Thứ 3, 19/11/2024 17:27 [(GMT +7)]
Chuẩn nội thất học đường, thêm một lần lỗi hẹn
Thứ 3, 31/08/2010 | 10:08:00 [(GMT +7)] A A
79, 53% cận thị và gần 20% cong vẹo cột sống là kết quả đợt điều tra hơn 16.000 học sinh phổ thông Hà Nội của Chương trình y tế học đường năm học 2009-2010 do Bộ Y tế tiến hành.
Nguyên nhân được các chuyên gia xác định là do bàn ghế không phù hợp tầm vóc học sinh và phòng học không đủ ánh sáng. Thế nhưng, năm học này, n gành Giáo dục lại thêm lần nữa lỗi hẹn với 23,5 triệu học sinh, sinh viên cả nước, bởi chuẩn về nội thất học đường vẫn chưa có, dù đây là một yếu tố quan trọng làm nên chất lượng giáo dục.
Nghiên cứu chuẩn mãi mà chưa “chuẩn”
Không thể kết luận xã hội và các cơ quan chức năng thiếu quan tâm cơ sở vật chất trường học và bệnh lý học đường. Bởi lẽ, hằng năm, ngân sách nhà nước cấp theo các chương trình: Nâng cao chất lượng giáo dục; Kiên cố hóa trường học, xóa lớp học ba ca, xóa lớp học tranh tre, nứa lá; Chương trình 135 về xóa đói, giảm nghèo…, cùng với các nguồn đầu tư quốc tế như của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), các tổ chức phi chính phủ, nguồn hỗ trợ của rất nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm và cả sự đóng góp nhiệt tình của các phụ huynh học sinh… để cùng lo cho việc học của thế hệ tương lai không ít hơn hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Ngay cả yếu tố kỹ thuật trong nội thất trường học cũng đã được bàn đến nhiều lần. Năm 2000, Bộ Y tế đã ban hành Quy định về vệ sinh trường học kèm theo Quyết định 1221 trong đó có quy định chiều cao bàn ghế, tùy theo chiều cao cơ thể từ 1m đến 1m55 trở lên. Tuy nhiên, văn bản này hoàn toàn không khả thi, nó khiến người ta liên tưởng việc xây dựng dự thảo Quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe cũng do Bộ Y tế soạn thảo, vì không phù hợp với nhân trắc của học sinh hiện nay, khi chiều cao đã cải thiện đáng kể bởi dinh dưỡng ngày một tốt hơn.
Năm 2005, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chuẩn TCVN 7490: 2005 và TCVN 7491: 2005 về kích thước cơ bản theo chỉ số nhân trắc học sinh và bố trí bàn ghế học sinh trong phòng học. Điều đáng nói ở chuẩn quốc giaTCVN này là chiều cao bàn ghế bị “tụt” hơn so quy định 1221 của Bộ Y tế ban hành 5 năm trước. (Theo một đề tài nghiên cứu khoa học của Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường – Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về sự phù hợp giữa kích thước bàn ghế với nhân trắc học sinh, thì quy định chiều cao bàn, ghế cả hai văn bản này thấp hơn từ 2 đến 3 cm). Mặt khác, tính chi tiết, tính cụ thể của TCVN 2005 rất thiếu, chỉ quy định chung chung, còn chuẩn cho từng cấp học, từng lứa tuổi, thậm chí từng chiều cao thì lại không có. Ngành Giáo dục không thể áp dụng được TCVN, thế nên vẫn còn chuyện một học sinh lớp 1 đến lớp 5 vẫn ngồi một bộ bàn ghế, hay bàn ghế cấp Tiểu học dùng chung cho cả THCS.
Bàn ghế đã vậy, những quy định về ánh sáng trường học hiện cũng rất “mù mịt”. Theo TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, mặc dù từ năm 1997, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản về chú trọng tính hợp lý trong hệ thống chiếu sáng học đường, nhưng sự… bất hợp lý vẫn còn phổ biến. Trong lớp học, phải dùng bảng chống lóa mới bảo vệ mắt học sinh, bảo đảm các em ở góc độ nào cũng nhìn thấy. Nhiều trường học vẫn dùng bảng trắng viết bằng bút dạ, bảng gỗ sơn đen và cả bảng làm từ tôn Austnam sơn xanh… Hệ thống đèn thì mỗi nơi một kiểu, đèn huỳnh quang, đèn compact, thậm chí cả đèn cao áp thủy ngân, đèn halogen hay đèn vàng có dây tóc, được lắp rất tùy tiện trên bảng, trên tường, bất kể hàng ngang, hàng dọc… TS Khải kết luận: “Học sinh hiện nay đang bị ô nhiễm ánh sáng, mắt các em luôn phải điều tiết do ánh sáng trong lớp học vừa không đúng lại không đủ, nên dễ mắc các bệnh về tật khúc xạ, trong đó chủ yếu là cận thị”
Hậu quả của việc chậm trễ
Đã sáu năm kể từ khi TCVN được ban hành, đến nay, ngành Giáo dục vẫn chưa chủ trì xây dựng xong Quy định về chuẩn nội thất trường học một cách chi tiết, chính xác. Bệnh lý học đường gia tăng, trong khi các vị phụ huynh học sinh vẫn phải đóng góp các khoản xây dựng cơ sở vật chất hằng năm.
Các chuyên gia kỹ thuật, những người tâm huyết với giáo dục đều cho rằng, không thể để mãi tình trạng bàn ghế đang hành học sinh như hiện nay! Quan sát các em trong lớp: vài ba em lớp 1 viết chính tả theo cách… đứng nhón trên mấy đầu ngón chân, vài ba em khác thì cuốn vở xộc xệch trước mặt vì cái bàn cao quá… Trong khi các em lớp 5 lại cúi gập người để viết vì bàn quá thấp. Không khí lớp học đang trật tự, bỗng vài ba em ngồi gần cửa sổ đứng lên để nhìn chữ trên bảng vì bị ánh sáng lóa… “Hai điều bất hợp lý nhất trong nội thất trường học hiện nay là sử dụng bàn, ghế liền nhau và mặt bàn lại phẳng” – Ông Đặng Hùng Lập, Phó Giám đốc Công ty Thiết bị Giáo dục 1 (Bộ GD-ĐT) cho biết, vì bàn ghế liền nhau nên độ xa gần không điều chỉnh được, khoảng cách độ chênh giữa bàn và ghế liền nhau lại quá lớn khiến hầu hết học sinh đều ngồi sai tư thế. Bên cạnh đó, mặt bàn phẳng làm các em học sinh lúc viết và đọc, đầu bị gục xuống. Nhiều thầy cô và phụ huynh cho là bàn thấp, nhưng khi bàn cao, các cháu lại càng gục đầu hơn.
TS Tạ Tuyết Bình, Viện Y học Lao động vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) nói rõ hơn: Bàn ghế không chỉ ảnh hưởng đến hình thái, thể chất mà còn có liên quan tâm sinh lý của học sinh. Kích thước không đúng trước mắt làm cho học sinh chóng mệt mỏi, ảnh hưởng tới sự tập trung, tiếp theo là nguy cơ mắc các bệnh học đường như: cận thị, vẹo cột sống, ngực lép, gù lưng. Đặc biệt, học sinh ngồi nhiều ở tư thế gục đầu thì cột sống cổ C5 và C6 bị chèn ép làm tổn thương dây thần kinh điều khiển hệ vận động, dẫn đến rối loạn chức năng của các cơ quan hệ vận động.
Bao giờ có chuẩn?
Hằng năm, số bàn ghế được đóng mới theo thiết kế chưa chuẩn vẫn “vô tư” đi vào các lớp học. Trên thị trường, mặt hàng này đang “trăm hoa đua nở” về giá cả và chủng loại. Từ anh thợ sắt đến anh thợ hàn hay các tập đoàn có tên tuổi, có thương hiệu, đều có thể tung ra những sản phẩm bàn ghế học sinh. Hàng nội chưa đủ, còn có cả hàng ngoại. Chẳng biết dựa vào chuẩn nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên người tiêu dùng dễ bị “lóa mắt” khi lựa chọn sản phẩm. Bên cạnh đó, trong các dự án đầu tư xây dựng trường học, việc chọn gói thầu nội thất chủ yếu là do ban quản lý dự án – những người không có chuyên môn mà chỉ dựa vào cảm quan, thẩm mỹ chủ quan và giá cả, ít nghĩ đến những yếu tố khoa học và những ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe học sinh.
Trả lời câu hỏi: “Ngành Giáo dục tại sao vẫn chưa ra được một Quy định chuẩn về nội thất trường học?”, ông Phạm Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) nói: “Mặc dù Bộ GD-ĐT phải chủ trì, nhưng vì vấn đề liên quan liên ngành gồm KH-CN, Y tế, Xây dựng nên văn bản lâu ra đời…”. Cuối cùng, ông Phương hứa: “Cuối năm 2010, văn bản này sẽ xây dựng xong. Vì chậm nên bảo đảm chắc, chi tiết và chính xác để khi được ban hành các đơn vị có thể áp dụng ngay”.
Hy vọng đến thời điểm ấy, dù đã muộn, ngành Giáo dục sẽ không lỗi hẹn.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()