Chuẩn bị chu đáo, tuyệt đối an toàn cho Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc
Sáng ngày 2/5, tại chùa Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đoàn công tác đã kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vesak 2019).
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại cuộc làm việc với các bộ, ngành và tỉnh Hà Nam sau khi đi kiểm tra công tác chuẩn bị tại chùa Tam Chúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Chỉ còn 10 ngày nữa, Đại lễ Vesak 2019 sẽ khai mạc, đây là sự kiện lớn của Phật giáo quốc tế, cũng là sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước ta và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việc lựa chọn Việt Nam đăng cai tổ chức thể hiện sự tin tưởng, đánh giá cao của Phật giáo quốc tế đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đất nước ta.
“Chúng ta tổ chức thành công sự kiện này sẽ góp phần làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn nữa về chính sách, pháp luật đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, phát triển du lịch, kinh tế-xã hội”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu việc tổ chức sự kiện này phải bảo đảm trọng thị, chu đáo, trang nghiêm, đúng nghi lễ, thiết thực, hiệu quả, an ninh và an toàn. Từ nay đến khi Đại lễ Vesak thời gian không còn nhiều, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 02/TB-VPCP. Tập trung triển khai, hoàn thành các công việc được giao theo chức năng, nhiệm vụ quản lý.
Trong đó, chú trọng một số nhiệm vụ, như Bộ Ngoại giao tổ chức để lãnh đạo Đảng và Nhà nước đón tiếp trọng thị, chu đáo các đoàn cấp cao sang thăm Việt Nam và tham dự Đại lễ Vesak 2019; Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan, chuẩn bị tốt nội dung theo Đề án đã được phê duyệt, hướng dẫn và giúp đỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong một số nội dung, chương trình của Đại lễ do Nhà nước Việt Nam chủ trì.
Phó Thủ tướng kiểm tra công tác chuẩn bị cho Đại lễ |
Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng, hướng dẫn các địa phương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bảo đảm an ninh trật tự thời gian trước, trong và sau Đại lễ Vesak, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lãnh đạo cấp cao và đại biểu tham dự Đại lễ. Chủ động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh với các âm mưu chống phá, chuẩn bị kỹ càng các phương án bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ, phân luồng giao thông.
Các bộ: Y tế; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hỗ trợ Ban Tổ chức, địa phương trong việc bố trí bác sỹ, thiết bị y tế trực tại chùa Tam Chúc, tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; định hướng tuyên truyền về ý nghĩa của Đại lễ Vesak, các giá trị tốt đẹp của Phật giáo; tăng cường quảng bá các hoạt động du lịch, thu hút du khách, phục vụ tốt việc tham quan của đại biểu tại các danh thắng; giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến mỏ sét Khả Phong, bảo đảm cảnh quan môi trường…
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu tỉnh Hà Nam tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, giám sát, bảo đảm hoàn thành các cơ sở vật chất phục vụ Đại lễ Vesak đúng tiến độ, chất lượng.
Đặc biệt, với doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu phải hoàn thành các hạng mục công trình đúng thời hạn, hoàn tất các thủ tục theo quy định, đưa công trình vào sử dụng, phục vụ Đại lễ bảo đảm chất lượng, an toàn. Kiên quyết không được để xảy ra bất cứ sự cố đáng tiếc nào.
Phát biểu tại cuộc làm việc, đại diện các bộ, ngành, địa phương cho biết, các công tác chuẩn bị cho Đại lễ được chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc theo các phương án đề ra.
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết đã chủ trì và phối hợp triển khai công tác bảo đảm an ninh trật tự và phân luồng giao thông đưa đón đại biểu tham dự. Lập Trung tâm Chỉ huy ngay tại khu vực chùa Tam Chúc để xử lý các tình huống.
Đại diện doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cho biết, sẽ nỗ lực hết sức bảo đảm đưa các công trình xây dựng phục vụ Đại lễ đúng kế hoạch đề ra.
Theo đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đến nay có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham dự, có 500 phái đoàn khách quốc tế và cá nhân đăng ký với nhiều nguyên thủ, lãnh đạo Chính phủ các nước, các tăng vương, tăng thống, chủ tịch và lãnh đạo các giáo hội, hệ giáo phái, hơn 20 vị đại sứ và đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam xác nhận, các học giả, khoảng 1.500 đại biểu các tỉnh thành và khoảng 20.000 phật tử trong và ngoài nước có mặt tại Đại lễ…
Công tác lễ tân, hậu cần cũng được chuẩn bị chu đáo. Ban Tổ chức đã phối hợp với Trung tâm Tình nguyện quốc gia và các trường đại học bố trí hàng nghìn sinh viên tình nguyện phục vụ đưa đón đại biểu.
Ý kiến ()