Chưa xét tặng danh hiệu nghệ sĩ với “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật”
Liên quan đến việc xây dựng Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, trong đó có các quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật”, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sau 3 lần lấy ý kiến và điều chỉnh, hiện tại, dự thảo Nghị định đã được Bộ chuyển sang Bộ Tư pháp và đang chờ thẩm định.
Dự thảo Nghị định chưa quy định đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” vào xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT hiện nay được thực hiện theo Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐCP. Theo đó, xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được hướng đến đối tượng người biểu diễn và trình bày tác phẩm văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022, ngoài những đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT như trước đây sẽ còn có đối tượng được xét tặng danh hiệu là “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” trong 9 lĩnh vực: Âm nhạc; Điện ảnh; Kiến trúc; Múa; Mỹ thuật; Nhiếp ảnh; Sân khấu; Văn học; Văn nghệ dân gian.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao xây dựng Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thay thế Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ nhằm hoàn thiện, khắc phục những vấn đề còn bất cập của 2 Nghị định này, đồng thời bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022.
Khi triển khai lấy ý kiến dự thảo Nghị định, 9 tổ chức hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương đã có văn bản đề xuất, báo cáo về lựa chọn, bổ sung đối tượng cá nhân được xét tặng. Trong đó, 6 hội không đề xuất, gồm: Hội Điện ảnh Việt Nam; Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Hội Mỹ thuật Việt Nam; Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; Hội Nhà văn Việt Nam; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Có 3 hội đề xuất bổ sung đối tượng.
Cụ thể, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đề xuất đối tượng là tác giả kịch bản múa. Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xuất đối tượng là nhạc sĩ sáng tác và phối khí. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đề xuất đối tượng là nghệ sĩ sáng tác; nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh; giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh.
Tuy nhiên, theo Ban soạn thảo Nghị định thì một số đối tượng được đề nghị xét tặng nói trên chưa phù hợp vì có đối tượng không phải là tác giả sáng tạo độc lập của tác phẩm văn hóa, nghệ thuật hoặc đã được xét tặng danh hiệu khác như Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, tác phẩm đã được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật nên không điều chỉnh xem xét danh hiệu NSND, NSƯT.
Thực tế, trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến dự thảo Nghị định, nhiều ý kiến cho rằng việc xét tặng danh NSND, NSƯT đối với các đối tượng là “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” cần được cân nhắc một cách cẩn trọng, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng “loạn danh hiệu”. Hơn nữa, việc trao tặng danh hiệu, giải thưởng phải phù hợp với Điều 5 của Luật Thi đua, Khen thưởng là “không khen thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được”, nên không thể cùng một thành tích nhưng được xét tặng cả danh hiệu NSND, NSƯT và Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú…
Nhiều hội văn học nghệ thuật chuyên ngành cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, chưa đưa nhạc sĩ sáng tác và nghệ sĩ nhiếp ảnh vào xét tặng danh hiệu. Về lý do, Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, công việc của nhạc sĩ sáng tác và nghệ sĩ nhiếp ảnh không mang tính biểu diễn và tác phẩm của họ đã được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Nếu đưa 2 đối tượng này vào để xét tặng danh hiệu thì cũng sẽ phải đưa một số thành phần có tính chất tương đồng trong hoạt động sáng tác như nhà văn, tác giả kịch bản sân khấu, biên kịch điện ảnh… vào danh sách xét tặng danh hiệu.
Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng cho rằng không nên xét một thành tích cho cả danh hiệu NSND, NSƯT và Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Không nên đưa biên kịch, tác giả kịch bản múa, nhạc sĩ hòa âm phối khí, soạn giả vào xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng không đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nhà văn, kiến trúc sư, đồng thời cho rằng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” phủ rộng trên các lĩnh vực hoạt động văn học nghệ thuật nên cần làm rõ nội hàm “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” và cần có sự đánh giá thành tích nghệ thuật một cách rõ ràng, để mục đích của thi đua khen thưởng đi đúng hướng, vinh danh người sáng tạo văn học nghệ thuật, góp phần vào sự phát triển của nền văn hóa nước nhà.
Tại đợt lấy ý kiến dự thảo lần thứ 3, hầu hết ý kiến từ các bộ, ngành, hội chuyên ngành văn học nghệ thuật Trung ương đồng thuận với nội dung dự thảo Nghị định. Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng không đề xuất đưa nhạc sĩ sáng tác vào danh sách xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Riêng Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam vẫn tiếp tục đề xuất bổ sung đối tượng nghệ sĩ sáng tác, là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đang tham gia hoạt động tại Hội vào đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vì nhận thấy việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” chưa thống nhất và đảm bảo các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và cách tính thời gian hoạt động sáng tạo tác phẩm tương tự như đối tượng “nghệ sĩ hoạt động biểu diễn nghệ thuật” nên Bộ dự kiến trình Chính phủ chưa quy định đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” vào đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại dự thảo Nghị định nói trên.
Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương để tiếp tục nghiên cứu, đưa ra quy định phù hợp trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” trong thời gian tới. Đối với dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, sau khi Bộ Tư pháp thẩm định và có phản hồi, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến và hoàn thiện trước khi trình Chính phủ.
Nguồn:https://cand.com.vn/Chuyen-dong-van-hoa/chua-xet-tang-danh-hieu-nghe-si-voi-nguoi-sang-tao-tac-pham-van-hoa-nghe-thuat-i709634/
Ý kiến ()