Chuẩn bị tốt cho sản xuất lúa phát thải thấp
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện chương trình sản xuất lúa giảm phát thải quy mô lớn cho nên các hoạt động đều mới, chưa có tiền lệ để tham khảo về cơ chế chính sách, phương pháp triển khai. Do đó, thời gian tới cần các giải pháp cụ thể, kịp thời để huy động hiệu quả nguồn vốn đầu tư, triển khai đúng tiến độ Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án).
Theo đó, trong giai đoạn 2026-2030, các cơ quan chức năng cần chuẩn bị sẵn sàng vốn đầu tư hạ tầng từ các nguồn vay nước ngoài và nguồn ngân sách; có cơ chế, chính sách thông thoáng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công thuộc phạm vi đầu tư của Nhà nước; đồng thời, nhanh chóng triển khai gói tín dụng cho các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Đề án.
Nhu cầu cao về nguồn vốn
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, từ cuối năm 2023, để nhanh chóng huy động vốn đầu tư cho Đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề xuất dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) với 330 triệu USD vốn vay ưu đãi và 100 triệu USD vốn đối ứng, nhằm tập trung nguồn lực đầu tư cho giai đoạn 2026-2027. Bộ cũng làm việc với WB và các tổ chức quốc tế khác để huy động thêm các nguồn viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ kỹ thuật cho Đề án. Cụ thể như viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc ủy thác qua WB với trị giá 1,6 triệu USD, hiện đang được sử dụng hỗ trợ kỹ thuật cho tập huấn, nâng cao năng lực, xây dựng và áp dụng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định phát thải (MRV) trên 7 mô hình thí điểm, hỗ trợ khuyến nông và truyền thông; Quỹ chuyển đổi tài sản carbon (TCAF) của WB đồng ý về nguyên tắc hỗ trợ nguồn vốn chi trả lượng giảm phát thải thu được từ kết quả đo thực tế với trị giá khoảng 40 triệu USD, trong đó có 20 triệu USD theo cơ chế chi trả dựa trên kết quả (ERPA) không hoàn lại kinh phí hỗ trợ và bảo đảm giữ lại toàn bộ lượng giảm phát thải cho đóng góp tự nguyện quốc gia (NDC) của Việt Nam và 20 triệu USD chuyển giao tín chỉ carbon, ưu tiên cho TCAF quyền mua đầu tiên khi được Chính phủ cho phép.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2025-2027, ngoài nguồn vốn vay ưu đãi của WB và nguồn vốn đầu tư công của Nhà nước, cần huy động khoảng 20.000 tỷ đồng (tương đương 800 triệu USD) từ vốn đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, trong đó cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng (tương đương 400 triệu USD) từ các ngân hàng thương mại để mua sắm vật tư, thu mua lúa gạo, đầu tư máy móc, trang thiết bị bảo quản, chế biến, xây dựng hệ thống kho và logistics trong quá trình triển khai Đề án.
Trước thực tế đó, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Văn bản số 8364/NHNN-TD về việc triển khai thực hiện Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đối tượng tham gia chương trình bao gồm tổ chức tín dụng cho vay và cá nhân, hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay phục vụ nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu từ sản xuất, thu mua, chế biến đến tiêu thụ trong liên kết lúa gạo bằng nguồn vốn tự huy động của tổ chức tín dụng. Trong đó, các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn/ cùng nhóm (theo đối tượng khách hàng hoặc theo xếp hạng tín dụng...), dựa trên cơ sở chính sách khách hàng, hướng dẫn của tổ chức tín dụng và các quy định khác của tổ chức tín dụng trong từng thời kỳ.
“Tiếp sức” hiệu quả, kịp thời
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng các địa phương và Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp trên địa bàn 5 tỉnh thành phố: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Hiện 4/7 mô hình thí điểm vụ hè-thu năm 2024 đã có kết quả tích cực. Cụ thể, giảm chi phí 20-30% (giảm hơn 50% lượng giống, giảm hơn 30% lượng phân bón đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới); tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha); tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm trung bình 5-6 tấn CO2 tương đương trên 1 ha và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg thóc.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) Nguyễn Văn Huỳnh cho biết: Hợp tác xã đang thực hiện mô hình thí điểm trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp trên diện tích 50 ha với 25 hộ tham gia. Nếu chương trình cho vay sản xuất với lãi suất thấp được triển khai sớm và thuận lợi thì sẽ là điều rất đáng mừng cho các thành viên. Khi đó, các hộ tham gia có thêm tiềm lực tài chính để chủ động mua sắm vật tư đầu vào phục vụ sản xuất ngay từ đầu vụ; mặt khác khi thu hoạch lúa cũng chủ động hoạt động mua bán do không bị áp lực việc thu tiền về để chi trả cho các khoản đầu tư trước đó. Tuy nhiên, hợp tác xã cũng mong chương trình cho vay có những quy định phù hợp và hướng dẫn cách làm chi tiết để các hộ nông dân, hợp tác xã có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
Với kết quả bước đầu khả quan của các mô hình thí điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất chủ trương với các địa phương tiếp tục nhân rộng trên toàn bộ 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long và áp dụng ngay trong vụ thu-đông 2024 và đông-xuân 2024-2025. Để đẩy nhanh tiến độ tiếp cận nguồn vốn phục vụ thực hiện Đề án, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có Văn bản số 8365/NHNN-TD gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị phối hợp thực hiện ban hành định mức kinh tế kỹ thuật để sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp; tổng hợp, công bố chung các vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo quy định tại Quyết định 1490/QĐ-TTg để các tổ chức tín dụng tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay.
Ý kiến ()