhất giám sát sự quản lý của nhà nước.
Cùng đó là đẩy mạnh phát triển thị trường các sản phẩm phái sinh; nâng cao hiệu quả các công ty chứng khoán; tăng cường hội nhập quốc tế, giám sát thị trường và hướng tới kết nối thị trường với cộng đồng ASEAN./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()