Chuẩn bị nguồn nhân lực với những kỹ năng xanh
Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu của việc làm xanh và tăng trưởng xanh, việc chuẩn bị lực lượng lao động với những kỹ năng xanh có một vai trò quan trọng.
Lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Phát triển nguồn nhân lực trong các ngành, nghề kinh tế xanh
Ngày 1/12, tại Hà Nội, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Chuẩn bị lực lượng lao động Việt Nam cho tăng trưởng xanh”.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm (Cục Việc làm) cho biết, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: “Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”. Đi cùng với đó là các mục tiêu rất cụ thể.
Tăng trưởng xanh theo những lĩnh vực, ngành nghề như trong Chiến lược đã nêu sẽ tạo ra nhiều việc làm xanh theo lĩnh vực, ngành nghề tương ứng. Trong đó, vấn đề chuẩn bị lực lượng lao động với những kỹ năng xanh như thế nào để đáp ứng yêu cầu của việc làm xanh và tăng trưởng xanh có vai trò quan trọng.
Thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ việc làm xanh trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, ông Trần Quang Chỉnh, Trưởng phòng Phân tích – Dự báo Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm (Cục Việc làm) cho biết, thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1290/QĐ-BLĐTBXH, trong đó có nhóm nhiệm vụ Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có nội dung: “Tích cực lồng ghép thực hiện chính sách việc làm công theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm trong các chương trình, hoạt động, dự án giảm nhẹ biến đổi khí hậu”.
Ông Trần Quang Chỉnh cho hay, trong thời gian qua, một số mô hình việc làm ứng phó với biến đổi khí hậu đã và đang thực hiện, chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu như mô hình chuyển đổi nghề ở Quảng Nam, Thái Bình…, hỗ trợ vốn, kỹ thuật của chính quyền địa phương từ hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng lúa) sang nuôi trồng thủy hải sản, hỗ trợ dạy nghề, hỗ trợ giới thiệu việc làm, chuyển đổi nghề từ hoạt động nuôi trồng đánh bắt thủy sản sang hoạt động phi nông nghiệp. Còn có mô hình “1 phải 6 giảm” được xây dựng, phát triển dựa trên nền tảng của kỹ thuật 1 phải, 6 giảm kết hợp với giảm phát thải khí nhà kính; mô hình tôm-lúa tại vùng giáp nước giữa vùng ngọt và vùng mặn; mô hình trồng cây trồng cạn ít sử dụng nước…
Thúc đẩy tạo việc làm xanh
Ông Trần Quang Chỉnh nhấn mạnh, theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ở trên, việc làm xanh là những việc làm bền vững góp phần bảo tồn hoặc khôi phục môi trường. Việc làm xanh có thể là những công việc trong các ngành kinh tế truyền thống như chế biến, chế tạo và xây dựng, hoặc trong các ngành kinh tế xanh mới nổi như năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Trước đó, ngày 23/5/2019, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 710/QĐ-BLĐTBXH phê duyệt Kế hoạch hành động của cơ quan này thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn 2030. Văn bản nhấn mạnh tới hoạt động hỗ trợ đào tạo nhân lực kỹ thuật trong các ngành, nghề kinh tế xanh.
Việc làm xanh là những việc làm bền vững góp phần bảo tồn hoặc khôi phục môi trường.
Việc làm xanh có thể là những công việc trong các ngành kinh tế truyền thống như chế biến, chế tạo và xây dựng, hoặc trong các ngành kinh tế xanh mới nổi như năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Quyết định có một số nội dung đáng quan tâm. Đó là: Tập huấn cho cán bộ của ngành về việc lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh vào việc xây dựng các chính sách đào tạo nghề; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp có đủ kiến thức và kỹ năng về xanh hóa giáo dục nghề nghiệp, tổ chức đào tạo nghề xanh cho nền kinh tế; Tổ chức hỗ trợ đào tạo nhân lực kỹ thuật trong các ngành, nghề thuộc khu kinh tế xanh, ngành dịch vụ môi trường (nước thải, rác thải), năng lượng tái tạo…
Ngày 22/7/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Trong đó, chủ đề phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh bao gồm 2 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 6 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể.
Hay với nội dung bình đẳng trong chuyển đổi xanh, cần bảo đảm các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là các chủ thể bị ảnh hưởng khi cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, các nhóm yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người nghèo, người khuyết tật, người già) được tiếp cận bình đẳng các cơ hội, thông tin, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ xã hội cơ bản, phù hợp với các lĩnh vực, việc làm mới trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh gồm 2 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 4 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể.
Thời gian tới, chuyên gia từ Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm đề xuất, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tạo việc làm xanh. Cụ thể như, chúng ta cần hoàn thiện chính sách việc làm phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm khuyến khích tạo việc làm mới và bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi việc làm, tạo việc làm xanh và phát triển sinh kế bền vững cho người lao động, nhất là lao động yếu thế, lao động bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm. Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các dự án, hoạt động về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm trong các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đẩy mạnh việc lồng ghép thực hiện tạo việc làm, giải quyết sinh kế cho người dân gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, khuyến khích – thúc đẩy tạo việc làm xanh.
Một khuyến nghị đáng chú ý nữa là các cơ quan liên quan cần tăng cường dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và khả năng cung ứng nguồn nhân lực nói chung, nhu cầu nhân lực cho tăng trưởng xanh nói riêng. Hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, trong đó có các thông tin về ngành nghề xanh (dự báo nhu cầu lao động, yêu cầu về năng lực, kỹ năng…), kết nối cung và cầu trong thị trường lao động nói chung, việc làm xanh nói riêng.
Ý kiến ()