Chú trọng phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
– Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS) đã xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Qua đó, góp phần kiểm soát chặt chẽ ATTP, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhà hàng Đồng Quê, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định trung bình mỗi ngày đón tiếp từ 70 đến 100 thực khách. Khách hàng chủ yếu là khách du lịch, khách đặt cơm hội nghị, tiệc cưới trên địa bàn huyện. Bà Vũ Thị Ngọc Diệp, chủ nhà hàng cho biết: Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, nhà hàng luôn ưu tiên lựa chọn những sản phẩm đặc sản địa phương có chất lượng thơm ngon, đảm bảo ATTP. Theo đó, những ngày cao điểm đông khách, mỗi ngày, nhà hàng nhập từ 30 đến 40 con vịt quay từ cơ sở vịt quay Thu Hằng (thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định) để phục vụ thực khách thưởng thức tại chỗ và gói làm quà.
Chị Nguyễn Thị Hồng Xiêm, chủ cơ sở vịt quay Hồng Xiêm, thành phố Lạng Sơn gói hàng gửi cho khách Hà Nội
Được biết, cơ sở vịt quay Thu Hằng là một trong những cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm vịt quay, khau nhục đã được cấp chứng nhận chuỗi cung ứng ATTP từ năm 2021. Bà Nguyễn Thị Hằng, chủ cơ sở cho biết: Trung bình mỗi ngày, cơ sở bán từ 40 đến 50 bát khau nhục, từ 80 đến 100 con vịt quay. Các ngày lễ, tết có thể bán được từ 100 đến 200 con, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các nhà hàng, bếp ăn trên địa bàn huyện; khách hàng tại các tỉnh, thành phố như: Bắc Ninh, Hà Nội…
Theo thông tin từ Chi cục QLCLNLS&TS, từ năm 2016 đến nay, chi cục đã xây dựng thành công 20 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với những sản phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng hằng ngày của người dân. Riêng trong năm 2021, chi cục đã xây dựng được 9 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, vượt 150% kế hoạch.
Các chuỗi gồm: chuỗi rau, quả sạch, hạt macca, sachi (huyện Cao Lộc); chuỗi sản xuất nấm, rau củ quả, mật ong, hạt mắc ca, vịt quay (thành phố Lạng Sơn); chuỗi quả na (huyện Chi Lăng); chuỗi gạo nếp cái hoa vàng, cá các loại (huyện Bắc Sơn); chuỗi gạo nếp ong vàng, gạo bao thai hồng, thạch đen, vịt quay, khau nhục (huyện Tràng Định); chuỗi khoai tây, khoai lang (huyện Lộc Bình); chuỗi hồng vành khuyên (huyện Văn Lãng); chuỗi nem nướng, trà bò khai (huyện Hữu Lũng).
Theo đó, các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được kiểm soát tất cả các khâu, từ sản xuất đến tiêu thụ. Các công đoạn đều áp dụng quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, có cam kết về ATTP. Hiện nay, nhiều nhà hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn các sản phẩm được cấp chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm sạch của khách hàng. Đơn cử như: Nhà hàng Thảo Viên, Hương Sen nhập đặc sản vịt quay của cơ sở vịt quay Hồng Xiêm; siêu thị Thành Đô nhập sản phẩm hạt mắc ca của Công ty TNHH MTV Hoàng Liên MC…
Bà Nguyễn Thị Ngọc, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trước đây, tôi thường mua rau ở ngoài chợ. Tuy nhiên, gần một năm nay, thay vì mua rau ở chợ, tôi chọn mua ở các ki ốt bán rau ở chợ Bờ Sông. Các sản phẩm rau, củ ở đây luôn tươi ngon do các hợp tác xã sản xuất và đã được cấp chứng nhận an toàn. Tôi thấy yên tâm hơn khi lựa chọn rau, củ tại đây cho các bữa ăn của gia đình.
Để xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hằng năm, Chi cục QLCLNLS&TS đã thực hiện lồng ghép tuyên truyền nội dung xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho trên 2.000 lượt người. Định kỳ hằng tháng, chi cục lấy mẫu 1 đến 2 lần tại cơ sở sản xuất, kinh doanh để giám sát. Kết quả, những sản phẩm trong chuỗi đều đạt các tiêu chí ATTP. Cùng đó, hỗ trợ in bao bì, tem nhãn để nhận diện sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; thường xuyên cập nhật thông tin các chuỗi trên các trang, cổng thông tin điện tử, sàn giao dịch nông sản để tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLS&TS cho biết: Các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xây dựng đã góp phần kiểm soát chặt chẽ ATTP, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Thông qua logo nhận diện, người tiêu dùng dễ dàng phân biệt và lựa chọn được các sản phẩm đã được kiểm soát ATTP theo chuỗi, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Năm 2022, chi cục có kế hoạch xây dựng 5 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó, phấn đấu đến hết năm, tất cả 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của người dân. Hiện tại, chi cục đang tiến hành khảo sát, lựa chọn các cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện, sau đó thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý hoàn thiện hồ sơ và cấp chứng nhận theo quy định. Cùng đó, chi cục tăng cường hỗ trợ liên kết sản xuất, khuyến khích các cơ sở được cấp chứng nhận đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng phạm vi cung ứng, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn của tỉnh.
Ý kiến ()