Chưa rõ ràng con số chi phí hơn 34 nghìn tỷ đồng
Theo ông Ðỗ Ngọc Thống, Bộ phận thường trực (Ban Chỉ đạo Chương trình sách giáo khoa sau năm 2015) con số hơn 34 nghìn tỷ đồng mới chỉ là khái toán bước đầu để tạm hình dung. Số kinh phí nói trên còn phải trải qua thẩm định của một số cơ quan như Bộ Tài chính… Có thể tên dự thảo đề án khiến nhiều người hiểu nhầm chỉ viết CT, SGK GDPT nhưng nội dung không phải dùng tất cả số tiền để viết CT, SGK. Việc khái toán con số trên cơ sở có nhiều đầu việc khác nhau, CT, SGK chỉ là khâu đầu còn lại là bồi dưỡng, đào tạo lại của hàng triệu giáo viên trên cả nước trong thời gian khoảng gần mười năm; công tác tổ chức tập huấn; tài liệu tham khảo…
Liên quan đến vấn đề trang thiết bị dạy học cho việc đổi mới CT, SGK theo đại diện Bộ GD và ÐT cho biết, đổi mới lần này quan trọng nhất là đổi mới cách dạy, cách học và cách thức tổ chức dạy học là chính. Ðổi mới CT, SGK tập trung vào chuyển từ cách tiếp cận nội dung tức là cách dạy chạy theo kiến thức sang cách dạy, học hình thành năng lực. Ðáng chú ý, chương trình mới sẽ thay đổi cả cách làm không cắt khúc như trước đây mà làm chương trình xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, cho nên kết quả hạn chế được sự trùng lặp… Vì vậy, số tiền đầu tư cho trang thiết bị là không nhiều, chủ yếu là đủ cơ sở phòng học và những cái tối thiểu. Dự kiến CT và SGK phải sử dụng khoảng năm nghìn tỷ đồng còn lại là vào các đầu việc khác có khoảng gần mười mục lớn.
Mặc dù giải đáp nhiều ý kiến thắc mắc nhưng tại cuộc họp, nhiều câu hỏi về những căn cứ đưa ra con số hơn 34 nghìn tỷ đồng cho đổi mới và những đề mục cụ thể triển khai thực hiện chưa được Bộ GD và ÐT trả lời thỏa đáng. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, khi đưa ra con số khái toán hơn 34 nghìn tỷ đồng, Bộ GD và ÐT cần phải thể hiện được các đầu mục công việc một cách rõ ràng, cụ thể, tiết kiệm chứ không thể chung chung. Mặt khác, khi đưa ra khái toán cũng phải xác định được nguồn kinh phí, phương pháp thực hiện các đầu mục công việc nhằm bảo đảm tính khả thi nhất nếu dự thảo đề án được thông qua.
Cũng theo Bộ GD và ÐT, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UBVHGDTN, TN và NÐ) của Quốc hội đã làm việc lại với ban soạn thảo đề án, yêu cầu Bộ GD và ÐT phải chuẩn bị, bổ sung lại những góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội một cách đầy đủ để có thể trình ra kỳ họp Quốc hội tới. Dự kiến ngày 25-4, UBVHGDTN, TN và NÐ của Quốc hội sẽ chính thức thẩm định các hồ sơ trình Quốc hội.
Ý kiến ()