Chưa đáp ứng được yêu cầu
LSO-Đó là đánh giá chung của UBND tỉnh về hạn chế trong việc thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL) lao động cho người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong các loại hình doanh nghiệp (DN) từ năm 2009 – 2016 (gọi tắt là Đề án 31) trên địa bàn tỉnh. Điều này đòi hỏi cần có hướng giải quyết để nâng cao chất lượng tuyên truyền, tạo chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật trong các loại hình DN.
Cán bộ Sở LĐTB&XH phát tài liệu tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động cho đại diện doanh nghiệp tham dự hội nghị chuyên đề |
Sở LĐTB&XH là đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 31. Những năm qua, Sở LĐTB&XH đã quan tâm, chỉ đạo phòng chuyên môn thực hiện công tác tuyên truyền Tiểu đề án 1 và Tiểu đề án 4 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho NLĐ, NSDLĐ trong các DN nhà nước, DN dân doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, ngành chức năng mới chỉ triển khai được việc TTPBPL thông qua 16 hội nghị chuyên đề cho gần 2.000 người trực tiếp tham gia; phối hợp tổ chức 2 hội nghị với trên 150 người tham gia; phối hợp với Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tuyên truyền trên 10 tin, bài; phát trên 5.000 tờ rơi tuyên truyền cho NLĐ tại các DN; sao gửi văn bản cho hơn 4.000 lượt NSDLĐ.
Trong khi đó, đa số DN chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm trong công tác này mà phụ thuộc vào cơ quan nhà nước thực hiện. Một số DN có tổ chức công đoàn thì chỉ gửi văn bản chấp hành pháp luật xuống các bộ phận chuyên môn mà chưa quan tâm đến việc NLĐ có lĩnh hội được nội dung tuyên truyền hay không.
Thực trạng trên xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Là người trực tiếp truyền đạt nội dung tại các cuộc hội nghị, chị Hoàng Thanh Hải, Trưởng phòng Lao động – Tiền lương, Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết: Khách quan là do tài liệu TTPBPL lao động thường xuyên thay đổi, bổ sung; nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật chưa ban hành kịp thời, đồng bộ; việc tách rời đối tượng thụ hưởng đề án (NSDLĐ và NLĐ, loại hình DN) gây khó khăn trong quá trình tổ chức tuyên truyền. Nguyên nhân chủ quan do là đội ngũ làm công tác tuyên truyền ở cơ quan nhà nước quá mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc nên kỹ năng truyền đạt, phổ biến không cao; phương pháp, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng. Một phần do hạn chế về kinh phí nên chỉ đủ tổ chức hội nghị, chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn. Sự phối hợp giữa các cơ quan thực hiện tiểu đề án chưa chặt chẽ dẫn đến bỏ trống địa bàn hoặc trùng lặp; NLĐ chưa có ý thức tìm hiểu, trang bị kiến thức pháp luật khi làm việc; nhiều DN không cử người đến hoặc tham gia không đầy đủ gây lãng phí thời gian, kinh phí tổ chức, ảnh hưởng đến chất lượng…
Anh Liễu Trần Hùng, thành viên Hợp tác xã Phương Đông cho biết: Hợp tác xã mới thành lập năm 2015 gồm 10 thành viên và 5 lao động chính. Tuy nhiên đến tháng 8/2016 chúng tôi mới lần đầu tiên được tham dự hội nghị TTPBPL lao động do Sở LĐTB&XH tổ chức. Tôi thấy nội dung tuyên truyền thì dài, trong khi thời gian chỉ có gần 2 ngày, chủ yếu là phát tài liệu tự nghiên cứu. Mong là thời gian tới sẽ có thêm nhiều đổi mới trong phương pháp tuyên truyền.
Đồng quan điểm với anh Hùng, ông Ngô Trọng Thỉnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Lạng Sơn cho biết: Nếu chỉ tổ chức TTPBPL qua hội nghị và qua văn bản thì DN nào có ý thức, coi chấp hành pháp luật lao động là cơ sở để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển thì họ sẽ chú ý chấp hành. Còn đơn vị nào không muốn, thì đơn vị tuyên truyền không có cách nào ràng buộc họ. Như vậy, khó có thể nâng cao chất lượng tuyên truyền.
Thực tế, sau nhiều năm thực hiện Đề án, Sở LĐTB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Bộ LĐTB&XH tham mưu với Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện TTPBPL cho NSDLĐ, NLĐ trong các loại hình DN những năm tiếp theo. Theo đó, tỉnh cần hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động để đa dạng hóa loại hình tuyên truyền, tạo điểm nhấn, gây được hiệu ứng tuyên truyền. Đồng thời bổ sung chế tài, quy định đối với các DN không thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc tham gia các cuộc TTPBPL do ngành chức năng tổ chức.
HOÀI AN
Ý kiến ()