Chuẩn bị cho kỳ thi đại học, cao đẳng
Đồng thời bộ cũng đưa ra những trọng tâm đổi mới giáo dục đại học năm 2012 và các năm tiếp theo. Trong đó, có những biện pháp cụ thể nhằm đổi mới quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Thứ nhất, đổi mới quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Mục tiêu của việc đổi mới này là bảo đảm chất lượng đào tạo trên cơ sở điều kiện thực tế của từng trường, chấm dứt tình trạng quy mô tuyển sinh vượt quá năng lực đào tạo của từng trường và của hệ thống các trường. Theo Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT (Thông tư số 57) của Bộ GD và ĐT ban hành ngày 2-12-2011, quy định chỉ tiêu tuyển sinh của một trường ĐH phải được tính theo tỷ lệ sinh viên trên số giảng viên cơ hữu (không tính giảng viên thỉnh giảng), tỷ lệ sinh viên trên diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo. Với quy định mới này, năm nay các trường ĐH, CĐ hệ công lập và ngoài công lập đã thận trọng khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh trước khi đăng ký trực tiếp với Bộ GD và ĐT và chịu sự giám sát, thanh tra của bộ.
Thứ hai, tỷ lệ sinh viên trên diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ công tác đào tạo phải đạt 25 m2/sinh viên. Tiêu chí này không dễ dàng với hàng loạt trường ở các thành phố lớn, mặc dù nhiều trường đã có lịch sử 50 đến 60 năm. ĐH Xây dựng hiện có 0,84 m2/sinh viên, ĐH Luật 0,67 m2/sinh viên, ĐH Thương mại và ĐH Ngoại thương đều có 1,8 m2/sinh viên, ĐH Kinh tế quốc dân 2,97 m2/sinh viên, ĐH Bách khoa Hà Nội 4,9 m2/sinh viên. Nhìn chung chỉ có khoảng 60% số trường ĐH, CĐ ở Hà Nội đạt hơn 5 m2/ sinh viên và khó đạt được tiêu chí 25 m2/sinh viên. Do đó, trong năm học này tiêu chí thứ hai dường như chưa ảnh hưởng nhiều đến việc xác định số chỉ tiêu tuyển sinh mà chỉ có ý nghĩa nhắc nhở.
Việc ban hành Thông tư số 57 đã tạo luồng gió mới cho các trường bằng việc giao cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm trên cơ sở hai tiêu chí nêu trên. Bộ GD và ĐT cũng đỡ đi gánh nặng “quản lý ôm đồm” như trước, thay vào đó là “lạt mềm buộc chặt” hơn. Các trường phải phát huy trách nhiệm để xây dựng uy tín của mình bằng chất lượng dạy và học trước xã hội.
Cùng với các biện pháp cụ thể mà Bộ GD và ĐT đưa ra, các thí sinh và phụ huynh học sinh đã chọn lựa những giải pháp thiết thực nhất. Các thí sinh cũng như các bậc phụ huynh của họ đã tìm hiểu rất kỹ chất lượng đào tạo của từng trường, chất lượng đó được thể hiện ở đầu ra của từng trường được xã hội chấp nhận như thế nào. Bởi vậy, nhóm các trường ĐH xác định hướng đi là đào tạo các cử nhân thực hành, các nhà kỹ thuật thực hành đón nhận nhiều thí sinh dự thi. Điển hình như ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Mục tiêu của trường là đào tạo nhà kinh tế thực hành cho việc hình thành dàn cán bộ chủ chốt của các doanh nghiệp. Thực tế có tới 85% số sinh viên tốt nghiệp đã có công ăn việc làm trong năm đầu. Nhiều sinh viên cũng đủ chuẩn ngoại ngữ để đi học thạc sĩ ở nước ngoài. Một lựa chọn mới năm nay của các bậc phụ huynh và thí sinh là đi du học nước ngoài. Hiện nay, cánh cửa của các trường ĐH ở nhiều nước luôn rộng mở đối với các học sinh tốt nghiệp THPT. Học tập ở nước ngoài mang lại cho học sinh nhiều lợi ích. Họ được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, lúc trở về nước, ngoài kiến thức chuyên môn họ còn có trình độ ngoại ngữ khá đáp ứng được nhu cầu tìm việc làm trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Nhiều trường ĐH công lập và ngoài công lập ở nước ta hiện nay đang có quan hệ hợp tác đào tạo, trao đổi sinh viên với các trường ĐH khác nhau ở khu vực và thế giới. Các trường này cũng đang tổ chức hiệu quả việc chiêu sinh và gửi học sinh đến các trường đối tác để học ĐH. Các sinh viên có thể đi học ngoại ngữ và chuyên môn ở nước bạn hoặc theo một, hai, ba năm trong nước sau đó học tiếp thời gian còn lại và nhận bằng của trường bạn.
CÁC vụ chức năng của Bộ GD và ĐT, các trường ĐH và CĐ cả nước cùng hơn 1,8 triệu lượt thí sinh đã chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi. Số lượng người dự thi lớn trong khi chỉ tiêu vào các trường chỉ có hạn. Cánh cửa vào các trường ĐH không phải là cách đi duy nhất của tuổi trẻ. Thí sinh hãy cố gắng tìm một hướng đi phù hợp với năng lực của bản thân và từ đó sẽ tiếp tục thực hiện con đường học tập và làm việc lâu dài như một nhiệm vụ suốt đời.
Ý kiến ()