Chuẩn bị cho năm học mới 2015-2016: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành GD&ĐT
Số lượng tăng nhanh
Bước vào năm học mới, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Lạng Sơn có 21.530 cán bộ, giáo viên, nhân viên. So sánh với năm học 2011-2012, số trường tăng 6%, số học sinh, sinh viên (HSSV) tăng 4%, nhưng số cán bộ giáo viên, nhân viên đã tăng 14%. Nếu năm học 2011-2012, tỷ lệ học sinh trên 1 cán bộ giáo viên, nhân viên là 9,3; thì năm học 2014-2015, tỷ lệ này giảm xuống còn 8,4.
Đề cập đến vấn đề này, ông Bùi Văn Quang, Trưởng phòng Tổ chức- Sở GD&ĐT cho biết: triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tỷ lệ huy động tăng cao, số lớp được mở nhiều hơn và nhu cầu giảng dạy, chăm sóc cao hơn nên ngành phải tăng giáo viên để có đủ 2 giáo viên/lớp. Mặt khác, do yêu cầu của công tác bảo vệ, chăm sóc học sinh nên số nhân viên được tuyểndụng hoặc hợp đồng như nhân viên y tế trường học, bảo vệ, phục vụ tăng cao.
Một giờ học của học sinh phân trường Nà Đon, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Lạng Sơn) theo chương trình VNEN
Có đủ cán bộ, giáo viên nhân viên, các nhà trường đã có điều kiện để triển khai chương trình giáo dục toàn diện, từ chính khóa đến ngoại khóa, giáo dục đủ các môn học bắt buộc hoặc tự chọn; có cán bộ làm công tác đoàn đội, y tế, kế toán trường học; nhân viên phục vụ công tác ăn ở bán trú của học sinh, nhất là học sinh mầm non và loại hình phổ thông dân tộc bán trú.
Đến nay, Lạng Sơn hầu như đã “bão hòa” giáo viên từ cấp tiểu học đến THPT; thậm chí một số huyện đã có hiện tượng dôi dư giáo viên cấp THCS. Hiện toàn ngành còn thiếu khoảng trên 300 giáo viên mầm non và số này sẽ được tuyển dụng, hợp đồng trong thời gian đầu năm học.
Chất lượng được nâng lên
Với quy định bồi dưỡng chính trị bắt buộc trước năm học mới, nhận thức về chính trị của cán bộ đảng viên, giáo viên, nhân viên đã được nâng lên. Công tác Đảng, công tác chính trị trong nhà trường thường xuyên được quan tâm. Hiện toàn ngành đã có 8.817 đảng viên, chiếm 41% tổng số nhân lực. Những đợt tập huấn chuyên môn từ cấp tỉnh đến cơ sở là cơ hội cho mỗi cán bộ giáo viên cập nhất kiến thức, nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp đánh giá. Qua khảo sát năng lực chuyên môn trong 1.826 giáo viên Toán, Ngữ Văn và Vật lý cấp THCS, có 1.771 người đạt yêu cầu trở lên, chiếm 96,99%
Bằng các giải pháp như: cử đi đào tạo, dự các lớp tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, tự học, tự bồi dưỡng… đến nay toàn ngành đã có 5 tiến sĩ, 323 thạc sĩ, 6.730 người có trình độ đại học và 6.859 người có trình độ cao đẳng. Đặc biệt, trong 4.410 cán bộ giáo viên cấp học mầm non đã có 2.350 người có trình độ cao đẳng trở lên, chiếm tỷ lệ 53,28%.
Chưa thể yên tâm
Hiện nay, toàn ngành vẫn còn 1.123 giáo viên hợp đồng, đông nhất là cấp học mầm non với 666 giáo viên hợp đồng, chiếm tỷ lệ 17% so với tổng số giáo viên đứng lớp. Với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các trường mầm non vẫn phải hợp đồng giáo viên, song nguồn chi trả lại không có. Đồng chí Trần Kim Ánh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hữu Lũng nói rằng: với số giáo viên hợp đồng đã có và số sắp ký hợp đồng đầu năm học này, không biết sẽ lấy nguồn nào mà chi trả. Thu nhập thấp, các quyền lợi không được đảm bảo sẽ dẫn tới tâm lý dao động, thiếu nhiệt tình.
Trình độ cán bộ giáo viên được nâng cao, song trình độ nhân viên còn thấp. Toàn ngành có đến 30% nhân viên trường học có “trình độ khác”; đội ngũ nhân viên nấu ăn có tới trên 50% không qua trường lớp nào hoặc chỉ dự các lớp bồi dưỡng từ 3-4 tuần để có được chứng chỉ. Những tồn tại này khiến ngành GD&ĐT chưa thể yên tâm với đội ngũ hiện có.
Ý kiến ()