Chú trọng tạo nguồn cán bộ trẻ
Chủ động tạo nguồn cán bộ, Tỉnh ủy Bến Tre thực hiện khá tốt phương châm "động" và "mở", bảo đảm ba độ tuổi, quan tâm phát hiện nguồn cán bộ trẻ đưa vào quy hoạch.Nhờ vậy, công tác quy hoạch cán bộ thời gian qua của tỉnh có bước chuyển biến tích cực, đổi mới về nội dung và cách làm theo hướng mở rộng dân chủ, từ đánh giá cán bộ đến việc giới thiệu nguồn và lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ dự kiến đưa vào quy hoạch. Hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức trẻ của tỉnh chiếm 37,58%, trong đó cán bộ trẻ giữ chức lãnh đạo, quản lý là 10,23%. Tuy nhiên đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh Bến Tre hiện nay còn tình trạng "vừa thiếu vừa thừa", một bộ phận lớn tuổi, quá trình công tác dài, có kinh nghiệm thực tiễn, nhưng không đạt chuẩn về học vấn và chưa được đào tạo đại học chuyên môn, cho nên không đủ điều kiện xét tuyển vào các lớp cao cấp lý luận chính trị. Một số đồng chí tuổi trẻ, được đào tạo cơ bản nhưng...
Chủ động tạo nguồn cán bộ, Tỉnh ủy Bến Tre thực hiện khá tốt phương châm “động” và “mở”, bảo đảm ba độ tuổi, quan tâm phát hiện nguồn cán bộ trẻ đưa vào quy hoạch.
Nhờ vậy, công tác quy hoạch cán bộ thời gian qua của tỉnh có bước chuyển biến tích cực, đổi mới về nội dung và cách làm theo hướng mở rộng dân chủ, từ đánh giá cán bộ đến việc giới thiệu nguồn và lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ dự kiến đưa vào quy hoạch. Hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức trẻ của tỉnh chiếm 37,58%, trong đó cán bộ trẻ giữ chức lãnh đạo, quản lý là 10,23%.
Tuy nhiên đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh Bến Tre hiện nay còn tình trạng “vừa thiếu vừa thừa”, một bộ phận lớn tuổi, quá trình công tác dài, có kinh nghiệm thực tiễn, nhưng không đạt chuẩn về học vấn và chưa được đào tạo đại học chuyên môn, cho nên không đủ điều kiện xét tuyển vào các lớp cao cấp lý luận chính trị. Một số đồng chí tuổi trẻ, được đào tạo cơ bản nhưng thực tiễn chưa nhiều, kinh nghiệm và năng lực lãnh đạo, quản lý có mặt hạn chế. Phần đông là đào tạo đại học hệ tại chức, nhất là các cán bộ trẻ được quy hoạch cán bộ chủ chốt. Có trường hợp đào tạo chuyên môn chưa phù hợp ngành nghề đang làm. Việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hằng năm thực hiện chưa kịp thời… Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức trẻ giảm sút ý chí, phai nhạt lý tưởng, thiếu sự phấn đấu vươn lên, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật kém,…
Từ thực tiễn của Bến Tre, để tạo nguồn cán bộ trẻ, chúng tôi thấy rằng, trước hết phải đặt công việc này trong tổng thể nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nói chung; trên cơ sở nâng cao chất lượng công tác quy hoạch gắn với việc bố trí, sử dụng cán bộ một cách hợp lý; phát huy tốt nhất năng lực, sở trường, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho cán bộ trẻ cống hiến và trưởng thành. Các cấp ủy cần xây dựng, ban hành những chính sách thu hút, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài, khuyến khích cán bộ trẻ tự học, nhất là đào tạo sau đại học, đào tạo ở nước ngoài. Các ngành, các cấp phải thật sự tin tưởng vào lớp trẻ, quan tâm, dìu dắt và biết khơi dậy, phát huy tiềm năng, sự sáng tạo, vai trò xung kích, tình nguyện đến công tác ở những địa bàn còn khó khăn của cán bộ trẻ. Bản thân cán bộ trẻ phải có tinh thần cầu thị, có ý chí, không ngừng rèn luyện, phấn đấu vươn lên. Cần phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên, thường xuyên khơi dậy và phát động các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ, thông qua đó, phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ trẻ.
Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 (khóa IX) về xây dựng Đảng đã nêu ba vấn đề cấp bách, trong đó, Trung ương chỉ ra rằng: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Do vậy, việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trẻ, vừa là nhân tố bảo đảm sự phát triển bền vững, vừa góp phần ngăn ngừa tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ trẻ hiện nay.
Để làm tốt công tác tạo nguồn cán bộ trẻ, trong những năm tới, theo chúng tôi cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức của các tổ chức đảng, các cấp, các ngành và toàn xã hội về tạo nguồn cán bộ trẻ; xem đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài của các cấp ủy đảng, của cả hệ thống chính trị; chỉ đạo rà soát, bổ sung vào chương trình hành động những nội dung cụ thể để lãnh đạo phát triển nguồn nhân lực, định kỳ tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm việc thực hiện.
Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; quan tâm giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/T.Ư, ngày 14-5- 2011 của Bộ Chính trị, tạo sự chuyển biến về ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ trẻ.
Ba là, nâng chất lượng công tác quy hoạch cán bộ để tạo nguồn cán bộ trẻ; kịp thời phát hiện những cán bộ trẻ có thành tích nổi bật qua các phong trào thi đua ở địa phương, có chiều hướng phát triển để xem xét đưa vào quy hoạch, tạo nguồn cán bộ đa dạng, phong phú mang tính kế thừa, phát triển liên tục. Đổi mới quy trình giới thiệu cán bộ dự nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, nhất là đối với cán bộ trẻ.
Bốn là, trên cơ sở quy hoạch, lập kế hoạch đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý, gắn với quy hoạch, đào tạo cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ khoa học – kỹ thuật, chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý sản xuất kinh doanh giỏi,… Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch và lấy chất lượng, hiệu quả làm mục tiêu đào tạo. Công tác quy hoạch phải gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch. Đối với cán bộ trẻ trong diện quy hoạch nhất thiết phải được đào tạo cơ bản về lý luận, được rèn luyện qua cơ sở.
Năm là, công tác quy hoạch phải mang tính đột phá; tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp đại học bằng cách tuyển dụng bố trí các chức danh cán bộ chuyên trách, công chức ở cơ sở. Sau một thời gian rèn luyện, cấp ủy lựa chọn những đối tượng có triển vọng phát triển cử đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; triển khai kế hoạch đào tạo cán bộ nguồn chức danh bí thư, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; tuyển chọn trí thức trẻ đưa về làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã.
Sáu là, khắc phục tư tưởng chưa đánh giá đúng lớp trẻ, chưa tin tưởng vào khả năng gánh vác trách nhiệm của cán bộ trẻ; mạnh dạn bố trí chức trách phù hợp, giao việc cụ thể cho cán bộ trẻ, kể cả những công việc khó có sự giúp đỡ, hướng dẫn của các cán bộ có kinh nghiệm, từ đó tạo động lực thúc đẩy cán bộ trẻ công tác tốt hơn. Xây dựng môi trường công tác lành mạnh để cán bộ trẻ được rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành bằng chính phẩm chất và tài năng của mình, yên tâm và tuyệt đối tin tưởng vào sự công minh của tổ chức.
Bảy là, có chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng một số chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp thực tiễn trong từng giai đoạn.
Tám là, tăng cường sự phối hợp giữa ban tổ chức cấp ủy, ngành nội vụ và ban chấp hành đoàn thanh niên các cấp trong công tác tham mưu giúp cấp ủy phát hiện, tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo cán bộ trẻ. Quan tâm kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu cho cấp ủy về công tác cán bộ, bổ sung cán bộ có trình độ, năng lực làm công tác cán bộ; kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ của ban tổ chức các cấp; tăng cường đào tạo nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất đạo đức có tinh thần trách nhiệm, trung thực, liêm chính, công tâm, khách quan trong công việc.
Để thực hiện tốt các giải pháp trên, việc đổi mới công tác cán bộ nói chung, tạo nguồn cán bộ trẻ nói riêng phải đặt trong tổng thể công tác xây dựng Đảng và đồng bộ với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chủ động ngăn ngừa tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ trẻ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()