Chú trọng phát triển cây ăn quả
LSO-Trong những năm gần đây, huyện Hữu Lũng tập trung phát triển các loại cây ăn quả như: cam, bưởi, na, táo đại,... qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung và nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người nông dân.
Người dân xã Cai Kinh chăm sóc vườn cam đường Canh |
Sản xuất nông nghiệp khó khăn do thiếu nước tưới, đồng thời giá trị kinh tế thu lại không cao, ông Nông Văn Lợi, thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh đã mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư trồng trên 500 cây na, hơn 100 cây táo đại, khoảng 3 năm trở lại đây, mô hình trồng cây ăn quả này đã mang lại thu nhập cho ông Lợi trên 300 triệu đồng/năm. Qua tìm hiểu, không chỉ gia đình ông Lợi, nhiều hộ khác có thu nhập từ 200 triệu đến 300 triệu đồng/năm từ trồng cây ăn quả, như: hộ ông Nông Văn Lâm, Nông Văn Hội…
Hiện toàn xã Cai Kinh có khoảng gần 400 ha cây ăn quả, gồm 4 loại cây chính là: cam đường Canh, bưởi Diễn, na, táo đại. Trong đó, cây na chiếm phần lớn diện tích (130 ha), cam đường Canh (110 ha), bưởi Diễn (100 ha), táo đại (32 ha). Để cây ăn quả phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, hằng năm xã phối hợp tổ chức mở từ 2 đến 3 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây ăn quả cho người dân; phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn mở hội nghị tiêu thụ sản phẩm 2 lần/năm, để tạo đầu ra cho sản phẩm… Cùng với đó, xã thành lập các tổ tín chấp để người dân thông qua đó được vay vốn ngân hàng phát triển trồng cây ăn quả, hiện tổng dư nợ toàn xã đạt khoảng 30 tỷ đồng. Ông Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cai Kinh cho biết: Từ các giải pháp thiết thực, diện tích cây ăn quả của xã ngày càng phát triển, từ đầu năm 2017 đến nay, xã trồng mới được gần 50 ha cây ăn quả các loại; nhiều hộ dân có thu nhập từ 100 triệu đến 500 triệu đồng/năm, đặc biệt đã có hộ thu nhập lên tới hơn 1 tỷ đồng/năm từ trồng cây ăn quả.
Không chỉ riêng ở xã Cai Kinh, những năm qua, phong trào trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện diễn ra mạnh mẽ, đã và đang hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung như: vùng trồng bưởi Diễn, cam, táo đại ở các xã: Nhật Tiến, Minh Tiến, Đồng Tân, Tân Thành, Cai Kinh; trồng na ở các xã: Yên Vượng, Yên Thịnh, Yên Sơn, Hòa Lạc… Hiện nay, toàn huyện có 4.610 ha cây ăn quả các loại, trong đó một số cây chiếm diện tích lớn như: vải thiều 1.700 ha; cây na khoảng 1.300 ha; nhãn 343 ha; cây cam đường Canh gần 100 ha; bưởi 230 ha; táo 110 ha… Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn huyện trồng mới được gần 300 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là táo đại, bưởi, cam…
Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để cây ăn quả phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, huyện xác định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho người dân trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đồng thời làm cầu nối để hình thành các mối liên kết giữa doanh nghiệp với nhà nông, tạo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, huyện xác định thế mạnh là cây na và phát triển cây táo đại theo hướng VietGap; hỗ trợ giống, phân bón thực hiện các mô hình trồng cây ăn quả gắn với xây dựng nông thôn mới; mở các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật về trồng cây ăn quả cho người dân. Thực tế cho thấy, thời gian qua, bà con các xã trên địa bàn huyện đã chủ động chuyển đổi sang phát triển mô hình vườn đồi trồng cây ăn quả và mô hình này đang cho hiệu quả thiết thực. Thời gian tới, huyện tiếp tục các giải pháp để phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()