Chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới
(LSO) – Để đáp ứng chất lượng giáo dục và công tác giảng dạy, học tập, thời gian qua Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị, cơ sở giáo dục xây dựng, tu sửa, bổ sung cơ sở vật chất giáo dục… nhằm chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho năm học mới 2019 – 2020.
Hiện toàn tỉnh có 703 cơ sở giáo dục, trong đó có 232 trường mầm non, 205 trường tiểu học, 172 trường THCS, 56 trường tiểu học – THCS, 27 trường THPT, cùng 13 trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ tin học và trường chuyên nghiệp và 8.012 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Đến nay chỉ còn hơn nửa tháng nữa là học sinh các trường trên địa bàn tỉnh bắt đầu tựu trường, chuẩn bị bước vào năm học mới. Vì vậy, trong thời gian này, các cơ sở giáo dục đang tập trung tu sửa trường, lớp học để bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học.
Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra tiến độ thi công các công trình phòng, lớp học tại Trường Mầm non xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho thầy trò bước vào một năm học mới, ngay khi kết thúc năm học, ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động rà soát lại toàn bộ hệ thống trường, lớp đã xuống cấp, cần sửa chữa, xây cất mới. Đồng thời, kiểm tra các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, dụng cụ nào còn sử dụng, thiết bị nào đã hoàn toàn hư hỏng để có hướng sửa chữa, bổ sung kịp thời. Ngoài ra, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh tạo điều kiện huy động nguồn vốn triển khai đề án xây dựng, sửa chữa, cải tạo và bổ sung trang thiết bị giáo dục cho các trường, đặc biệt là các trường vùng khó trên địa bàn.
Theo báo cáo, số lượng hạng mục các công trình giáo dục đang được xây mới, cải tạo, sửa chữa trên địa bàn tỉnh đã và sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2019 là 1.891 hạng mục công trình. Trong đó, xây mới và sửa chữa 1.209 phòng học, phòng chức năng, phòng làm việc; 599 công trình nhà vệ sinh, bếp và nhà ăn; 83 phòng nội trú, bán trú và nhà đa năng. Cùng với việc tập trung xây dựng, tu sửa trường, lớp học, sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát số lượng sách giáo khoa, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định để cân đối một phần ngân sách sự nghiệp giáo dục được giao mua sách giáo khoa, bổ sung trang thiết bị đảm bảo tiết kiệm, hợp lý; vận động học sinh giữ gìn bộ sách giáo khoa để quyên góp, ủng hộ nhà trường khi kết thúc năm học…
Cùng với ngành giáo dục, UBND các huyện, thành phố cũng đã quan tâm, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn trước khi bước vào năm học mới thông qua việc huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới và sửa chữa trường, lớp học. Ông Hoàng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết: Năm học 2019 – 2020, huyện Bắc Sơn được đầu tư xây dựng và sửa chữa 132 công trình phục vụ hoạt động giáo dục của các nhà trường. Cùng với các nguồn vốn được phân bổ của ngành giáo dục và ngân sách địa phương, huyện đã huy động thêm nguồn lực xã hội hoá, vận động nhân dân đóng góp nhân lực, vật lực để cải tạo, sửa chữa phòng học, phòng nội trú, nhà bếp, nhà ăn theo tiêu chí 3 cứng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, góp phần hoàn thiện đưa vào sử dụng trong năm học mới.
Các nhà trường cũng chủ động sửa chữa phòng học và bổ sung, thay thế các trang thiết bị dạy học cũ, hỏng để đảm bảo cho hoạt động dạy và học trong năm học mới đạt hiệu quả cao. Thầy giáo Lý Văn Luận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS xã Văn An, huyện Văn Quan cho biết: Thời điểm này, nhà trường khẩn trương thực hiện sửa chữa, nâng cấp, đồng thời rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tu sửa bàn ghế, rà soát hệ thống điện, giúp các em có điều kiện ngồi học, đọc sách tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.
Bước vào năm học mới 2019 – 2020, mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh được đầu tư kịp thời, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em trong tỉnh. Tuy nhiên, số lượng phòng học bán kiên cố và phòng học mượn, phòng tạm còn nhiều, chiếm đến 30,6%, nhất là tại các trường ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nên ít nhiều ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh. Bởi vậy rất cần sự chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội trong đầu tư, hỗ trợ các nhà trường bổ sung, tư sửa cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Ý kiến ()