Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo: Yếu tố cơ bản trong đổi mới GD&ĐT
Chuẩn hóa đội ngũ
Năm học 2015-2016, toàn ngành GD&ĐT có 1.936 cán bộ quản lý và 14.096 giáo viên trong biên chế. Về trình độ đào tạo đã có 5 tiến sĩ, 325 thạc sĩ, 7.045 người có trình độ đại học, 6.609 người có trình độ cao đẳng và 2.821 người có trình độ trung cấp. So sánh với năm học 2012-2013, số lượng cán bộ quản lý tăng 336 người, giáo viên trong biên chế tăng 715 người. Về trình độ đã được nâng lên khá nhiều, cụ thể tăng 4 tiến sĩ, 126 thạc sĩ; trình độ đại học tăng 26%, cao đẳng tăng 2%, đặc biệt, số giáo viên có trình độ trung cấp giảm 28,8%.
Giờ học mẫu theo mô hình trường học mới VNEN được tổ chức để đội ngũ giáo viên rút kinh nghiệm
Như vậy, chỉ trong 3 năm học, trình độ đội ngũ đã tăng rất nhanh. Điển hình như ngành GD&ĐT thành phố Lạng Sơn, số cán bộ, giáo viên có trình độ đại học đã tăng từ 36,8% năm 2013 lên 57,8% năm 2015; ngành GD&ĐT Bắc Sơn tăng từ 28,8% lên 36,2%. Nếu theo yêu cầu chuẩn hóa, giáo viên cấp tiểu học và mầm non chỉ có trình độ trung cấp, thì hiện nay tỷ lệ giáo viên trên chuẩn ở Lạng Sơn đối với cấp học mầm non là 68,8% và 82,7% ở cấp tiểu học. Đồng chí Ngô Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Lạng Sơn nói rằng: trong 3 năm qua, do “sức ép” về trình độ với vị trí việc làm, đội ngũ cán bộ, giáo viên có nhu cầu cao về học tập để nâng chuẩn. Cũng do sự liên kết đào tạo giữa Trường CĐSP Lạng Sơn, Trung tâm GDTX I của tỉnh với các trường đại học được thực hiện một cách đa dạng về thời gian đã tạo cơ hội cho đội ngũ đăng ký học tập. Được “nâng tầm” về trình độ, đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng được các tiêu chí về quản lý và giáo viên của các trường chuẩn Quốc gia.
Rà soát đội ngũ, khắc phục bất cập về số lượng, cơ cấu
Từ năm 2004, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư ( Khóa IX) về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, hằng năm, ngành GD&ĐT Lạng Sơn đã tiến hành rà soát, phân loại và có lộ trình cụ thể để sàng lọc đội ngũ. Bằng các giải pháp như: cho đi đào tạo đội ngũ trẻ có năng lực, chuyển công tác khác đối với người thiếu năng lực sư phạm, cho nghỉ chế độ đối với những người cao tuổi… dần dần đội ngũ cán bộ, giáo viên Lạng Sơn đã có sự chuyển biến nhanh về chất lượng, ngày càng đồng bộ về cơ cấu.
Trong 3 năm qua, số trường công lập trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 700 trường lên 741 trường ( tỷ lệ tăng 5,6 %), trong khi đó số cán bộ giáo viên cũng chỉ tăng gần 7%.
Số cán bộ, giáo viên tăng không nhiều là do các trường đã được trao quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có quyền tự chủ về đội ngũ. Trên cơ sở quyền tự chủ của mình, các đơn vị xây dựng kế hoạch vị trí việc làm đúng với trình độ đào tạo, số giờ lên lớp theo quy định của từng giáo viên bộ môn. Mặt khác, với sự ổn định về quy mô của các cấp học (trừ cấp học mầm non có sự phát triển mạnh), “đầu vào” nhân lực giáo dục khá dồi dào nên các nhà trường đã đảm bảo đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu, ít có tình trạng dạy thêm giờ, dạy trái môn được đào tạo. Sự sắp xếp hợp lý này đã tạo điều kiện cho giáo viên đi sâu hơn vào chuyên môn của mình, có thêm thời gian để tự học, tự bồi dưỡng, phấn đấu vượt chuẩn đào tạo, phấn đấu trở thành giáo viên giỏi.
Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT nói rằng: sở dĩ ngành GD&ĐT Lạng Sơn có được đội ngũ như hiện nay là do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã sớm quan tâm chỉ đạo ngành thực hiện các giải pháp về nhân lực cho giáo dục. Đây chính là thuận lợi cơ bản của Lạng Sơn trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT.
Ý kiến ()