Chuẩn bị khởi công Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng
Một góc Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện có tổng công suất 1.920 MW, được đưa vào vận hành đầy đủ từ năm 1994, hiện đang hoạt động ổn định với sản lượng phát điện hằng năm gần 10 tỷ kW giờ, đem lại hiệu quả rất lớn cho hệ thống điện quốc gia và nộp ngân sách cho tỉnh Hòa Bình. Trong tình hình hiện nay, việc đầu tư dự án NMTÐ Hòa Bình mở rộng có ý nghĩa hết sức quan trọng, do đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 389/QÐ-TTg ngày 11-4-2018 với quy mô tổng công suất 480 MW, gồm hai tổ máy. Ðến nay, thiết kế kỹ thuật của dự án đã được Bộ Công thương thẩm định, dự kiến thông qua trong tháng 5 này để EVN phê duyệt. Công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp công trình chính và các gói thầu cung cấp vật tư thiết bị đang bám sát mục tiêu tiến độ khởi công trong tháng 10-2020. Hiện EVN đang nỗ lực hoàn thành giải trình để thiết kế kỹ thuật được phê duyệt; công tác thu xếp vốn; giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với các hạng mục phục vụ khởi công công trình chính trước tháng 6 và các hạng mục còn lại trước tháng 10.
Với tổng mức đầu tư lớn, dự án hướng tới nhiều mục tiêu trước mắt và lâu dài như tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hằng năm vào mùa lũ của NMTÐ Hòa Bình hiện hữu để phát điện; nâng cao khả năng ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia,… Mặt khác, dự án góp phần giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và sửa chữa. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất ngày 18-5-2020 gửi lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và các ban, ngành liên quan, EVN nhận định: Trong quá trình đang và sắp triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nan giải nhất là bồi thường, GPMB trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hòa Bình cho biết, đang tổ chức lập, hoàn thiện các phương án bồi thường cho 10 tổ chức, tuy nhiên chưa có phương án nào hoàn thành thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt. Ðối với đất và tài sản của các cá nhân cũng còn một số vướng mắc do đất chồng lấn các dự án, chưa bố trí được tái định cư. Ðây cũng là một trong những lý do chính khiến kế hoạch mà EVN từng dự trù sẽ khởi công vào quý II-2020, dự kiến hoàn thành phát điện tổ máy 1 vào quý III-2023, phát điện tổ máy 2 trong quý IV-2023 và hoàn thành công trình năm 2023 phải lùi sang năm 2024.
Ðể bảo đảm mục tiêu khởi công dự án trong quý IV-2020, lãnh đạo EVN kiến nghị tỉnh Hòa Bình sớm bàn giao mặt bằng phần diện tích đất bãi thải dốc Cun cho chủ đầu tư; chỉ đạo các sở, ngành sớm hoàn thành công tác lập, thẩm định phương án bồi thường của các tổ chức trình UBND tỉnh phê duyệt; chỉ đạo TP Hòa Bình sớm phê duyệt phương án đối với các hộ dân thuộc phạm vi mặt bằng đường Lê Ðại Hành, bốn hộ dân thuộc phạm vi mặt bằng cảng Ba Cấp và giải quyết các kiến nghị của các hộ dân thuộc phạm vi mặt bằng bãi thải dốc Cun; chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án san nền, tạo mặt bằng phục vụ phát triển đô thị (khu liên cơ tại đầm Quỳnh Lâm) để đồng bộ tiến độ dự án.
Từ tháng 3-2020, Ban Quản lý dự án Ðiện 1 đã thành lập Ban Ðiều hành dự án và tổ chức cán bộ làm việc trực tiếp tại công trường để bám sát, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong công tác bồi thường GPMB và thực hiện triển khai dự án. Kế hoạch từ nay đến cuối năm, EVN nỗ lực để hoàn thành công tác đàm phán, ký hợp đồng thu xếp vốn cho dự án; thiết kế, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu, ít nhất hoàn thành 50% khối lượng; phối hợp UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện bồi thường, hoàn thành trong tháng 10-2020, sau đó tổ chức lựa chọn nhà thầu. EVN cũng kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước hỗ trợ trong quá trình triển khai thực hiện và đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt phương án bồi thường, di dời cảng Ba Cấp (giai đoạn 1) làm cơ sở lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công đầu tháng 6-2020. Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo và các sở, ngành tỉnh Hòa Bình về dự án NMTÐ Hòa Bình mở rộng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh đánh giá cao sự quyết liệt chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình trong việc triển khai thực hiện dự án NMTÐ Hòa Bình mở rộng và các dự án của tập đoàn, tổng công ty trực thuộc đang triển khai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; đồng thời khẳng định sẽ tích cực hỗ trợ để triển khai dự án. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ phối hợp EVN làm việc với các đối tác, ngân hàng trong nước và ngoài nước để thu xếp vốn nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Về phía địa phương, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, đã yêu cầu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo chuyên đề GPMB cho dự án; mời các tập đoàn cử cán bộ tham gia cùng địa phương. Ban Chỉ đạo cần lên kế hoạch chi tiết từng phần việc để đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án; đẩy nhanh GPMB, trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo sớm triển khai thực hiện ở khu vực đầm Quỳnh Lâm, bởi nếu chuyển toàn bộ các dự án, đổ thải vào khu vực dốc Cun thì chi phí vận tải rất lớn và ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông trong thành phố, ảnh hưởng môi trường, cuộc sống của người dân. Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương giải quyết vướng mắc trong việc GPMB theo quy định của pháp luật, bố trí tái định cư cho các hộ dân. “Trên đã mở, dưới vừa thông”, hy vọng dự án quan trọng này sẽ kịp khởi động vào tháng 10 tới.
Ý kiến ()