Chứng chỉ nội chưa “thiêng”
Thấy chị bạn có kế hoạch bỏ ra cả trăm triệu mua gói luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS cho con, với kỳ vọng đạt được số điểm xét tuyển vào đại học năm tới, tôi liền gợi ý về chứng chỉ ngoại ngữ nội cũng có giá trị xét tuyển đại học sẽ được một số trường sử dụng từ năm 2023. Chưa nghe hết câu, chị đã giãy nảy lên, nói: “Độ tin cậy của bằng Việt Nam cấp luôn là vấn đề… Có bằng nhưng không thể học như người có bằng tương đương do nước ngoài cấp. Thôi, thà mất thêm tiền để có tấm bằng ra tấm ra món”.
Suy nghĩ đó có lẽ không phải không có cơ sở bởi không nhiên bấy lâu nay, chứng chỉ nước ngoài lại “lên ngôi”.
Chứng chỉ tiếng Anh IELTS xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 1990, ban đầu phục vụ một nhóm nhỏ người đi du học theo các hình thức học bổng. Tuy nhiên, khoảng 5 năm gần đây, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế rất được chuộng trong ngành giáo dục, từ tiểu học đến đại học. Chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó có IELTS trở thành lợi thế giúp học sinh được xét tuyển thẳng những trường đại học danh tiếng trong nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã miễn thi và tính điểm 10 môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cho học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 (hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ khác) trở lên. Con số học sinh được miễn thi tốt nghiệp ngoại ngữ tăng từ hơn 3.000 lên 10.800 tại Hà Nội và gần 7.900 thí sinh tại TP Hồ Chí Minh trong 3 năm 2019-2021 cho thấy sức hút mạnh mẽ của những tấm bằng IELTS. Chưa kể, nhiều trường đại học có các chương trình liên kết, giao lưu, giảng dạy nhiều môn học bằng tiếng Anh, giảng viên du học ở nước ngoài về cũng tăng lên. Ngoài ra, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là điểm cộng trong hồ sơ xin việc. Vì thế, ngoại ngữ chuẩn quốc tế được thí sinh và các trường chuộng là điều dễ hiểu.
Luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS.Ảnh: Báo Thanh niên. |
Hiện nay, có nhiều loại chứng chỉ ngoại ngữ do các tổ chức khảo thí nước ngoài cấp như IELTS, TOEIC, TOEFL, APTIS… nhưng mấy ai để ý Việt Nam cũng có chứng chỉ thương hiệu nội mang tên VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency). Đây là kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dành cho Việt Nam, do các trường đại học trong nước tổ chức thi và cấp. Lệ phí thi rẻ, cấu trúc đề thi được đánh giá có nhiều điểm tương đồng với IELTS, TOEFL.
Tiêu chuẩn “nội”, tiêu chuẩn “ngoại” là câu chuyện muôn thuở, tùy nhu cầu mỗi người lại có lựa chọn riêng. Điều đáng nói là dù chỉ có nhu cầu sử dụng “nội địa” nhưng người học vẫn chẳng mấy mặn mà với chứng chỉ “nội”. Họ vẫn sẵn sàng “đổ tiền” để luyện thi IELTS. Lý do chứng chỉ nội chưa “thiêng” thì có nhiều nhưng điều dễ thấy nhất là quy trình, cách thức đánh giá và đề thi chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam chưa tạo được uy tín đối với xã hội, nhất là đối với các trường đại học. Hơn nữa, chứng chỉ này chưa được các nước công nhận nên giá trị sử dụng còn nhiều hạn chế. Cho đến thời điểm hiện tại, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo là nơi ra đề thi, cấp phép cho các trường đại học tổ chức thi và cấp chứng chỉ nhưng Bộ vẫn chưa chấp nhận chứng chỉ VSTEP để miễn thi ngoại ngữ cho thí sinh.
Để đứng vững ở thị trường quốc nội, có lẽ VSTEP phải phấn đấu nhiều hơn, cải cách nhiều hơn nữa trong đào tạo, tổ chức thi và độ nghiêm túc của quy trình thi, chấm thi. Khi đó, thương hiệu nội sẽ không còn đau đáu câu hỏi vì sao bị “lép vế” ngay trên sân nhà.
Ý kiến ()