Chuẩn mực!
Cần xem xét có thêm những biện pháp, những chế tài mạnh mẽ hơn để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn mà những hành vi tiêu cực, vi phạm chuẩn mực chung cũng cần được quan tâm, chấn chỉnh thật sâu sát, quyết liệt, bảo đảm phòng ngừa ngay từ lúc tham nhũng, tiêu cực manh nha.
Ảnh minh họa. |
Nói một cách khái quát, tham nhũng, vi phạm pháp luật là những hành vi đáng lên án và pháp luật có những chế tài xử lý một cách nghiêm minh. Nhưng bên cạnh đó, hiện nay còn rất nhiều hành vi tiêu cực, vi phạm các chuẩn mực xã hội cần được chấn chỉnh.
Quốc gia nào có pháp luật của quốc gia ấy, xã hội nào có chuẩn mực của xã hội ấy, buộc mọi người từ cán bộ đến người dân phải tuân thủ, để xã hội ổn định, cuộc sống bình yên, đất nước phát triển. Và từ xưa đến nay, người lãnh đạo dù muốn hay không đều là tấm gương để người dân nhìn vào, nếu là tấm gương sáng thì dân ca ngợi và làm theo; tấm gương xấu thì người dân coi thường… Do đó, một người chân chính luôn luôn phải gìn giữ tư cách, tuân thủ các chuẩn mực chung.
Ngày xưa Khổng Tử nói rằng: “Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài thổ. Quân tử hoài hình, tiểu nhân hoài huệ”, nghĩa là: Người quân tử chỉ nghĩ về đức, kẻ tiểu nhân chỉ nghĩ về đất đai, tài sản. Người quân tử chỉ nghĩ về hình pháp, kẻ tiểu nhân chỉ nghĩ về ơn huệ. Câu nói này phân biệt phẩm chất của người chân chính và kẻ tầm thường. Dẫu là câu nói rất xưa nhưng nếu soi chiếu vào hoàn cảnh quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay thì dường như nhận xét của Khổng Tử vẫn đúng.
Mỗi cán bộ, đảng viên chân chính sẽ luôn chăm lo, gìn giữ đạo đức của mình, học tập đạo đức Hồ Chí Minh, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”; còn ngược lại thì chỉ lo vun vén sao cho có thêm nhiều đất đai, tài sản, vinh thân phì gia, làm việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân.
Người chân chính thì luôn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, các chuẩn mực chung trong công tác, lao động, học tập và sinh hoạt thường nhật; trái lại thì chỉ lo chạy chọt, cầu xin ân huệ hay vì lợi ích mà ban ân huệ cho người này người khác để có lợi lộc bất chính.
Quan sát kỹ hơn thì thấy hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ có biểu hiện sống xa hoa, từ nhà ở đến đồ dùng, phương tiện sinh hoạt đều rất đắt tiền, nếu so với thu nhập chính đáng thì khó có được; rồi những đám cưới, đám giỗ, tân gia hoành tráng… Như vậy là bất chấp chuẩn mực mà cán bộ, đảng viên phải tuân thủ, đó là cần kiệm, liêm chính. Người dân nhìn vào những người đó chắc chắn là rất phản cảm.
Chuyện kín đáo hơn là “chạy chức, chạy quyền”, dù không mấy vụ việc bị phát lộ nhưng dân chúng vẫn xì xào, “không có lửa sao có khói”?
Và những vi phạm chuẩn mực xã hội ấy, vô hình trung lại là dấu hiệu phản ánh những sai phạm nghiêm trọng ẩn giấu bên trong. Người có biệt phủ, xe sang từ nguồn hợp pháp hay bất chính? Người không đủ tiêu chuẩn cũng thăng tiến bất thường, là do chạy chọt hay bè phái cất nhắc?
Nguy hiểm hơn nữa là thói khoe giàu, khoe sang, phô bày lối sống xa hoa ấy còn kích thích những người không đủ bản lĩnh đi theo con đường đó, khiến họ dấn thân vào những sai phạm để có được cuộc sống hơn người, bất chấp hậu quả.
Vì vậy, không chỉ phòng, chống tham nhũng, cần xem xét có thêm những biện pháp, những chế tài mạnh mẽ hơn để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn mà những hành vi tiêu cực, vi phạm chuẩn mực chung cũng cần được quan tâm, chấn chỉnh thật sâu sát, quyết liệt, bảo đảm phòng ngừa ngay từ lúc tham nhũng, tiêu cực manh nha./.
Ý kiến ()