Chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ
– Những năm gần đây, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện Bắc Sơn phát triển cả về số lượng và chất lượng, không chỉ ở khu vực thị trấn mà tại các xã, cụm xã, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng ngày càng cao của bà con.
Người dân mua sắm hàng hóa tại chợ Trung tâm Thị trấn Bắc Sơn
Huyện Bắc Sơn có mạng lưới đường giao thông khá thuận tiện. Các xã trên địa bàn huyện đều có đường giao thông đi lại được bốn mùa. Đây là điều kiện thuận lợi để giao thương hàng hóa, phát triển đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ trên địa bàn.
Để phát triển thương mại, dịch vụ, huyện đã quan tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện để các hộ được vay vốn ưu đãi để mở rộng, phát triển kinh doanh; tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh, dịch vụ về các quy định trong sản xuất, kinh doanh.
Theo số liệu từ Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện, hiện nay, toàn huyện có hơn 5.600 hộ kinh doanh, tăng hơn 450 hộ so với năm 2019. Những hộ kinh doanh lâu năm thường xuyên quan tâm tái đầu tư, mở rộng quy mô kinh doanh và đa dạng các mặt hàng phục vụ nhu cầu của bà con.
Cửa hàng điện máy Thắng Lan của ông Dương Công Thắng, thôn Mỏ Nhài (xã Hưng Vũ). Đây là địa chỉ tin cậy của bà con trên địa bàn xã và một số xã lân cận khi có nhu cầu mua sắm. Ông Thắng cho biết: Nhà tôi có vị trí thuận lợi nằm trên đường tỉnh 243 và ở khu vực đông dân cư, từ năm 2010, tôi bắt đầu kinh doanh thức ăn chăn nuôi, đồ nhựa và máy móc nông nghiệp phục vụ bà con trên địa bàn. Thời điểm đó, tôi nhập khoảng 30 mặt hàng về bán. Nhận thấy nhu cầu mua sắm các thiết bị điện của bà con ngày càng lớn, năm 2014, tôi đã mở rộng quy mô kinh doanh thêm các thiết bị điện như: máy giặt, máy lọc nước, nồi cơm điện… Hiện nay, cửa hàng của tôi có hơn 100 mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con trrong và ngoài xã. Từ hoạt động kinh doanh, trung bình mỗi năm, gia đình thu về khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Ngoài ra, huyện Bắc Sơn có 1 chợ thị trấn và 11 chợ xã. Thời gian qua, huyện đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, thông tin, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về chủ trương của Nhà nước, của tỉnh về chuyển giao mô hình quản lý chợ cũng như thu hút xã hội hóa vào đầu tư xây dựng, cải tạo chợ. Đến nay, toàn bộ các chợ đã được chuyển giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, khai thác và sử dụng. Sau khi các chợ được chuyển giao, chủ đầu tư đã và đang tiến hành đầu tư xây mới, sửa chữa, cải tạo, đưa các chợ trở thành nơi mua bán sầm uất, đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của bà con. Đây cũng chính là cơ sở để đẩy mạnh hoạt động bán lẻ trên địa bàn.
Theo số liệu từ Chi cục Thống kê huyện Bắc Sơn, giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ của huyện Bắc Sơn tăng qua từng năm. Năm 2021, giá trị sản xuất lĩnh vực thương mại, dịch vụ đạt hơn 963 tỷ đồng, tăng hơn 280 tỷ đồng so với năm 2016; tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm 34% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, dự ước giá trị sản xuất lĩnh vực thương mại, dịch vụ của huyện đạt hơn 510 tỷ đồng, tăng hơn 50 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Hoàng Thanh Bình, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Bắc Sơn cho biết: Nếu như trước đây, hoạt động thương mại, dịch vụ chủ yếu tập trung ở thị trấn Bắc Sơn, thì nay hoạt động này đã phát triển rộng khắp các xã trong huyện. Đi từ thị trấn đến trung tâm các xã, cụm xã giờ rất dễ nhận thấy nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ được mở mới hai bên đường đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của bà con. Trong đó, điển hình có các xã như Vũ Lễ, Nhất Hòa, Hưng Vũ…
Ông Âu Xuân Hoàn, thôn An Uý, xã Nhất Hoà cho biết: Trước đây, trong xã chỉ có một vài cửa hàng tạp hoá, số lượng mặt hàng rất ít, nhiều đồ muốn mua, tôi phải ra thị trấn hoặc chờ ngày chợ phiên mới có bán. Trong 5 năm trở lại đây, các cửa hàng đã đầu tư nhập nhiều mặt hàng về bán, hàng hoá rất phong phú, đa dạng, chất lượng tốt, giá cả hợp lý nên thuận tiện hơn khi mua sắm.
Để thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển, thời gian tới, huyện Bắc Sơn tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển thương mại, dịch vụ; quan tâm thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ tại những khu vực khó khăn. Cùng đó, đa dạng hóa các sản phẩm gắn với nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo điều kiện cho các sản phẩm được tiếp cận với những thị trường phù hợp, nhất là các sản phẩm đặc trưng của huyện. Đồng thời, nâng cấp, đầu tư phát triển hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi và hình thành các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối phát luồng tại các vị trí trọng điểm về thương mại của huyện; phát triển đa dạng các loại hình thương mại trên địa bàn…
Ý kiến ()