Chưa có sự đồng nhất trong công tác phòng chống bạo lực học đường
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT cho biết: Thời gian qua, công tác xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 15 văn bản gồm (các Nghị đinh, Quyết định) đặc biệt có Nghị định số 80 ngày 17-7-2017 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; Bộ GD-ĐT đã trực tiếp ban hành 25 văn bản bao gồm các thông tư, quyết định, chỉ thị, các văn bản chỉ đạo điều hành và văn bản hành chính khác.
Hệ thống văn bản quy phạm, chỉ đạo đã chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời, tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục bảo đảm tốt an ninh, an toàn trường học; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, tình trạng bạo lực học đường vẫn đang có diễn biến phức tạp. Thời gian gần đây, đã liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường ở một số địa phương, cá biệt có một số vụ việc nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo ông Bùi Văn Linh, tình trạng mất an toàn trường học và bạo lực học đường, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như: tác động của những mặt trái của nhiều hiện tượng xã hội, môi trường giáo dục gia đình chưa lành mạnh, tâm sinh lý nhận thức của học sinh…thì còn có những nguyên nhân từ vai trò từ nhà quản lý.
Trong đó, công tác chỉ đạo triển khai bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường tại nhiều nơi còn chậm, chưa theo kịp với nhu cầu thực tế, nhiều địa phương chỉ chú trọng đến chất lượng dạy và học văn hóa, chưa thật sự quan tâm.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống liên quan đến nội dung này chưa hiệu quả, việc thực hiện dân chủ cơ sở trong một số trường học còn hạn chế. Một số nhà giáo thiếu mẫu mực trong ứng xử, hạn chế kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, lúng túng trong xử lý tình huống sư phạm…
“Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành rất hạn chế; Vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như ở trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai những vấn đề nóng, bức xúc của dư luận xã hội, tuy nhiên ở cơ sở vẫn còn tình trạng thờ ơ, bàng quan, không quan tâm triển khai thực hiện hoặc thực hiện “qua loa, mang tính đối phó”” – ông Bùi Văn Linh nhấn mạnh.
Để khắc phục tình trạng bạo lực học đường, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng và triển khai quyết liệt Kế hoạch bảo đảm an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường với một loạt các giải pháp cụ thể, như: Rà soát, bổ sung nội dung về phòng chống bạo lực học đường vào Luật Giáo dục sửa đổi, cụ thể bổ sung trách nhiệm của hiệu trưởng, ban giám hiệu vào luật giáo dục; rà soát các qui định đối với các bên liên quan (gia đình, phụ huynh, xã hội, người học,…) để lựa chọn các vấn đề “có tính phổ biến” đưa vào những quy định cấm của Luật; Đưa kiến thức phòng chống bạo lực học đường vào chương trình chính khóa; Kiểm tra tại các cơ sở giáo dục về việc: Quán triệt nội dung chỉ thị của Bộ trưởng; làm việc với giáo viên chủ nhiệm, thông báo cho học sinh; dán tài liệu tại các vị trí dễ thấy; đường dây nóng cho học sinh thông báo; Kiểm tra và xử lý nghiêm ngay tại hiện trường, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng…
Ý kiến ()