Chưa có Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu
Chiều 5/8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ tháng 7/2013. Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề nóng, trong đó có vấn đề xăng dầu đã được lãnh đạo Bộ Công Thương cùng đại diện các Cục, Vụ trực thuộc trao đổi với các cơ quan báo chí.
Chiều 5/8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ tháng 7/2013. Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề nóng, trong đó có vấn đề xăng dầu đã được lãnh đạo Bộ Công Thương cùng đại diện các Cục, Vụ trực thuộc trao đổi với các cơ quan báo chí.
|
Chưa có Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. (Ảnh minh họa: M.P) |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: Đến thời điểm này, hàng tồn kho đã giảm mạnh, những ngành có chỉ số tồn kho giảm nhiều so với năm trước bao gồm: Sản xuất vải dệt thoi giảm 32,3%; may trang phục (trừ trang phục may lông thú) giảm 1,3%; sản xuất giầy, dép giảm 19,2%; sản xuất xi măng giảm 33,7%… Đây là những tín hiệu đáng mừng bắt nguồn từ sức mua tăng lên và xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh.
Về việc sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết: Việc sửa đổi nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trong nước; làm sao để doanh nghiệp gắn trực tiếp với sản xuất, vùng nguyên liệu; nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bằng điều kiện tài chính, kho bãi, thị trường…
Về vấn đề quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề cá tầm nhập lậu, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: Đây là vấn đề rất khó kiểm soát do các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi nên việc phân biệt cá đưa vào Việt Nam và cá sản xuất trong nước không đơn giản; việc xác minh nguồn gốc xuất xứ rất khó khăn. Liên quan đến vụ việc cụ thể hơn 1 tấn cá tầm nhập lậu qua Lạng Sơn bị bắt giữ vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng chức năng làm rõ.
Phó Cục trưởng Đỗ Thanh Lam cũng đưa ra khuyến nghị cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết vấn đề này, mà giải pháp quan trọng nhất là làm sao phải có nền sản xuất phát triển từ xây dựng cơ chế chính sách, thiết lập được kênh phân phối tốt để sản phẩm nhập khẩu đến tiêu thụ có nguồn gốc rõ ràng; bên cạnh đó là việc điều tra xử lý các vụ việc, làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là người sản xuất để họ hướng tới nền sản xuất sạch; tuyên truyền để người tiêu dùng có thói quen lấy hóa đơn khi mua bán, tiêu dùng.
Liên quan đến diễn biến giá xăng dầu trong nước cũng như thế giới thời gian gần đây, nhất là từ sau khi Liên bộ Tài chính – Công Thương tiến hành tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ ngày 17/7, nhiều ý kiến cho rằng, giá xăng dầu trong nước không thay đổi linh hoạt khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm… Ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định: Qua theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới, từ ngày cuối tháng 7/2013, giá xăng dầu thế giới có giảm so với thời gian trước đó. Tuy nhiên, việc quyết định tăng giảm giá xăng dầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là giá bình quân xăng dầu thế giới trong 30 ngày, vì thế, việc tăng hay giảm giá xăng dầu phải căn cứ trước hết vào giá bình quân đó để xây dựng giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, ở thời điểm khi chưa có sự sửa đổi Nghị định 84, hoặc chưa có Nghị định mới thay thế Nghị định 84, người dân, doanh nghiệp và nhà nước vẫn phải chấp hành và tuân thủ quy định của Nghị định 84 trong việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng cho biết, hiện Vụ đang trong tiến trình xây dựng dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 84, thời hạn để hoàn thành dự thảo Nghị định mới này là trước ngày 30/9/2013.
Theo Dangcongsan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()