Chưa có giải pháp toàn diện cho vấn đề nợ công châu Âu
Tại Hội nghị cấp cao các nước khu vực đồng ơ-rô (EUROZONE) ở Brúc-xen (Bỉ), các nhà lãnh đạo khu vực chỉ đạt thỏa thuận về tăng cường điều phối chính sách kinh tế, mà chưa tìm được giải pháp toàn diện cho vấn đề nợ công. Mâu thuẫn về cách thức giải quyết, lợi ích quốc gia cao hơn lợi ích chung khiến khối này chưa nhất trí được một "đơn thuốc" hữu hiệu cho căn bệnh đang tiếp tục lây lan trong khu vực.Thông báo sau hội nghị ngày 11-3 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu H.V.Rôm-puy cho biết, các nhà lãnh đạo đã đạt thỏa thuận trên nguyên tắc về 'Hiệp ước dành cho đồng ơ-rô', trong đó nhất trí tăng cường điều phối chính sách kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện khả năng quản lý tài chính công trong EUROZONE. Chi tiết gói giải pháp toàn diện cho vấn đề nợ công sẽ tiếp tục được thảo luận tại Hội nghị cấp cao Liên hiệp châu Âu (EU), dự kiến diễn ra trong các ngày 24 và 25-3. EU hy vọng, 'Hiệp ước dành cho đồng ơ-rô' -...
Thông báo sau hội nghị ngày 11-3 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu H.V.Rôm-puy cho biết, các nhà lãnh đạo đã đạt thỏa thuận trên nguyên tắc về 'Hiệp ước dành cho đồng ơ-rô', trong đó nhất trí tăng cường điều phối chính sách kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện khả năng quản lý tài chính công trong EUROZONE. Chi tiết gói giải pháp toàn diện cho vấn đề nợ công sẽ tiếp tục được thảo luận tại Hội nghị cấp cao Liên hiệp châu Âu (EU), dự kiến diễn ra trong các ngày 24 và 25-3. EU hy vọng, 'Hiệp ước dành cho đồng ơ-rô' – một gói giải pháp toàn diện cho vấn đề nợ công – sẽ được 27 nhà lãnh đạo thông qua tại hội nghị này.
Có ý kiến của giới quan sát cho rằng, Hội nghị cấp cao EUROZONE vừa qua chỉ là bước chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao EU diễn ra mười ngày sau đó. Dù quyết tâm nhanh chóng ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng ra toàn khu vực, nhưng các nhà lãnh đạo EUROZONE khó có thể hiện thực hoá mong muốn đó, nếu chỉ với nỗ lực của riêng khu vực, mà cần một giải pháp toàn diện do EU hậu thuẫn. Tuy nhiên, để đạt được một giải pháp chung của EU, cũng còn nhiều yếu tố khó khăn có thể cản trở các nhà lãnh đạo EU đạt đồng thuận.
Trước tiên, đó là mâu thuẫn về phương thức giải quyết nợ công. Hai nền kinh tế lớn trong EUROZONE là Đức và Pháp yêu cầu các quốc gia trong khu vực phải triển khai các chính sách kinh tế giống nhau và tuân thủ các nguyên tắc về 'thỏa thuận cạnh tranh'. Đức – quốc gia có nhiều ảnh hưởng trong mọi quyết định tài chính của EU – đặt điều kiện EUROZONE phải biến các quy định của EU về thâm hụt ngân sách Nhà nước (mức trần 3% GDP) và nợ công (6% GDP) thành luật quốc gia, như Đức đã thực hiện. Dự thảo gói biện pháp của EU nêu rõ, các nước thành viên có quyền sử dụng các công cụ tài chính riêng của mình, nhưng bảo đảm các công cụ này phải ràng buộc về pháp lý đủ mạnh và lâu dài. Điều này cũng hàm ý các quy định tài chính của EU nêu trên phải được đưa vào hiến pháp hoặc khung luật pháp của các thành viên EUROZONE. Tuy nhiên, đề xuất của hai nền kinh tế đầu tàu khu vực vấp phải sự phản đối, nhất là từ các thành viên nhỏ hơn vì cho rằng kế hoạch đó tước mất quyền tự quyết của họ.
Dự thảo 'Hiệp ước dành cho đồng ơ-rô' nêu các giải pháp mang tính quyết định, trong đó đề cập quỹ cứu trợ ngắn hạn của EU gọi là Cơ chế ổn định tài chính (EFSF) và quỹ cứu trợ dài hạn là Cơ chế ổn định châu Âu (ESM). Nhưng đây là lại các vấn đề khó tìm được sự đồng thuận, nhất là vấn đề góp vốn. EFSF trị giá khoảng 440 tỷ ơ-rô (tương đương 610 tỷ USD), với thời hạn hoạt động ba năm, nhưng đến nay các nước mới chỉ đóng góp được 50% số vốn này. Tháng 2 vừa qua, các Bộ trưởng Tài chính 27 thành viên EU lại quyết định tăng gấp đôi khả năng cho vay thực tế của ESM. Trong khi đó, các nước tiếp tục tranh luận gay gắt về quy mô, phương thức và quyền hạn của những quỹ nói trên. Đức hiện góp nhiều nhất cho EFSF, tuyên bố chỉ ủng hộ mở rộng quỹ này, nếu được dùng ESM để mua trái phiếu chính phủ các nước EUROZONE trên thị trường mở. Pháp ủng hộ đề xuất này, nhưng các nền kinh tế khác trong khu vực lại cho rằng biện pháp này có thể làm chệch hướng các nỗ lực giám sát của Ủy ban châu Âu (EC).
Nhà kinh tế N.Ru-bi-ni của Mỹ nhận định, EU tiếp tục lúng túng và khó sớm tìm được giải pháp cho khủng hoảng nợ công. Bởi, một trong những thách thức lớn hiện nay đối với EUROZONE là sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa các thành viên. Quyết định tăng lãi suất mới đây của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể thổi phồng 'quả bóng nợ công' ở những nước có nguy cơ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng, như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, I-ta-li-a… Trong khi đó, các chính phủ mới ở Hy Lạp và Ai-len, hai nước hiện sử dụng gói cứu trợ của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vừa yêu cầu thương lượng lại các điều khoản cứu trợ. Động thái này có thể khiến các nước EU thêm khó khăn trong việc tìm đồng thuận về một giải pháp toàn diện cho toàn khu vực.
Báo cáo mới nhất của IMF về triển vọng kinh tế và ổn định tài chính toàn cầu cảnh báo, khủng hoảng nợ nghiêm trọng hiện nay ở châu Âu đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. EU đang cần một gói giải pháp tổng thể, gồm cả tài chính công, sức cạnh tranh của nền kinh tế và cơ chế ổn định trong tương lai, mới mong khôi phục được lòng tin của thị trường đối với đồng ơ-rô và toàn bộ các nền kinh tế khu vực. Giải pháp này không thể đạt được nếu các nước tiếp tục đặt lợi ích quốc gia cao hơn mục tiêu chung của khu vực.
Theo Nhandan

Ý kiến ()