Chưa hết nỗi lo ùn tắc đăng kiểm
Sau thời gian thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc ở các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới, hoạt động kiểm định phương tiện đã từng bước ổn định trở lại.
Bước vào giai đoạn cuối năm, nhu cầu đăng kiểm xe của người dân, doanh nghiệp tăng cao, một số TTĐK bắt đầu chạm ngưỡng công suất tối đa. Trong khi đó, vấn đề thiếu hụt đăng kiểm viên vẫn đang hiện hữu, cần có giải pháp để kịp thời bổ sung nhân lực cũng như thu hút thêm nguồn lực từ xã hội cho công tác này.
Nguy cơ tái diễn ùn tắc đăng kiểm tại 11 địa phương
Sau khi hoàn thành kiểm định cho xe ô tô 5 chỗ của mình, anh Phạm Văn Hải (phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết, việc đưa xe đi đăng kiểm ở Hà Nội hiện nay khá thuận lợi, không còn cảnh phải xếp hàng nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày như những tháng đầu năm 2023. “Công tác kiểm định được tiến hành kỹ lưỡng, chặt chẽ. Nếu xe không đạt yêu cầu, đăng kiểm viên sẽ liệt kê chi tiết từng lỗi để chủ xe biết hướng khắc phục. TTĐK không can thiệp vào việc người dân bảo dưỡng, sửa chữa xe ở đâu, quan trọng là phải khắc phục triệt để những lỗi đã chỉ ra”, anh Phạm Văn Hải chia sẻ. Theo anh Hải, những hư hỏng phổ biến của phương tiện dẫn đến không đạt yêu cầu kiểm định là đèn xe, lốp, phanh, cân bằng của xe… Một số xe độ, chế, lắp thêm những thiết bị hoặc thay thế phụ tùng không bảo đảm nguyên bản cũng sẽ gặp khó khăn khi đi kiểm định.
Thực hiện kiểm định phương tiện tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NGUYỄN LÊ |
Ghi nhận tại một số TTĐK ở Hà Nội cho thấy, bước vào tháng 12-2023, lượng ô tô đến kiểm định gia tăng trở lại. Ông Trần Quốc Hoan, Phó giám đốc phụ trách TTĐK xe cơ giới 29-03V (Hà Nội) cho biết, thực hiện quy định về giãn, tự động gia hạn chu kỳ kiểm định, miễn kiểm định cho xe đăng ký lần đầu, số lượng xe đến TTĐK giảm đáng kể, có thời điểm trung tâm vận hành chưa đến 50% công suất. Cụ thể, tháng 7-2023, tại TTĐK xe cơ giới 29-03V trung bình chỉ có 50 xe đến kiểm định mỗi ngày, đạt 39% công suất; tháng 8-2023 tăng lên 52%; tháng 9-2023 đạt 70% công suất. Đến hết tháng 11-2023, lượng xe kiểm định trung bình của trung tâm là 90 xe/ngày, chỉ ở mức hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022 (170 xe/ngày). Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Hoan, từ đầu tháng 12-2023 đến nay, lượng xe đến kiểm định tăng đột biến với mức 150 xe/ngày, gần đạt công suất tối đa của trung tâm. Nguyên nhân do theo chu kỳ giai đoạn cuối năm, xe đến hạn kiểm định đông, đây là thời điểm người dân thường mua xe, chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết. Bên cạnh đó, một số xe được giãn thời gian kiểm định, đến nay bắt đầu tới thời hạn đăng kiểm.
Ông Trần Quốc Hoan khẳng định, dù lượng xe đông hơn nhưng TTĐK xe cơ giới 29-03V vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu kiểm định. Với các đơn vị khác trong số 28 TTĐK đang hoạt động ở Hà Nội, số dây chuyền kiểm định không thiếu, nhưng nỗi lo lớn nhất là thiếu hụt nhân lực, lượng đăng kiểm viên bổ sung chưa đủ để bù đắp. Nhiều TTĐK huy động sự hỗ trợ của các đăng kiểm viên nằm trong diện điều tra nhưng đang được tại ngoại. Các đăng kiểm viên này chưa bị xét xử, vẫn còn quyền công dân nên việc bố trí công việc không trái quy định pháp luật.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), với công suất kiểm định như hiện nay, hệ thống đăng kiểm xe cơ giới hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc trong tháng cuối năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, do việc phân bố mật độ các TTĐK không đồng đều về mặt địa lý dẫn đến chỗ thiếu, chỗ thừa. Dự báo, thời gian sắp tới, tình trạng ùn tắc có nguy cơ tái diễn tại 11 địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh.
Bên cạnh đó, hiện nay có khoảng 700 đăng kiểm viên bị khởi tố để điều tra sai phạm, trong đó có khoảng 300 đăng kiểm viên đang được tại ngoại hiện tiếp tục tham gia hỗ trợ cho hoạt động kiểm định. Với những đăng kiểm viên này, khi vụ án được đưa ra xét xử, có bản án do vi phạm các quy định thì Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) phải thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên, dẫn đến sẽ có 21 TTĐK của 9 tỉnh, thành phố bị dừng hoạt động, trong đó, có những nơi không còn TTĐK hoạt động như Bắc Kạn, Hòa Bình.
Gấp rút bổ sung nhân lực, phát triển trung tâm đăng kiểm mới
Để tạo thuận lợi cho công tác kiểm định phương tiện, ông Trần Quốc Hoan cho biết, trung tâm đã mở nhiều kênh cho người dân đăng ký lịch kiểm định bằng các hình thức trực tuyến (online), qua ứng dụng điện tử hoặc đăng ký trực tiếp ở trung tâm. Bên cạnh đó, người dân cũng lưu ý trước khi đưa xe đi kiểm định cần bảo dưỡng, sửa chữa, mang đầy đủ giấy tờ, tra cứu vi phạm quy định về giao thông qua hệ thống thông tin của cảnh sát giao thông. Với những xe độ, chế, cần đưa về trạng thái nguyên bản để tránh phải đi lại nhiều lần, vừa mất thời gian của người dân, vừa tăng thêm áp lực công việc cho TTĐK.
Thời gian qua, Cục ĐKVN đã triển khai nhiều giải pháp để khôi phục trở lại hàng loạt TTĐK bị tạm dừng hoạt động, đồng thời, thực hiện kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho 7 TTĐK mới. Trong thời gian tới, Cục ĐKVN tiếp tục thực hiện hoặc phối hợp với các sở GTVT để kiểm tra, đánh giá, cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận và duy trì các điều kiện hoạt động của các TTĐK.
Để bổ sung nguồn nhân lực đăng kiểm viên, từ đầu năm 2023 đến nay, Cục ĐKVN liên tục tổ chức 24 đợt đánh giá đăng kiểm viên (trước đây mỗi năm chỉ tổ chức được từ 4 đến 5 đợt), đã cấp giấy chứng nhận lần đầu cho 207 đăng kiểm viên xe cơ giới. Đến hết năm 2023, dự kiến tiếp tục tổ chức thêm 6 đợt đánh giá để cấp giấy chứng nhận lần đầu cho khoảng 90 đăng kiểm viên, như vậy, tổng số có gần 300 đăng kiểm viên mới được bổ sung vào hệ thống. Mặc dù vậy, lượng đăng kiểm viên tiếp tục bổ sung trong thời gian tới không nhiều, đến tháng 5-2024 mới bắt đầu có thêm đăng kiểm viên do cần hoàn thành chương trình tập huấn. Ước tính, đến năm 2026, hệ thống đăng kiểm xe cơ giới vẫn chưa thể bù đắp được số lượng đăng kiểm viên bị thiếu hụt.
Đối với các địa phương có lượng phương tiện lớn đến hạn kiểm định, Cục ĐKVN đề nghị cần chủ động liên hệ với các địa phương khác nơi TTĐK còn dư thừa năng lực để trưng dụng, bổ sung tạm thời đăng kiểm viên cho các TTĐK trên địa bàn. Cùng với đó, chủ động báo cáo, đề xuất với các cấp có thẩm quyền cho đầu tư thêm TTĐK. Cục ĐKVN cũng đề nghị các sở GTVT, TTĐK căn cứ vào tình hình hoạt động, báo cáo các cấp xem xét, phân hóa các hành vi vi phạm pháp luật, tạo điều kiện cho các đăng kiểm viên mắc sai phạm nhẹ có cơ hội được sửa chữa lỗi lầm, lấy công chuộc tội, tiếp tục phục vụ lĩnh vực đăng kiểm, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng quá tải ở các TTĐK.
Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị trong ngành đăng kiểm, các địa phương vượt qua khó khăn để bảo đảm phục vụ người dân. Đối với nhân lực đăng kiểm viên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đề nghị Cục ĐKVN chủ động xây dựng nguồn nhân lực mới bù đắp cho số đăng kiểm viên bị khởi tố, nghỉ việc và các địa phương, các TTĐK hỗ trợ nhau trong điều tiết nhân sự. Cần xem xét quy trình tuyển dụng, tập huấn đăng kiểm viên theo hướng rút gọn thời gian, nhất là đối với kỹ sư ô tô, cơ khí ô tô để nhanh chóng có được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của hệ thống kiểm định. Bên cạnh đó, Cục ĐKVN cần xem xét quy trình kiểm định phương tiện bảo đảm phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho đăng kiểm viên cũng như người dân, doanh nghiệp.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chua-het-noi-lo-un-tac-dang-kiem-754930
Ý kiến ()