Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo. Sau thời gian soạn thảo với nhiều công việc, quy trình phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội.
Điểm mới, đáng chú ý nhất của dự thảo Luật Nhà giáo là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chứng chỉ hành nghề. Theo đó, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định. Theo Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Vũ Minh Đức, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm của một số ngành, lĩnh vực, Ban soạn thảo đề xuất và dự kiến chứng chỉ hành nghề cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục.
Cụ thể, chứng chỉ hành nghề tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi nơi hoạt động nghề nghiệp. Chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng toàn quốc cho nên dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự; giảm được thủ tục cho nhà giáo khi: Thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường; khi nhà giáo thuyên chuyển từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ sở giáo dục ngoài công lập hoặc ngược lại; khi nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục.
Chứng chỉ hành nghề có giá trị bảo đảm đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục và dự kiến sẽ điều chỉnh bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay. Để không gây xáo trộn khi áp dụng quy định về chứng chỉ hành nghề, dự thảo Luật Nhà giáo đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo đã được tuyển dụng vào ngành trước khi Luật có hiệu lực sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch. Những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.
Ở góc độ quản lý, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Thái Hưng cho biết: Nhiều quốc gia trên thế giới, coi chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo là một yêu cầu bắt buộc nhằm bảo đảm rằng các giáo viên, giảng viên đủ điều kiện và có đủ năng lực, phẩm chất để giảng dạy. Các cơ quan cấp phép yêu cầu các ứng viên phải hoàn thành một chương trình đào tạo giáo viên được công nhận, vượt qua các kỳ thi về kỹ năng cơ bản và chuyên môn, và thường xuyên cập nhật kiến thức để duy trì chứng chỉ qua các khóa đào tạo nâng cao. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn bảo vệ quyền lợi của người học bằng cách bảo đảm rằng họ được giáo dục bởi những người có trình độ chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp. Việc tuân thủ những yêu cầu này cũng giúp tăng cường niềm tin của xã hội vào hệ thống giáo dục và hỗ trợ sự phát triển chuyên nghiệp của giáo viên.
Ở Việt Nam, theo quy định hiện hành có hai con đường để trở thành giáo viên phổ thông là: Tốt nghiệp cử nhân sư phạm; tốt nghiệp cử nhân khoa học cơ bản và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, thông qua tuyển dụng, xét tuyển hoặc ký hợp đồng lao động với các cơ sở giáo dục. “Sau 10 năm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, bên cạnh những chuyển biến tích cực, chất lượng đội ngũ nhà giáo còn những điểm bất cập, nhất là sự chênh lệch về chuyên môn nghiệp vụ. Việc đưa quy định bắt buộc về cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo sẽ là một thay đổi căn bản góp phần bảo đảm chất lượng đội ngũ giáo viên, về cả kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp”, ông Lê Thái Hưng nhấn mạnh.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Kim Quế, Trường đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ quan điểm: Trong xã hội ngày càng phát triển, đã là nghề nghiệp thì cần phải có chứng chỉ hành nghề. Điều này cũng phù hợp với sự phát triển và xu hướng của thế giới, thời đại. Tuy nhiên, việc quy định về chứng chỉ hành nghề nhà giáo cần phải rõ ràng, chi tiết, hướng dẫn cụ thể bởi đối tượng điều chỉnh lớn. Ngoài ra thủ tục, quy trình cấp chứng chỉ hành nghề không nên gây phiền hà, tạo áp lực cho đội ngũ nhà giáo.
Cùng quan điểm nêu trên, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với các nghề nghiệp trên thế giới nhằm mục đích bảo đảm chất lượng của ngành nghề đó, gắn liền với yêu cầu, quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân, ngành nghề đó đối với xã hội. Ở nước ta, có nhiều ngành nghề khác đã có chứng chỉ hành nghề như nghề luật sư, y tế... Do đó, đối với nghề giáo cũng cần phải có chứng chỉ hành nghề. Cần có một quy trình cụ thể để đánh giá sự phát triển của nhà giáo và cấp chứng chỉ hành nghề nếu nhà giáo đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu.
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, dự thảo Luật Nhà giáo là vấn đề mới, khó, phức tạp cho nên cần phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học và mọi tầng lớp trong xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban soạn thảo luôn lắng nghe, tổng hợp tất cả các ý kiến để cùng các chuyên gia, nhà khoa học phân tích, đánh giá, lựa chọn đưa vào luật các nội dung, hàm lượng phù hợp ■
Ý kiến ()