Chú trọng xã hội hóa trong đào tạo nghề
(LSO) – Toàn tỉnh hiện có 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và cơ sở tham gia lĩnh vực GDNN. Trong đó có 19 cơ sở công lập và 4 cơ sở tư thục. Công tác xã hội hóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được quan tâm chỉ đạo đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng Phòng GDNN, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết: Xác định xã hội hóa đào tạo nghề cho LĐNT là nhiệm vụ trọng tâm, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo sở giải pháp đột phá là gắn kết GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Theo đó, hằng năm, Sở LĐTB&XH ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDNN, phòng LĐTB&XH – Dân tộc các huyện, thành phố triển khai gắn kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo; chủ động đẩy mạnh hợp tác 3 bên: Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp; chủ động tìm các đối tác để hợp tác đào tạo trong các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với địa phương theo đúng định hướng phát triển kinh tế – xã hội; phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thực hiện rà soát nhu cầu đào tạo, đào tạo lại và nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số cơ sở đào tạo nghề đã thực hiện xã hội hoá theo hình thức liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh, giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp nhằm đào tạo theo nhu cầu của người lao động, theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn tổ chức đào tạo nghề cho người lao động trong doanh nghiệp theo hình thức vừa học vừa làm và một số nghề đặc thù khác.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn thực hành sửa chữa máy nông nghiệp
Năm 2018, toàn tỉnh có 2 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo cho lao động trong doanh nghiệp là Công ty Cổ phần sản xuất và Thương mại Lạng Sơn và Công ty TNHH MTV xe điện ĐK Việt Nhật. Bà Bùi Bích Đào, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV xe điện ĐK Việt Nhật cho biết: Nhu cầu về nhân lực của công ty rất lớn, nhất là lao động đã qua đào tạo và được đào tạo chất lượng tay nghề cao, tuy nhiên trên thực tế rất khó tuyển dụng vì trên địa bàn chủ yếu là lao động phổ thông. Vì vậy, chúng tôi đã phối hợp đào tạo cho lao động trẻ và LĐNT, đặt hàng số lượng đào tạo để có nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu.
Cùng với các cơ sở GDNN công lập, theo số liệu của Phòng GDNN, Sở LĐTB&XH, hiện nay toàn tỉnh có 2/4 cơ sở GDNN ngoài công lập tham gia đào tạo nghề cho LĐNT. Gồm các đơn vị: Trung tâm Hỗ trợ và Đào tạo Bắc Hà, Trung tâm Đào tạo Nhân lực Lạng Sơn. Các nghề được LĐNT lựa chọn chủ yếu là nghề lái xe, nấu ăn, may mặc… Kết quả, năm 2018, 2 cơ sở GDNN này đã tham gia đào tạo được 6 lớp cho 210 LĐNT.
Bà Hoàng Kim Phương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Đào tạo Bắc Hà cho biết: Tham gia vào chương trình xã hội hóa đào tạo nghề cho LĐNT, chúng tôi phối hợp với các xã trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền về học nghề đến người lao động, nắm bắt nhu cầu của họ để tổ chức lớp học đảm bảo chất lượng. Năm 2018, trung tâm phối hợp với xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc mở 2 lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho 70 lao động nông thôn. Sau lớp học, 60% học viên mở được cửa hàng sửa chữa máy, 40% học viên còn lại có kiến thức, kỹ năng sửa máy cho gia đình.
Với những nỗ lực trong thực hiện xã hội hóa đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần vào kết quả đào tạo nghề chung của cả tỉnh. Năm 2018, toàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo được 12.590 người, trong đó trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 7.455 người; lao động do các doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo là 1.395 người. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2018 của tỉnh đạt 50%, tăng 2,4% so với năm 2017.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm: Phát huy những kết quả đó, năm 2019, ngay từ đầu năm chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu cho lãnh đạo sở trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh năm 2019. Theo đó xác định xã hội hóa vẫn là một nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy cần tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của 3 bên: Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp trong đào tạo nghề nói chung, đào tạo nghề cho LĐNT nói riêng. Qua đó nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2019 được nâng lên 52%.
Ý kiến ()