Chú trọng tính minh bạch và hiệu quả trong công tác thanh tra
Ngày 25/10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận về một số ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh phát biểu ý kiến tại hội trường. (Ảnh: ANH SƠN) |
Tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thanh tra
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) cho biết, dự án Luật có 8 chương, 118 điều. Trong đó, chỉnh lý nội dung 102 điều, chỉnh lý về kỹ thuật văn bản 9 điều, tăng thêm 2 điều về bố cục.
Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng dự án Luật là tương đối hoàn chỉnh, giải quyết được nhiều vấn đề bất cập, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế hoạt động thanh tra.
Nhiều đại biểu bày tỏ tán thành với việc tiếp tục giữ bộ máy thanh tra cấp huyện như hiện nay. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thanh tra cấp huyện sẽ phát huy tốt vai trò tại các địa phương có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều nhu cầu về thanh tra. Thực tế, thời gian qua, thanh tra cấp huyện ở nhiều nơi chưa được quan tâm bố trí nguồn lực để hoạt động có hiệu quả, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý Nhà nước ở cấp huyện.
Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) và một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung để dự án Luật khi ban hành có thể giải quyết triệt để những bất cập của Luật Thanh tra hiện hành.
Cụ thể, cần rà soát những trường hợp cơ quan thanh tra không đồng ý với văn bản trả lời của cơ quan chức năng có trách nhiệm liên quan trong việc xem xét, kiến nghị khởi tố vụ án; đồng thời, xem xét bổ sung, sửa đổi khoản 2 Điều 7 theo hướng mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn để cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm xem xét kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan thanh tra chuyển đến và trả lời bằng văn bản việc xử lý kiến nghị đó.
Trường hợp không đồng ý với văn bản trả lời của cơ quan thẩm tra, thì cơ quan thanh tra có thể gửi văn bản đề nghị cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét lại vụ việc.
Liên quan đến tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, nhiều đại biểu cho rằng, dự án Luật cần quy định rõ hơn công tác phối hợp xử lý hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát của cơ quan dân cử và hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng.
Từ đó, phát huy tối đa hiệu quả của cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, tránh lãng phí nguồn lực, khắc phục những bất cập hiện nay, góp phần tăng cường hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Về kết luận thanh tra, dự án Luật cần được xem xét bổ sung các quy định cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ sung, sửa đổi kết luận thanh tra nhằm tránh tiêu cực, hạn chế việc kết luận thanh tra dù đã ban hành vẫn rơi vào tình trạng “sửa đi sửa lại”.
Một trong những nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm trong phiên làm việc là việc bổ sung các quy định về thanh tra đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm triển khai cơ quan thanh tra bảo hiểm xã hội ở cả cấp trung ương lẫn địa phương.
Theo các đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định), Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng), cơ quan bảo hiểm xã hội đã được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và một số nhiệm vụ quản lý nhà nước theo các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính và được cụ thể hóa tại các văn bản hướng dẫn thi hành.
Những năm qua, ngành bảo hiểm xã hội đã khẳng định được vai trò, vị thế trong thực hiện nhiệm vụ nêu trên, góp phần không nhỏ ngăn chặn tình trạng trốn đóng, chiếm dụng, nợ đọng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tạo được niềm tin của Đảng, Nhà nước và người dân.
Vì vậy, việc quy định cơ quan thanh tra bảo hiểm xã hội ở các cấp nêu trên sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống thanh tra của các cơ quan thuộc Chính phủ, tương tự như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê.
Bảo vệ môi trường trong khai thác dầu khí
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, tên gọi “Luật Dầu khí” đã được sử dụng thống nhất trong thực tiễn hoạt động dầu khí từ khi Luật điều chỉnh về hoạt động dầu khí thượng nguồn được ban hành năm 1993 cho tới nay và được ghi nhận tại các hợp đồng dầu khí ký kết với các nhà thầu trong và ngoài nước về luật áp dụng đối với hoạt động dầu khí tại Việt Nam.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang sử dụng tên gọi Luật Dầu khí để điều chỉnh các hoạt động thượng nguồn. Quy định tại dự thảo Luật đã đủ rõ về phạm vi điều chỉnh chỉ bao gồm điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn. Vì vậy, giữ tên gọi dự thảo Luật như đã trình, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, liên tục của pháp luật về dầu khí.
Về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) và nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù, mang tính rủi ro cao, do tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí.
Do vậy, các quy định điều chỉnh liên quan đến mỏ dầu khí tận thu và các quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí nói chung và mỏ dầu khí khai thác tận thu nói riêng là một điểm quan trọng đột phá của dự thảo Luật lần này.
Hiện nay, một số mỏ dầu khí, lô dầu khí sản lượng đã giảm hoặc hết hạn hợp đồng hoặc nhà thầu chấm dứt hợp đồng sớm dẫn đến suy giảm về hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về hoạt động này cho nên việc triển khai các dự án để tận thu nguồn tài nguyên quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư không còn thực sự hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Vì vậy, để có thể tiếp tục hoạt động khai thác, tận thu mỏ dầu khí, thực sự nâng cao hiệu quả kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước, đối với việc khai thác các mỏ này, các ý kiến đề nghị, cần có quy định thật cụ thể, luật hóa các chính sách khai thác tận thu đặc thù, phân biệt với cơ chế phân chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.
Một số ý kiến nhấn mạnh, trong các quy định về hợp đồng lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí, chuyển nhượng hợp đồng dầu khí, thẩm định và phê duyệt các chương trình, báo cáo, kế hoạch tìm kiếm khai thác dầu khí, cũng cần bổ sung các cơ chế kiểm soát, đánh giá thận trọng hơn đối với tác động về quốc phòng, an ninh cho thật chặt chẽ.
Về nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) và một số ý kiến cho rằng, đây là nội dung được cử tri, các nhà nghiên cứu rất quan tâm, tuy nhiên dự thảo Luật chưa dành cho nội dung này dung lượng “xứng đáng”.
Do đó, cần có một chương riêng hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về việc bảo vệ môi trường trong thăm dò, khai thác dầu khí, gắn trách nhiệm cho các đơn vị, cơ quan gây ra sự cố về môi trường; cân nhắc bổ sung quy định về phòng, chống sự cố dầu khí, bởi kế hoạch ứng phó sự cố dầu khí là một nội dung quan trọng trong hoạt động dầu khí. Sự cố dầu khí khi xảy ra thường là rất nghiêm trọng, để xử lý cần phải có sự tham gia của nhiều bên, kỹ thuật và chuyên môn đặc thù.
Luật Thanh tra (sửa đổi) cần tập trung xử lý thực trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra hiện nay. Yêu cầu không chồng chéo, không trùng lặp được nhắc lại nhiều lần trong dự thảo Luật nhưng thực tế cho thấy là tuy không trùng về nội dung, không trùng về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra, ảnh hưởng đến điều hành hoạt động của địa phương, đơn vị. Do đó, nên quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với bộ, ngành, địa phương.
Đại biểu NGUYỄN THỊ KIM THÚY (Đà Nẵng)
Luật Thanh tra (sửa đổi) có quy định khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước để xử lý theo quy định… Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn chưa quy định rõ cơ chế xử lý chồng chéo, nếu hai cơ quan không thống nhất được với nhau thì sẽ xử lý ra sao… Bên cạnh đó, cần quy định nguyên tắc xử lý chồng chéo giữa thanh tra bộ và thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và các cơ quan thanh tra.
Đại biểu NGUYỄN VĂN MẠNH (Vĩnh Phúc)
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) quy định cá nhân tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí phải liên doanh với tổ chức để có đủ điều kiện thực hiện. Nếu quy định như dự thảo Luật sẽ làm mất đi quyền tự chủ cũng như tính độc lập của cá nhân trong điều tra cơ bản về dầu khí. Để chính sách về dầu khí của Nhà nước thực sự thu hút các nhà đầu tư hơn nữa thì không nên hạn chế tính độc lập, tự chủ của cá nhân. Khi cá nhân có đủ điều kiện và năng lực tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí thì có thể tự mình độc lập thực hiện mà không cần thiết phải liên doanh với bất kỳ tổ chức nào khác.
Đại biểu HOÀNG THỊ THANH THÚY (Tây Ninh)
Ý kiến ()