LSO- Trong 5 năm qua, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí; công khai minh bạch trong hoạt động; thực hiện các quy định về mua sắm tài sản công, xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất, quản lý dự án đầu tư và sử dụng ngân sách. Đặc biệt, hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng ngày càng được nâng lên; các cơ quan chức năng chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý với các hành vi tiêu cực trong lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại; chủ động phối hợp xử lý đơn thư, vụ việc tiêu cực; tăng...
LSO- Trong 5 năm qua, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí; công khai minh bạch trong hoạt động; thực hiện các quy định về mua sắm tài sản công, xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất, quản lý dự án đầu tư và sử dụng ngân sách. Đặc biệt, hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng ngày càng được nâng lên; các cơ quan chức năng chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý với các hành vi tiêu cực trong lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại; chủ động phối hợp xử lý đơn thư, vụ việc tiêu cực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc tiêu cực, vụ án tham nhũng. Các tổ chức đảng thường xuyên quản lý, giáo dục đảng viên, phát huy tính tiển phong gương mẫu của đảng viên trong phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Do đó, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức cơ sở đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được phát huy; chế độ sinh hoạt của cấp ủy và chi bộ có nhiều chuyển biến tiến bộ, đã gắn nội dung phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm vào sinh hoạt định kỳ của các cấp ủy.
Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma (Lộc Bình)
Ông Nguyễn Thế Lệ, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh đánh giá: công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh ta trong 5 năm qua đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Tình hình tiêu cực, tham nhũng ở mức độ ít nghiêm trọng và chưa phát hiện vụ việc lớn liên quan đến tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, trong những năm qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện hành vi tham nhũng còn nhiều mặt hạn chế. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa cao, thậm chí buông lỏng quản lý tài chính để gây ra hậu quả nghiêm trọng… một số cán bộ, đảng viên thiếu tích cực, chưa gương mẫu trong phòng, chống tham nhũng. Công tác tự phát hiện nội bộ còn yếu, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí còn nhiều mặt hạn chế.
Từ năm 2007 đến nay, việc giải quyết đơn thư tố cáo tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng tiếp nhận 59 đơn tố cáo, đã tiến hành xác minh, giải quyết 36 đơn. Thanh tra 348 cuộc, phát hiện sai phạm về kinh tế với tổng số tiền là 13.461,6 triệu đồng, cấp có thẩm quyền kết luận thu hồi 5.606,2 triệu đồng, xử phạt hành chính 633,7 triệu đồng, đã thu hồi được 2.013,3 triệu đồng. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tổ chức kiểm tra 34 đảng viên có liên quan đến tham nhũng, lãng phí. Các cấp có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật đảng 101 trường hợp và kỷ luật hành chính 62 trường hợp… Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X), ngày 18/3/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 06 – CT/TU về “Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiêt kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011 – 2015”. Theo đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đồng thời hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng. Tăng cường sự giám sát của các cơ quan dân cử, MTTQ và các đoàn thể nhân dân và nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng tỉnh, cơ quan giúp việc của Ban Chỉ đạo. Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Trung ương kiểm tra việc sơ kết thực hiện Nghị quyết Trương 3 (Khóa X) ngày 20/12/2011 tại Lạng Sơn, đồng chí Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh kiến nghị: Trung ương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng trên cơ sở tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng. Nghiên cứu bổ sung thẩm quyền của các cơ quan chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng các cấp; thẩm quyền trong áp dụng các biện pháp công tác đối với các cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng. Đề nghị các bộ, ngành trung ương tiếp tục có hướng dẫn cụ thể về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý phụ trách.
Với những kết quả đạt được trên và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tin rằng công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh ta những năm tới sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đẩy lùi, giảm thiểu các vụ việc nghiêm trọng xảy ra.
Mai Văn Hoa
Ý kiến ()