Chú trọng truyền thông, nâng nhận thức
LSO-Theo ngành chức năng, tai nạn thương tích (TNTT) như: đuối nước, giật điện, tai nạn giao thông, bỏng… là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong ở trẻ em. Vì vậy, công tác truyền thông phòng, chống TNTT luôn được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Hội thi vẽ tranh với chủ đề an toàn giao thông của Sở GD&ĐT thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh |
Ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2158/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống TNTT giai đoạn 2013 – 2015. Một trong những nội dung của chương trình là truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống TNTT trẻ em cho bản thân trẻ, gia đình, trường học và cộng đồng. Nâng cao năng lực về phòng, chống TNTT trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em.
Theo đó, Sở LĐTB&XH tỉnh với chức năng là cơ quan thường trực đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền trên phương tiện truyền thông đại chúng, in và phát tài liệu, tuyên truyền bằng nhiều hình thức trong dịp hè và các đợt trọng điểm như: phòng chống cháy nổ, tháng hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm, tháng hành động vì trẻ em, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, tết Trung thu… Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em từ xã, huyện đến tỉnh về kỹ năng phòng, chống TNTT cho trẻ. Các sở, ngành, mặt trận Tổ quốc các cấp tùy đặc điểm địa bàn, nhiệm vụ chuyên môn đều xây dựng chương trình hành động phòng, chống TNTT cho trẻ gắn với các chương trình, mục tiêu của ngành mình. Ví như: MTTQ các cấp lồng ghép với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Tỉnh đoàn tổ chức lớp học kỹ năng sống dịp hè, học kỳ quân đội; Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp gắn với Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; ngành công an gắn với việc đảm bảo trẻ em trên 6 tuổi đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông…
Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là một trong số đơn vị tích cực thực hiện phòng, chống TNTT cho trẻ em. Bà Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh cho biết: Mỗi năm học, sở đều chỉ đạo 11/11 phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc triển khai hoạt động tuyên truyền phòng, chống TNTT cho học sinh và báo cáo về sở định kỳ hoặc đột xuất. Từ năm 2013 đến nay, sở đã tuyên truyền trực tiếp trên 2.000 cuộc cho học sinh, sinh viên qua các buổi mít tinh, chào cờ, ngoại khóa, sinh hoạt lớp; tuyên truyền qua gần 7.000 tờ bằng tờ rơi, pa nô, áp phích… Hằng năm, sở đều phối hợp với ngành y tế tập huấn, kiểm tra định kỳ về an toàn vệ sinh thực phẩm; tập huấn về bơi lội, cứu đuối nước; yêu cầu học sinh, phụ huynh ký cam kết đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông…
Trong hơn 3 năm thực hiện Quyết định 2158, toàn tỉnh đã tuyên truyền cho trên 421.000 lượt học sinh, sinh viên, hơn 100 buổi tuyên truyền lưu động tại 11 huyện, thành phố; 95 buổi chiếu bóng lưu động tại vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó đã có 15.000 quyển tài liệu, trên 14.800 tờ rơi, pa nô, áp phích, khẩu hiệu về phòng, chống TNTT trẻ em được treo, dán tại 150 xã, thị trấn. Trên 1.100 lượt cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách bảo vệ, chăm sóc trẻ em được tập huấn nghiệp vụ thông qua 15 lớp tập huấn… Qua đó đã huy động được nhiều cấp, ngành, gia đình và cộng đồng quan tâm đến phòng, chống TNTT cho trẻ em ý thức của các cấp, ngành, gia đình và xã hội về tạo môi trường an toàn cho trẻ em.
Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay vẫn có trên 320 trẻ bị TNTT, chủ yếu do đuối nước và tai nạn giao thông. Bà Hoàng Thị Nhất, Phó trưởng Phòng Bảo vệ trẻ em – Bình đẳng giới, Sở LĐTB&XH cho biết: để khắc phục những điểm còn tồn tại trong công tác này như: kinh phí tuyên truyền không nhiều, đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em ở xã còn thiếu và yếu, việc tổng hợp TNTT ở trẻ chưa kịp thời; sân chơi cho trẻ còn ít…; ngay từ đầu tháng 5/2016, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các cấp, ngành tăng cường công tác phòng, chống TNTT cho trẻ em, nhất là trong dịp hè. Mục tiêu chung là nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng. Cùng với đó là tạo môi trường học tập, vui chơi, sinh sống an toàn cho trẻ. Công tác truyền thông cần cụ thể, sâu sát với thực tế, hướng vào các biện pháp phòng, tránh TNTT và nâng cao ý thức trách nhiệm, nhận thức của các em trong tự bảo vệ bản thân và trách nhiệm của người lớn.
HOÀI AN
Ý kiến ()